Vui buồn chuyện “single mom” vượt cạn

Linh Nhi,
Chia sẻ

Vượt cạn, dường như chỉ là một đoạn đường ngắn ngủi có bi, có hài trên cả con đường đầy chông gai, dài thăm thẳm của những bà mẹ đơn thân (single mom).

Cuộc sống hiện đại, tư duy của nhiều người phụ nữ về gia đình không còn bị bó hẹp trong khuôn đúc chọn một người đàn ông để kết hôn rồi sinh con đẻ cái. Không ít chị em đã can đảm giương cao khẩu hiệu: “Thiên chức thiêng liêng nhất của người phụ nữ là được làm mẹ chứ không phải làm vợ”, và rồi họ quyết định trở thành mẹ đơn thân. 

Suốt 9 tháng vác bụng bầu, đa phần “single mom” đều cố gắng giữ kín tên “tác giả”, lẩn tránh hay vượt qua mọi dèm pha của người đời, chuẩn bị sẵn sàng đối diện với cả ngàn khó khăn phía trước. Nhưng rồi tới ngày vượt cạn, trong cơn đau chuyển dạ, những lúng túng, yếu mềm, tủi hờn “đúng chất đàn bà”… lại trỗi dạy mạnh mẽ trong lòng họ.

Điền tên chồng là… Bill Gates

Bà mẹ đơn thân Nguyễn Thị Thu (29 tuổi, nhân viên phòng dịch vụ của một công ty máy xây dựng có vốn đầu tư Nhật Bản) vẫn còn nhớ như in ngày cậu con trai Tùng Lâm (8 tháng tuổi) chào đời: “Cũng như tất cả các mẹ đơn thân khác, sẽ có rất nhiều điều khó quên trong lần đi vượt cạn một mình. Đặc biệt là khoản khai tên chồng”.

Chị Thu kể: “Mình tới viện từ 6 giờ sáng, làm thủ tục đăng ký sinh mổ. Đầu tiên là điền họ tên bệnh nhân, số điện thoại, tên người nhà… Có mục ghi tên chồng. Làm mẹ đơn thân thì làm gì có chồng mà ghi. Mình bỏ trống ô đó, rồi đưa lại tờ giấy khai cho cô y tá. Có lẽ vừa sáng sớm, cô ấy chưa tỉnh ngủ nên thảng thốt hỏi mình sao lại không ghi tên chồng”.

Chị Thu tâm sự, chia tay cuộc tình đầu kéo dài đằng đẵng 8 năm ròng, chị mất hoàn toàn niềm tin vào đàn ông. Quyết định sinh một đứa con, chị giấu gia đình đi thụ tinh nhân tạo. Tháng bầu thứ 3, chị Thu xin nghỉ việc ở Hà Nội rồi chuyển vào Sài Gòn.

Vui buồn chuyện “single mom” vượt cạn
Đối với đa phần các bà mẹ đơn thân đi vượt cạn, khoản khai tên chồng
 luôn để lại nhiều kỷ niệm đặc biệt (Ảnh minh họa)

Mỗi lần đi khám thai, mình chỉ chăm chăm tới khám nhanh, về nhanh. Nhất quyết không để cho những hình ảnh bà bầu khác được chồng đưa đi khám lọt vào mắt. Dần dà trong đầu cũng mất hẳn khái niệm “chồng”. Thế mà hôm đi đẻ lại bị cô y tá khơi lại", chị kể.
"Mình nói với cô y tá em không có chồng nên không ghi. Bạn biết cô ấy nói gì không? Ơ chị này, không có chồng sao chị có bầu mà đi đẻ được. Thấy cô ấy quá cứng nhắc, mình điền bừa, cũng không nhớ điền là tên gì nữa. 

Lúc sinh xong, có mấy người bạn đến thăm, nghe mình kể chuyện mà mọi người cười rũ rượi. Có người còn đùa sao không điền tên chồng là Bill Gates cho con thông minh”, chị Thu bật cười.

Trên một diễn đàn dành cho chị em phụ nữ, một bà mẹ đơn thân cũng chia sẻ câu chuyện dở khóc, dở cười trong lần đi vượt cạn. Có lẽ bà mẹ đơn thân này may mắn hơn chị Thu bởi mẹ cô biết chuyện, chấp nhận cho cô sinh con, rồi cũng đích thân “tháp tùng” cô tới viện. Xin được trích dẫn lại câu chuyện của cô gái: 

Mình sinh mổ tự nguyện. Bác sĩ nói nước ối đục rồi nên cũng lo. Kíp trực hôm ấy nhiệt tình với mình lắm. Xong xuôi, về làm thủ tục nhập viện, cô y tá ghi đến phần "chồng", mình ú ớ rồi nói "em không có...”. Chị ấy hơi ngớ ra một lúc rồi bảo mình khai tên mẹ mình. 

