Tâm sự những cô gái vào chùa... vượt cạn

Theo Kênh 14,
Chia sẻ

Những bà mẹ tuổi đời còn rất trẻ lúc sinh con phải vào chùa nhờ các sư thầy trụ trì cho vượt cạn, sống tá túc. Tệ hơn, có cô gái còn nỡ can tâm vứt đi giọt máu của mình nơi gần chùa.

Chùa Diệu Pháp thuộc ấp Tân Cang, xã Phước Tân, huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai), nơi đây đã nuôi dưỡng hàng trăm đứa trẻ vừa chào đời đã khoác trên mình tên gọi “trẻ mồ côi”. Sự hiện diện của các sinh linh đáng thương này là kết cục những mối tình chóng vánh từ nhiều sinh viên, thậm chí là học sinh.

Nhân duyên trời định

Chùa Diệu Pháp nằm lọt thỏm giữa rừng cao su vắng lặng ở ấp Tân Cang đến nao lòng. Thấy có người đến, nhóm trẻ đang nô đùa dưới mái hiên chùa đứng khoanh tay cúi chào. “Sư ơi…có khách ghé thăm”, một đứa trẻ nhanh nhẹn thông báo với sư trụ trì.

Rót chén trà nóng mời khách, sư Huệ Đức (66 tuổi) trầm giọng kể về hoàn cảnh từng đứa trẻ bị chính cha mẹ mình chối bỏ: “Chùa hiện có 102 trẻ mồ côi, bé nhỏ nhất chưa được 1 tháng tuổi, trong đó có 4 bé học mẫu giáo, 12 em học cấp I, 15 em học cấp II, 4 em học cấp III và 42 em là sinh viên đang theo học các trường cao đẳng, đại học ở các tỉnh”.

Tâm sự những cô gái vào chùa... vượt cạn 1
Một trẻ sơ sinh vứt gần cổng chùa mà sư Huệ Đức phát hiện.

Theo hồi ức của sư Huệ Đức, đứa trẻ đầu tiên được các sư ở chùa phát hiện vào ngày 16/10/1983. Khi ấy các sư đang trồng ngô, nhổ cỏ ngoài rẫy thì nghe tiếng chó sủa dữ dội.

“Khi mọi người chạy đến bụi tre trước cổng chùa thì thấy một bé gái sơ sinh khóc thét vì bị kiến vàng bu quanh người cắn. Ngày đó chùa còn khó khăn nên hằng ngày các sư thay nhau bế đứa trẻ đến nhà có người mới sinh con để xin bú nhờ. Đứa trẻ năm ấy là chị Nguyễn Thị Diệu Hiền, hiện đang sinh sống cùng chồng và hai đứa con ở tỉnh Đắk Nông”, sư Huệ Đức nhớ lại.

Từ đó trở đi, chùa liên tục phát hiện hàng chục trẻ sơ sinh khác bị vứt ở sân chùa, cổng chùa... Trước khi đem đứa con mà mình rứt ruột sinh ra đến chùa Diệu Pháp buông bỏ, hầu hết cha mẹ của đứa trẻ đều để lại những bức thư đoạn tuyệt. Trong thư họ nói rõ nguyên nhân về việc vứt bỏ con: “Những ông cha, bà mẹ đau khổ này mỗi người tuy có hoàn cảnh khác nhau, nhưng đều giống nhau về việc lỡ có thai, sinh con rồi sợ gia đình, bạn bè phát hiện”, sư trụ trì đúc kết.

Tâm sự những cô gái vào chùa... vượt cạn 2
Sau khi người bạn trai chối bỏ, H. vào chùa Diệu pháp tá túc và sinh bé Ken được 10 ngày tuổi.

