Vừa thương vừa phục nghị lực cậu bé 6 lần phẫu thuật, 4 lần lóc da đùi ghép lên tay cụt

Huyền Trang - K.L,
Chia sẻ

Sự mạnh mẽ, nghị lực phi thường của em bé 6 tuổi đã trải qua 6 lần phẫu thuật đau đớn để bảo tồn mỏm tay còn sót lại sau tai nạn giao thông khiến người lớn cũng phải nể phục.

6 lần phẫu thuật, 4 lần lóc da đùi 

Vừa trải qua lần phẫu thuật thứ 6 được 1 ngày, cậu bé Đồng Hoàng Long (6 tuổi) còn đau đớn nhưng vẫn cười rất tươi. Nhìn gương mặt trong veo và nụ cười hồn nhiên của em, khó có thể tưởng tượng, cậu bé với nghị lực phi thường này đã trải qua những đau đớn kinh khủng chỉ trong vòng 3 tháng.

be-bi-bong
Gương mặt sáng của cậu bé có nghị lực phi thường.

Hoàng Long trở thành "chú lính chì" một tay sau một tai nạn giao thông kinh hoàng hồi tháng 10/2015, tại Nha Trang. Bố em, anh Đồng Nam Anh, kể lại trong đau đớn: hôm đó, Long đi chơi cùng bà ngoại. Hai bà cháu bị một xe container tông phải, bà ngoại bị ngã văng ra xa, Long bị cuốn vào gầm xe. Khi cậu bé cố bò ra cũng là lúc xe container tiến lên, nghiến nát cánh tay phải của em. Tài xế container bỏ trốn, để lại cậu bé 6 tuổi với cánh tay bị kẹt dưới bánh xe. Khi đội cứu hộ đến, Long vẫn rất tỉnh táo, nói mọi người "Hãy cứu bà ngoại cháu trước" rồi đọc số điện thoại của ba cho mọi người gọi. 

nghị lực
Bé Hoàng Long đã mất cánh tay và đã trải qua 6 lần phẫu thuật để giữ lại mỏm cụt.

Những ngày sau đó là hành trình chiến đấu bền bỉ của hai cha con để giữ lại một phần tay phải của em. Long được đưa vào cấp cứu và phẫu thuật lần đầu tại Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa để cắt cụt tay. 10 ngày sau điều trị, mỏm cụt bị hoại tử, Long lại phải phẫu thuật lần nữa để lọc bỏ phần hoại tử trên tay. Hai cha con đưa nhau vào TP. Hồ Chí Minh, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, chờ mô lên để cấy ghép da. Tại đây, cậu bé được lấy da ở đùi để đắp lên tay. Và sau hai lần ghép hai vạt da lớn, phẫu thuật đều không thành công. Lần ghép da thứ ba, Long được chuyển đến Bệnh viện Quận 1 (TP.HCM), điều trị 15 ngày. Tại đây, những tưởng anh Nam đã thở phào nhẹ nhõm khi bác sĩ thông báo, da cấy ghép đã ổn, nhưng đến khi tấm gạc được mở ra, anh đau đớn nhận thấy, phần da vừa ghép không sống nổi, không bám được lên tay con.

be-bi-bong
Phần da cả hai đùi bé Long đã bị lóc ra để cấy ghép da, nhưng 3 lần trước, phẫu thuật đều thất bại.

Không bỏ cuộc, anh Nam Anh quyết định đưa con ra Hà Nội điều trị ghép da lần thứ 4 tại Bệnh viện Bỏng quốc gia. Nếu lần này thành công, khoảng 10 ngày sau phẫu thuật ghép da, bé sẽ được về nhà.

be-bi-bong
Anh Nam Anh hy vọng, lần này sẽ là lần cuối cùng bé Long phải ghép da.

Nếu như trái tim kiên cường của người cha - một quân nhân đang công tác tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Khánh Hòa - và nỗ lực không mệt mỏi để giữ cho con trai một mỏm tay, với hy vọng sau này sẽ có thể gắn tay giả cho con khiến chúng ta cảm động thì nghị lực phi thường của cậu bé 6 tuổi lại khiến những ai gặp bé khâm phục. Vẫn còn đau vết mổ và chỗ lấy da, Hoàng Long hơi nhõng nhẽo ba một tí, nhưng không dám khóc nhè. Anh Nam Anh kể, từ những ngày đầu gặp nạn, đến giờ trải qua 6 cuộc phẫu thuật, chính anh còn ngạc nhiên vì sức chịu đựng của con trai mình. "Những ngày thay băng và những ngày sau mổ là đau đớn nhất, nhìn thấy con, tôi còn bật khóc, vậy mà thằng bé vẫn gồng mình chịu, chỉ cần có mặt ba, nắm chặt tay ba, bé sẽ ngồi im để các y bác sĩ thao tác. Tôi hỏi, con có đau không, thằng bé còn lắc đầu nói con chịu được, tôi còn chọc: "Ba không hiểu con là người kiểu gì nữa, sao mà không đau?", nhưng chắc là thằng bé chịu đau nhiều quá, giờ mất cảm giác rồi". 

be-bi-bong
Vẫn còn đau sau cuộc phẫu thuật lần thứ 6, Long hơi nhõng nhẽo với ba, nhưng tuyệt nhiên không khóc.

be-bi-bong
Phần lấy da mới nhất trên chân Long bị rát, cậu bé đang đòi ba xoa xung quanh cho bớt đau.

