Thực hư câu chuyện ông lão bán me nghèo gây tranh cãi

Sam ,
Chia sẻ

Những ngày gần đây, cư dân mạng đang bàn tán xôn xao về câu chuyện một ông lão bán me bên đường giả nghèo khổ để trục lợi từ lòng thương của mọi người. Chúng tôi đã có một ngày theo chân ông lão để tìm hiểu thực hư câu chuyện.

Vụ việc bắt đầu từ một bức ảnh trên facebook chụp cảnh một ông lão bán me lề đường. Bức ảnh này được chú thích với nhiều cảm thông và mục đích tốt đẹp là muốn mọi người mua ủng hộ ông lão nghèo, ngày nào cũng phải trèo cây lấy me bán kiếm tiền nuôi cháu... Dân mạng lập tức like và share bức ảnh này với tốc độ chóng mặt.

Tuy nhiên chỉ 1, 2 hôm sau, trên 1 trang thông tin xuất hiện bài viết "Lật tẩy ông già bán me bên đường Sài Gòn" với nội dung khẳng định ông lão không nghèo đến mức mọi người phải cho ông nhiều tiền như thế. Sự thật (hoặc chưa phải toàn bộ sự thật) này đã khiến nhiều người bức xúc, cảm thấy như tình thương của họ bị phung phí không đúng chỗ.

Thực hư câu chuyện ông lão bán me nghèo gây tranh cãi  1

Cư dân mạng chuyển từ xót thương sang bất bình vì cảm thấy bị lừa gạt sau bài viết "Lật tẩy"

Chúng tôi đã tìm đến gặp, theo ông về tận nhà, hỏi han những người xung quanh... để hiểu hơn câu chuyện đằng sau bức ảnh "ông lão bán me ở Sài Gòn".

Một ngày theo chân ông lão bán me

Thực hư câu chuyện ông lão bán me nghèo gây tranh cãi  2
 Ông già bán me với bộ quần áo chắp vá 

Thực hư câu chuyện ông lão bán me nghèo gây tranh cãi  3
Chiếc cân cũ kỹ từng là một trong nhiều đồ nghề chính 

"Ngày mưu sinh của tôi bắt đầu từ hơn 3h sáng, khi những con đường Sài Gòn còn mờ mịt sương đêm... Tôi gọi vợ thức dậy chuẩn bị bao tải, cái bạt, xách theo cái cân cũ mèm rồi bà ấy lục đục đi bộ ra đầu hẻm bắt xe bus lên thành phố. Còn tôi đạp xe đi sau, khoảng 5h sáng, để tìm cây nhiều me hái...", lời cụ Thới  hay còn gọi là ông Tư me, chuyên bán me trên đường Tôn Đức Thắng, TPHCM, kể cho chúng tôi nghe trong buổi sáng Sài thành ồn ào xe cộ đi lại. 

Thực hư câu chuyện ông lão bán me nghèo gây tranh cãi  4
Hàng me nhỏ của 2 vợ chồng già 

Lên tới thành phố, ông lại lòng vòng qua từng con phố Lý Tự Trọng, Lê Thánh Tôn, có khi lang thang qua mấy con đường khác bên Quận 3, Quận 8 tìm cây nào có me chín thì hái đem về cho vợ bán. 

Thực hư câu chuyện ông lão bán me nghèo gây tranh cãi  5
Bà ngồi bán me góc ngã 3 Ngô Văn Năm - Tôn Đức Thắng 

Chừng 6-7h là hai vợ chồng dọn hàng, ông ngồi ở lề đường Tôn Đức Thắng, đối diện Sài Gòn Square lộng lẫy. Còn bà thì trải cái bạt con con ngồi ngã 3 Ngô Văn Năm - Tôn Đức Thắng để bán cho dòng người xuôi về Quận 4. Ngày qua ngày cần mẫn, hai ông bà gom góp chút ít tiền khoảng hơn 100 nghìn, đủ trang trải cuộc sống giữa Sài thành đắt đỏ. 

Kể về ông chồng của mình, bà thủ thỉ: "Ngày trước tôi đâu biết ông ấy làm nghề hái me, lúc quen rồi mới nghe ông nói nhưng không muốn bỏ vì yêu mất rồi". Bà kém ông 3 tuổi, quê gốc ở Bình Thuận, quanh năm đầy nắng gió mùi biển. Còn ông quê tận Tây Ninh xa xôi. "Vào Sài Gòn làm thuê, làm mướn rồi hai người gặp và quen nhau, âu cũng là cái duyên, cái số", cô bán xoài ngay cạnh bà Tư chép miệng kể. 