Ngoài những đứa trẻ bị cha mẹ đem tới chùa bỏ rơi quanh chốn thiền, vào năm 1995, một nữ sinh viên đang theo học một trường đại học ở TP.HCM đến chùa xin sư Huệ Đức cho mình tá túc đợi…vượt cạn. Những năm tiếp theo nhiều nữ sinh là học sinh, sinh viên… có thai quá lớn không thể phá bỏ cũng tìm đến chùa nhờ hỗ trợ trong việc chờ ngày sinh.

Tâm sự cay đắng của những bà mẹ bỏ con

Sư Huệ Đức dắt chúng tôi về phía dãy phòng nằm sau chánh điện đang phát ra tiếng khóc của trẻ sơ sinh. Trong căn phòng đầu tiên, H. sinh viên vừa mới tốt nghiệp một Trường Đại học ở TP.HCM đang bồng bé trai vừa mới sinh được 15 ngày ru ngủ. Thấy có người lạ ghé, H. định lánh mặt nhưng nhờ sự tác động của sư Huệ Đức nên bà mẹ trẻ lỡ lầm này mới chịu trò chuyện với chúng tôi.

Tâm sự những cô gái vào chùa... vượt cạn 3
  
Tâm sự những cô gái vào chùa... vượt cạn 4
Sư Huệ Đức bên những đứa trẻ do chính ba mẹ của các em chối bỏ.

H. cho biết mình sinh ra lớn lên ở một tỉnh thuộc dãy đất miền Trung. Để thoát cái nghèo, ba mẹ lũ lượt dắt bầy con bỏ quê vào Bà Rịa - Vũng Tàu lập nghiệp. Ở nơi đất khách, tuy cuộc sống khó khăn trăm bề nhưng cha mẹ H. vẫn tảo tần sớm hôm kiếm tiền cho con ăn học.

“Ngày nhận giấy báo trúng tuyển đại học, trước khi lên TP.HCM nhập học ngành khách sạn nhà hàng, ba mẹ căn dặn em đủ điều, trong đó có chuyện giữ mình trước bạn khác phái. Nhưng cuộc sống có ai biết trước chữ ngờ. Chính sự non nớt, suy nghĩ nông cạn đã khiến bản thân em trượt dài với người bạn trai thiếu trách nhiệm”, H. nấc nghẹn kể lại.

Tâm sự những cô gái vào chùa... vượt cạn 5
Sư Huệ Đức cho biết cha cậu bé Diệu Bảo là luật sư, còn mẹ là giáo viên dạy môn văn ở một trường cấp ở TP.HCM.

Suốt buổi trò chuyện, H. liên tục đưa cánh tay lên lau nước mắt khi nói về người bạn trai bội bạc đang làm địa chính ở một phường thuộc quận Bình Thạnh (TP.HCM). Hôm H. thông báo mình có thai, cứ nghĩ bạn trai vui mừng, hai người sẽ tiến đến hôn nhân mà trước đó từng “thề non hẹn nước”. Nhưng nghe xong bạn trai H. lạnh lùng cắt đứt mọi liên lạc. Từ đó, H. đau đớn, sống chui lủi một mình vượt cạn. Cũng may, là H. được các sư thầy ở chùa Diệu Pháp cưu mang, giúp đỡ.

Cuộc trò chuyện của chúng tôi với H. nhiều lần bị ngắt quãng bởi tiếng khóc của đứa trẻ. Nhìn cảnh bà mẹ trẻ bồng con trai ru ngủ trong tiếng chuông chùa ngân vang khiến chúng tôi không khỏi nhói lòng.

Tâm sự những cô gái vào chùa... vượt cạn 6
Mỗi ngày sư Huệ Đức đều đưa đón những đứa con nuôi mình đến lớp.

Giữa lúc đứa trẻ chìm vào giấc ngủ, bất ngờ một cô gái trẻ khệ nệ bụng bầu bưng một mâm cơm vào phòng cho H. Thấy chúng tôi quan tâm hỏi chuyện, cô gái này nín lặng một hồi rồi ngồi bệt xuống sàn chậm rãi nói trong nước mắt.