Lưu ý là trước đó bác sĩ khám cho mình nói rằng em bé không có bất cứ một biểu hiện nào bất thường hết nhé. Sau đó mình nằm lên bàn để y tá xem độ mở. Tự nhiên bác sĩ đến sờ bụng, sờ bé rồi kêu "thai nhỏ quá nhỉ, trường hợp này phải làm cam đoan thôi". Mình sợ run người, hỏi mà chẳng ai nói tại sao. 

Mẹ mình phải viết cam đoan. Sau đó mình vào phòng mổ, bé nặng 3,1kg, chả nhỏ tẹo nào. Mấy hôm sau, mình mới biết, vì mình khai không có chồng nên bác sĩ mới làm thế. Đúng là dở hơi. Tính mạng người ta, người ta lo. Có mẹ đẻ ở đấy rồi, lại đi phụ thuộc vào cái người mang tên "chồng"”.

Nước mắt từ phòng chờ sinh tới phòng hậu sinh

Đối với bà mẹ đơn thân Trần Thanh Huyền (36 tuổi, Hàng Bè, Hà Nội), ngày đi vượt cạn chính là ngày chị thấm thía nhất sự cô đơn, nhưng cũng là nghị lực buộc phải có khi lựa chọn con đường trở thành “single mom”. 

Chị Huyền kể: “Sắp đến ngày sinh lo lắng quá nên chẳng đêm nào ngủ được. Biết chắc lúc vượt cạn mình sẽ đau đớn rất nhiều. Đau cả về thể xác lẫn tinh thần. Bố của bé bỏ rơi mẹ con mình từ khi bé mới có mấy ngày tuổi thôi. Từ đó đến nay chưa một lời hỏi thăm xem mẹ con mình sống hay chết. 

Mình chẳng oán giận gì người ta hết, chỉ thấy buồn cho bản thân mình, thương cho con trai mình thôi. Đàn ông là vậy mà, con cái với họ có ý nghĩa gì đâu. Chỉ là sự thăng hoa trong cảm xúc. Chỉ riêng mình trân trọng, nâng niu sinh linh bé bỏng này. Mình không thể ác như người ta, chỉ dùng một liều thuốc phá thai là giải quyết mọi chuyện.

Những ngày bầu bí, tự mình rèn luyện được kỹ năng tỉnh bơ trước mọi con mắt soi mói của đồng nghiệp. Ngày xưa, chắc mình sẽ không đủ nghị lực để vượt qua đâu. Nhưng bây giờ, vì con, mình lặng thinh... Rồi thì mình cũng phải bỏ nhà đi sinh con một mình”.

Vui buồn chuyện “single mom” vượt cạn
Ảnh minh họa

Buổi trưa hôm đó, chị Huyền thấy bụng đau bất thường nên tới viện khám. Bác sĩ nói cổ tử cung đã mở được 2 cm, nói chị nhập viện chờ sinh. Chị xin về nhà chuẩn bị đồ đạc trong ánh mắt ái ngại của bác sĩ: "Ban đầu, bác sĩ không cho mình về. Nhưng mình cũng thẳng thắn chia sẻ mình chỉ có một thân một mình, không ai giúp lấy đồ được. Về nhà tắm giặt, dọn nhà rồi mới nhập viện. Trên đường đi, thấy bụng càng lúc càng đau, vừa mừng vừa lo, nghĩ ơn trời chắc mình sẽ sinh nhanh”.

Vậy mà mình ở viện 2 ngày, truyền thuốc kích cơn mà cổ tử cung không mở. Trăm mối tơ vò, lo cho con, không biết làm sao. Chắc không ai đi sinh mà khóc nhiều như mình! Mình buộc phải mổ vì đã quá dự sinh một tuần rồi.

Nhưng vì mình không có người thân nên ban đầu bác sĩ không dám mổ. Sợ rằng không có ai chăm sóc em bé lúc mình ở phòng hậu phẫu. Bí quá, mình đành gọi điện nhờ cậy một cô đồng nghiệp vào viện đón em bé
”.

Cô đồng nghiệp ngủ ở viện trông con giúp chị Huyền một đêm. Từ sáng hôm sau, rút truyền, rút thông tiểu, chị đã phải cắn răng chịu đau dậy trông con, giặt đồ. Đến ngày thứ 3 sau mổ, chẳng kiêng kị gì, chị Huyền tự ra ngoài đi mua cháo, tự đi mua nước sôi… Nhìn các giường khác trong phòng hậu sinh đều có nhiều người nhà đi trông nom, bà mẹ trẻ này tủi thân ứa nước mắt.

Có lẽ, mình là người duy nhất ở phòng sinh không có chồng đi cùng. Tủi thân và buồn lắm chứ. Nhưng đó chỉ là nỗi buồn thoáng qua thôi. Vì chính mình đã chọn con đường này mà. Giờ chỉ cần con hay ăn chóng lớn là mình mãn nguyện rồi”, ôm đứa con thơ trong lòng, chị Huyền thổn thức. 
Chia sẻ