Cậu bé có trái tim người lính 

Gương mặt sáng và nụ cười của bé Hoàng Long khiến trái tim những người làm cha mẹ thắt lại, không chỉ bởi cái cách bé chịu đựng, mà còn vì cách bé vượt qua những đau đớn của số phận. Anh Nam Anh kể, Long dường như có trái tim của một người lính thực thụ. Khi chưa gặp tai nạn, cậu bé rất mê giơ tay chào ba theo nghi thức quân đội. Giờ, tay phải đã mất, Long không chào được nữa, đến lượt ba chào Long mỗi ngày, kèm theo câu đùa: "Chào sĩ quan", lần nào, bé cũng cười khoái chí.

"Ngày đầu sau tai nạn, con hỏi: "Ba ơi, tay con đâu rồi? Mất tay rồi, làm sao con viết bài?", khi tôi giải thích, tay con bị xe cán nát rồi, từ bây giờ con sẽ tập làm mọi việc bằng tay trái, con lại hỏi: "Vậy lấy tay đâu mà con đè vở?", tôi lại dỗ, mai mốt sẽ làm tay giả cho con. Giờ đã "quen" với chuyện mất cánh tay, con đang tập viết, tập xúc cơm bằng tay trái. Tôi thường mở cho con xem những clip về những bạn nhỏ không có cả hai tay mà vẫn làm được mọi việc để con xem, cho con thấy mình còn may mắn hơn, vì còn một tay..." - anh Nam Anh nghẹn ngào tâm sự.

nghị lực
Hoàng Long và ba, một quân nhân, một "chú lính chì" cười đùa bên nhau.

Anh Nam Anh cũng chia sẻ, Long là một cậu bé rất tự lập. Từ ngày sống cùng ba trong cảnh "gà trống nuôi con" (vợ chồng anh Nam Anh tan vỡ hôn nhân cách đây 2 năm), Long tự biết cách chăm sóc mình, tự sửa soạn đồ đạc, sách vở đi học trong lúc ba đi chợ sáng, tự học bài, tự đi ngủ trong khi ba đi làm thêm buổi tối. Anh kể, câu bé còn "già" trước tuổi. Biết gia cảnh không lấy gì làm khá giả, thương ba, mỗi lần mê đồ chơi gì, Long cũng không dám vòi vĩnh mà chỉ ngắm nhìn, sờ một chút rồi dặn dò: "Khi nào có thật nhiều tiền, ba mua cho con nha!", hay có lần, khi đang đi taxi cùng con lên bệnh viện, anh vứt ra ngoài cửa xe một trong những chiếc kẹp ghim kẹp tay con, Long chỉnh ngay: "Sao ba lại vứt cái đó ra đường, nhỡ ai đi xe qua chèn vô, bị lủng lốp xe, rồi bị tai nạn thì sao?" khiến anh cảm thấy bất ngờ.

be-bi-bong
Sống cùng ba sau khi ba mẹ chia tay, bé Long rất tự lập và biết thương ba.

Điều đặc biệt nhất là, Long rất yêu ba. Cậu bé thường bắt ba cạo râu sạch sẽ vì "con không thích ba già đâu". Anh Nam Anh hiện đang bị thoát vị đĩa đệm hai đốt sống lưng. Bé Long lại chưa tự đi lại được, nên việc chăm sóc, bế ẵm con khá vất vả. Khi bế con quá nặng, anh trêu: "Trời ơi, chắc tôi chết quá" hay khi anh giả vờ ngủ không dậy, Long lại rối rít: "Ba ơi, ba đừng chết nha, ba chết thì con ở với ai?".

be-bi-bong
Nụ cười hồn nhiên của cậu bé dũng cảm.

Anh Nam Anh cho biết, anh đã phải xin đơn vị cho nghỉ phép đặc biệt, đã dồn hết vốn liếng, vay mượn bạn bè, người thân để chữa chạy cho con trai. Chỉ tính riêng chi phí phẫu thuật, thuốc thang cho bé Long những ngày trước, số tiền đã lên đến 200 triệu, chưa kể các chi phí khác. Lần này, ra Hà Nội, anh hy vọng sẽ là lần cuối cùng con phải thực hiện ghép da. "Tôi không có nhiều tiền, nhưng bằng mọi giá sẽ vay mượn, xoay sở để giữ lại cho con mỏm cụt, để mai mốt có thể lắp tay giả cho bé. Sau khi da liền thành sẹo, bé sẽ phải trải qua một cuộc phẫu thuật nữa, cắt bỏ phần xương thừa, có vậy mới lắp được tay giả". - anh quả quyết. 

be-bi-bong
Long và ba hy vọng, cuộc phẫu thuật lần này sẽ thành công, để đến hè, bé có thể lắp tay giả và trở lại trường học trong năm tới.

Trong suốt 3 tháng ròng rã cùng con chiến đấu với những cuộc phẫu thuật đau đớn và những ngày thất vọng vì ghép da thất bại, anh Long gần như chỉ có một mình và gia đình bên nội. Mẹ bé Long có đến thăm con hai lần, khi bé điều trị trong TP. HCM. Động lực lớn nhất của người cha này trong hành trình tìm lại sự sống cho cánh tay của con là tình yêu ngây thơ, vô điều kiện mà bé Long dành cho anh. Cũng như Long, chỉ cần nắm tay ba sẽ gồng mình chịu đau khi thay băng, khi phẫu thuật, với anh Nam Anh, tình yêu của con chính là ngọn nguồn sức mạnh của anh.
 
be-bi-bong
Dòng chữ "Con yêu ba" được Long viết bằng tay trái, bên cạnh là ngôi sao biểu trưng cho quân đội như nhắc nhở anh Nam Anh không được gục ngã trong hành trình chạy chữa cho con.

Nhà hảo tâm giúp đỡ cháu Đồng Hoàng Long xin liên hệ:

Anh Đồng Nam Anh (bố cháu Long): SĐT 0989077799

TK : 0061000146889 Ngân hàng VietcomBank Nha Trang.


Chia sẻ