Ông bà có 3 người con, hai gái và một trai, cũng được ăn học nhưng không quá cấp 3 nên đi làm công nhân và giờ đã có gia đình. "Cuộc sống của tụi nó khó khăn lắm, cũng chẳng dư giả mà giúp mình", bà phân trần mỗi khi có ai hỏi "con cháu đâu, sao để hai thân già phải đi bán hàng thế này?". 

Ông kể, ông đi hái me từ hồi thanh niên trai tráng, lúc đấy hái cho chủ vựa ở cầu Muối, thu nhập cũng đủ sống. Sau này có gia đình thì vất vả hơn, nhưng ông vẫn quý cái nghề của mình vì cây me cho trái ngọt ngon để bán lấy tiền nuôi bản thân mà lại không tốn nhiều công chăm sóc. "Trời mưa chúng tôi vẫn đi hái. Thường thì mưa xong một lúc thân cây sẽ khô, lúc đó trèo lên hái dễ dàng hơn hẳn", bà nheo mắt nhìn theo dáng ông tất bật vơ bao tải đi hái me lần nữa về bán. 

Thực hư câu chuyện ông lão bán me nghèo gây tranh cãi  6
Căn nhà nhỏ nơi ông bà thuê trọ vừa làm chỗ ăn, ngủ và bếp núc. Giá thuê là 600.000 đồng/tháng.

Ngỏ ý về thăm căn nhà trọ hai ông bà thuê, ông bà niềm nở bảo: "Cô về địa chỉ này nhé, đi đường Lương Định Của đấy, rồi tới gần nhà thờ Phú Hữu rẽ vô là tới rồi". Tò mò xen lẫn cảm phục cuộc mưu sinh nguy hiểm của người đàn ông hơn 60 tuổi, chúng tôi quyết định ghé thăm nhà trọ hai ông bà thuê ở đường Nguyễn Duy Trinh, Quận 9. 

Thực hư câu chuyện ông lão bán me nghèo gây tranh cãi  7
Chum nước ao nhiều phèn dùng tắm giặt 

Thực hư câu chuyện ông lão bán me nghèo gây tranh cãi  8
Khu vệ sinh tạm bợ 

Thực hư câu chuyện ông lão bán me nghèo gây tranh cãi  9
Một góc nhà dùng để nấu ăn 

Thực hư câu chuyện ông lão bán me nghèo gây tranh cãi  10
Thỉnh thoảng bà có nhặt thêm chai nhựa đi bán 

Con hẻm ngoằn ngoèo đầy bụi dẫn tới căn nhà số 19 - nơi thuê trọ của hai ông bà. Giá phòng 600 nghìn đồng, bao gồm cả điện nước. Được biết nước ở đây kéo từ ao nên chứa rất nhiều phèn. Vì thế ông bà thường mua thêm bình nước 20 lít giá 10.000 đồng/bình về đun nấu. "Nước kia chỉ dùng tắm giặt thôi", bà bảo.

Căn phòng khá hẹp nhưng có chức năng 3 trong 1: phòng ăn, phòng ngủ và bếp nấu. "Trước đây đồ đạc trong nhà hầu hết là bao tải và bạt dứa đựng me, sau này có người tặng vợ chồng tui chiếc ti vi này đây", ông vừa nói vừa chỉ chúng tôi xem cái ti vi màu bạc đã cũ.

Thực hư câu chuyện ông lão bán me nghèo gây tranh cãi  11
Chiếc xe máy cũ giá 3 triệu 7 được nhiều tấm lòng hảo tâm giúp đỡ

Ông khoe giờ cũng không còn phải đi xe bus nữa vì nhiều người tặng tiền nên ông gom góp mua được chiếc xe cũ để chạy. Hỏi chuyện đi xe bus bị cướp như lời một trang báo khác đăng tải, ông lắc đầu bảo: "Tui không có bị cướp, vì tui có gì đâu mà cướp". 

Những người sống xung quanh ông lão nói gì?

Song song với lời kể nghèo khổ của vợ chồng ông bà Tư me thì cũng có nhiều ý kiến phản bác lại và cho rằng hoàn cảnh của ông bà không đến mức đáng thương như một số người nghĩ. 

Thực hư câu chuyện ông lão bán me nghèo gây tranh cãi  12
"Ông bà không đến nỗi quá nghèo khổ" 

Tìm gặp những người hàng ngày bán hàng quanh cụ, cô gái tên O. (sống ở Bến Tre, sinh viên Đại học KHTN) cho biết : "Cụ kể ngày xưa cụ có nhà cửa đàng hoàng, nhưng do chơi lô đề nên phải bán đi. Con cháu cụ cũng muốn đón về nhưng được một thời gian hai cụ lại đi mướn nhà, nghe cụ nói ở đó không thoải mái". O. cũng cho biết, người con rể út hiện làm bên đô thị có ý định đón bố mẹ về phụng dưỡng, nhưng do hai ông bà ham mê bài bạc nên khó hợp. Chia sẻ về anh con rể út này, bà phân bua: "Nó làm đô thị nhưng thỉnh thoảng chúng tôi vẫn bị "hốt" đi (cơ quan chức năng xử phạt tịch thu). Me lúc đấy mất sạch, cũng chẳng xin lại được vì ai làm người đó chịu". 