Cô gái cho biết mình tên L. (17 tuổi) đang mang bầu tới tháng thứ 7, hiện là học sinh lớp 12 thuộc một trường phổ thông trung học ở thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

L. cho biết cuộc đời mình như một tấn bi kịch. Em sinh ra và lớn lên trong gia đình nghèo. Ngày mẹ L. mang thai được 2 tháng là cha gởi đơn ly hôn, bà thân cò một mình nuôi con. Mẹ L. đi làm thuê ngày có ngày không, nên cuộc sống cô cũng bữa no bữa đói. Năm học lớp 7, mẹ em đi thêm bước nữa với người đàn ông vừa gãy gánh tình. Từ thuở lọt lòng L. đã thiếu hơi ấm của cha, em ao ước được bố dượng yêu thương mình như cha những đứa bạn cùng trang lứa.

Tâm sự những cô gái vào chùa... vượt cạn 7
Từ trẻ mồ côi thành cử nhân Đại học y.

Gạt đi những giọt nước mắt lăn dài trên má, L. cho biết bố dượng tính tình nóng nảy hay chửi bới. Mỗi khi ông ta uống rượu vào là hai mẹ con L. phải chịu những trận đòn roi vô cớ trút xuống đầu. Bất mãn với gia đình, tủi thân với số phận, L. học hành chểnh mảng, thường xuyên tụ tập bạn bè nhậu nhẹt để quên đi nỗi buồn.

Tháng 9/2013, trong một lần đi dự sinh nhật, L. cảm thấy tủi thân trước sự chu đáo, lo lắng cho con cái của cha mẹ người bạn tổ chức buổi tiệc. Sự mặc cảm trỗi dậy, L. biến cuộc vui thành nỗi buồn cho riêng mình. Cứ thế L. liên tục nốc rượu, đến khi tỉnh dậy thì thấy mình nằm bên cạnh người bạn trai đang học cùng trường.

Tâm sự những cô gái vào chùa... vượt cạn 8
Sư Huệ Đức bên mộ bé Diệu Như trước đó bị cha mẹ bỏ rơi, bé tử vong do đói khát.

Phát hiện con có thai, mẹ L. sợ chồng biết nên dắt con riêng đến chùa Diệu Pháp xin sư Huệ Đức cho tá túc chờ ngày sinh con. “Lúc nghe em báo có thai được 5 tháng thì bạn trai nói cứ sinh con đi rồi sau này sẽ đón hai mẹ con về đoàn tụ. Nhưng sự việc đâu có đơn giản như vậy. Khi mẹ qua nhà bạn trai thưa chuyện thì mẹ anh ấy mắng chửi đuổi mẹ em về. Gia đình bạn trai cho rằng cái thai em đang mang là của người khác”, L. trầm ngâm nói.

Tâm sự những cô gái vào chùa... vượt cạn 9
Sợ cha nuôi đánh đập nếu phát hiện mình có thai nên L. xin sư Huệ Đức cho tá túc tại chùa để sinh con.

Khép lại câu chuyện buồn về những thai phụ sinh viên vào chùa vượt cạn, sư Huệ Đức bộc bạch nỗi niềm ấy trong tiếng thở dài. Sư nói như khóc rằng, đã có nhiều trẻ ở chùa khi lớn lên biết được mình bị bỏ rơi đã căm phẫn, buồn chán sự đời, mang nhiều nỗi niềm mặc cảm. Có em vì không vượt qua được cú sốc ấy đã bỏ chùa đi phiêu bạt, các sư vất vả, khổ sở đi kiếm tìm đưa về rồi một đêm tối trời, các em lại đi…

Những đứa trẻ đáng thương ấy, chúng đi về đâu khi đấng sinh thành của chúng đã đoạn đành rũ bỏ chúng? Câu hỏi ấy khiến sư Huệ Đức và các nữ tu ở chùa Diệu Pháp trăn trở mãi không thôi!

Chia sẻ