Tiếp tục đi hỏi bác L., người bán vé số cách chỗ cụ Thới ngồi bán me chừng 800m, bác bảo: "Hai ông bà mới tới đây bán me được chừng vài tháng thôi, người vợ bán bên ngã 3 Ngô Văn Năm tôi không nắm rõ, nhưng người chồng thì tôi biết". Rồi bác kể cụ biết chơi bài bạc nên phải vất vả kiếm tiền để thỏa mãn những nhu cầu ấy. "Mỗi người mỗi nghề, bán me không cần bỏ vốn chỉ thu lời, tuy nguy hiểm nhưng ông ấy quen việc nên không sợ", bác L nói.

Thực hư câu chuyện ông lão bán me nghèo gây tranh cãi  13
Hai cụ thu nhập trung bình khoảng 200.000 đồng/ngày

Bác cho biết thêm: "Khó khăn, vất vả thì những người bán hàng rong đều gặp. Nhưng không phải cứ nhìn thấy khổ là cho tiền, cứ nghĩ giúp là tốt, nhưng hóa ra lại hại người ta. Chuyện con cháu bệnh tật như một vài thông tin đăng tải là không hề có. Vì chỉ có hai vợ chồng già ngày ngày ra đây bán me thôi". 

Hỏi chuyện anh Dẹo (tên thường gọi của người lái xe ôm gần chỗ bán me của bà Thới), thì được anh phân bua: "Gia đình ông bà chưa đến mức nghèo khó phải cho thật nhiều tiền. Vì hai người còn sức lao động và tiền mỗi ngày bán me đủ trang trải cuộc sống. Chỉ là ngồi nắng, gió, bụi đường bay vào mặt mũi hay lo đội trật tự đô thị đi dẹp thôi. Mà những cái đấy không riêng gì hai cụ, người bán hàng rong nào cũng gặp". 

Thực hư câu chuyện ông lão bán me nghèo gây tranh cãi  14
"Bà chỉ vất vả vì chịu nắng gió, bụi đường thôi"

Tìm gặp mấy anh dân phòng chốt chặn ở khu cảng Ba Son, họ cho biết: "Ông Thới mới tới đây bán me, hàng ngày thu nhập cũng khá và không đến nỗi quá khổ như một số thông tin tràn lan trên mạng hiện nay". 

Đem thắc mắc về hoàn cảnh gia đình cụ Thới hỏi công an phường Phú Hữu, chúng tôi được biết do hai cụ mới chuyển đến và chưa đăng ký tạm trú nên khó xác định nhân thân, nghề nghiệp. Còn những người hàng xóm thì chia sẻ, hai cụ mới tới thuê trọ nên không biết nhiều, chỉ quen gọi là ông Tư thôi, cũng không biết ông bán me hay gì khác. 

Thực hư câu chuyện ông lão bán me nghèo gây tranh cãi  15
Ông Tư me

Kết: 

Khi câu chuyện về cụ già bán me có hoàn cảnh nghèo khổ cần giúp đỡ được chia sẻ trên Facebook, nó đã nhận được rất nhiều sự đồng cảm của cư dân mạng. Nhưng rồi chính cư dân mạng lại thấy hoang mang lúc sự thật là nhân vật không khổ (đến mức như họ tưởng tượng) được vén màn.

Bản thân cụ ông không kêu nghèo khổ hay bắc  loa nói "tôi bị cướp hết tiền" để xin mọi người giúp đỡ, mà chính cư dân mạng đăng thông tin chưa hoàn toàn đầy đủ lên, để rồi sau đó, hàng nghìn người like tấm ảnh tự suy ra rằng đây là một trường hợp rất đáng động lòng trắc ẩn (?!).

Hiện tại, trên mạng vẫn chia thành hai luồng ý kiến trái chiều, một bên là sự thương cảm cho cảnh nghèo khổ của ông Tư, một bên là nỗi bức xúc vì cho rằng ông lão giả khổ để lợi dụng lòng thương của người khác. Vậy còn bạn, những độc giả đọc tin có chọn lọc sẽ hành động như thế nào? Có lẽ mỗi người sẽ có câu trả lời cho riêng mình. Nhưng nếu thích ăn me và cảm phục tài nghệ leo trèo của ông, thì mua me 5000 đồng/túm hay 40.000 đồng/kg là đủ rồi, vì cho tiền không đúng chỗ đôi khi cũng có thể khiến cho một số người bỗng dưng muốn kể khổ để "kinh doanh" tình thương. 
Chia sẻ