Những tấm danh thiếp “Sốc” & “Choáng”!

,
Chia sẻ

Anh xe ôm đầu phố, chị bán bún chả ngoài chợ... cũng luôn thủ sẵn một tập danh thiếp trong túi. Điều đáng nói là, có nhiều tấm danh thiếp khiến người nhận phải "choáng váng" cười ra nước mắt...

Hồn nhiên phát "choáng"

Đầu tháng 3 vừa rồi, gia đình tôi chuyển nhà, nhưng do ngõ vào nơi ở mới hơi hẹp, ôtô không thể chở đồ vào tận nơi, một người hàng xóm mách, chị có quen mấy ông thương binh, chuyên chở đồ thuê bằng xe ba gác và chị liền nhấc máy điện thoại, gọi giúp tôi. Nửa tiếng sau, một người đàn ông trạc ngoài 50 tuổi, làn da ngăm ngăm và có vẻ hơi "phong trần", lái chiếc xe ba bánh có in chữ "thương binh 27-7", đỗ ngay trước cổng nhà tôi.

Giọng ồm ồm, anh này tự giới thiệu: "Mình là H.M, thương binh 2/4. Địa bàn này toàn anh em của mình, cần gì cứ "alo" theo số này, 20 phút sau là có mặt", liền luôn đó, anh ta đưa cho tôi một chiếc cac-vi-dit có in hình quả địa cầu màu xanh, trên nền quả địa cầu là biểu tượng cái bắt tay thật chặt thể hiện sự hợp tác, hữu nghị (?). Nhưng khi đọc đến phần nội dung của tấm danh thiếp đó thì tôi không nhịn được cười. Dưới cái tên H.M in đậm là dòng chữ xanh in nghiêng: "Thương binh nghèo vượt khó. Mũi to vui tính. Da trắng mắt đẹp. Tính tình cởi mở dễ thương". Quả thật, tôi chưa bao giờ nghe thấy hay được nhìn thấy một tấm danh thiếp nào "hồn nhiên" như thế!

Ngang "báo cáo thành tích"


Đồng nghiệp tôi bảo, chuyện khôi hài của cac-vi-dit cũng phải kể đến cánh nhà báo tụi mình. Nói rồi, chị dẫn chứng: Một lần, đang ngồi uống cà phê cùng đám bạn bè thì một anh bạn nói sẽ gọi điện rủ một nhà báo "tên tuổi" đến giới thiệu, làm quen. Khoảng mươi phút sau, nhà báo M.T có mặt. Anh này bắt tay làm quen và không quên rút "cạc" dúi cho mỗi người một chiếc. Trên đó có ghi: "Nhà báo M.T, phóng viên, Giải A giải báo chí năm..., Giải C giải báo chí toàn quốc năm...". Tôi nghe xong cũng thấy "choáng". Trời đất! "Cạc" của nhà báo mà liệt kê thành tích như vâỵ thì quả là "xưa nay hiếm". Tôi tự hỏi, nếu chẳng may nhà báo M.T này đạt giải báo chí trong nhiều năm liền thì chắc phải in tấm danh thiếp to bằng khổ... A4.

Thời gian trước, trong làng báo có truyền miệng "giai thoại" về tấm danh thiếp của một cộng tác viên báo chí. Trên đó, bên dưới họ và tên, ông ta in hàng loạt 5-7 bút danh, rồi nhấn mạnh bằng dòng chữ in đậm "Chuyên cung cấp tin, bài cho các báo lớn". Hay chuyện nhà báo M.D, người đã "dính dáng" đến vụ án Tăng Minh Phụng và bị thu hồi thẻ nhà báo, một thời cũng từng in cac-vi-dit với chức danh: "M.D/Phóng viên đặc biệt/Biên tập viên kinh tế cao cấp". Đồng nghiệp tôi thắc mắc: “Việt Nam làm gì có phóng viên đặc biệt, phóng viên cao cấp nhỉ?". Thì ra, khi vụ án Tăng Minh Phụng được làm sáng tỏ, mọi người mới ngã ngửa về "tài năng" siêu... đặc biệt trong khoản tống tiền của anh này!

"Chơi trội" hơn hẳn cánh nhà báo, nhiều nhà văn, nhà thơ còn dùng chữ viết theo lối thư pháp in danh thiếp. Có lần, cô bạn tôi phải bỏ công ngồi cả tiếng đồng hồ, toát mồ hôi hột mà cũng không biết những dòng chữ loằng ngoằng đó là những chữ gì.

Chưa hết "bàng hoàng" về những tấm danh thiếp lố bịch trên, thì anh bạn cùng khu tập thể lại cho tôi "chiêm ngưỡng" tấm danh thiếp của một vị luật gia. Trên đó ghi rõ: "Luật gia V.P/Tốt nghiệp bằng đỏ Trường Đại học.../Nghiên cứu sinh ngắn hạn tại Singapore...".

Nhiều "nhà" phải gọi là "phố"!


Tôi còn nhớ, có lần đi dự hội nghị ở khách sạn Melia do VCCI tổ chức. Hôm đó, nhóm phóng viên chúng tôi chen chúc phỏng vấn một vị đại biểu xung quanh chủ đề mà hội nghị đang bàn giải pháp. Khi cuộc phỏng vấn kết thúc, vị đại biểu nọ đưa cho mỗi phóng viên một chiếc cac-vi-dit. Trên đó có liệt kê như sau: "Giám đốc trung tâm tư vấn đầu tư nghiên cứu phát triển nông thôn.../ Chủ tịch hội Sinh hoá.../ Chủ tịch hội Khoa học và công nghệ lương thực, thực phẩm.../ Chủ nhiệm khoa..., trường Đại học...". Cầm tấm danh thiếp, cánh nhà báo í ới hỏi nhau "chức danh nào là chính nhỉ, phải chọn lấy một cái, chứ đưa tất cả các chức danh đó lên mặt báo thì coi sao được?". Nhưng khổ cái, chức danh nào cũng "sêm sêm" nhau, quả là vị đại biểu đó đã làm khó cánh nhà báo chúng tôi. Thậm chí, bên trái tấm "cạc", chủ nhân của nó còn không ngần ngại áp cả ảnh chân dung của mình vào đó khiến tôi liên tưởng đến một cái chứng minh thư hơn là chiếc cac-vi-dit.

Cách đây hai hôm, đứa cháu 6 tuổi của tôi, không hiểu tìm đâu ra một tấm cac-vi-dit, rồi đọc vanh vách cho cả nhà nghe: "T.L, nhà văn, nhà thơ, nhà giáo, nghệ sĩ...". Đọc xong, cậu bé đứng tẩn ngẩn một lúc, rồi tủm tỉm cười ra vẻ vừa "phát hiện" một điều gì mới lạ, bỗng nó quay sang tôi bảo tôi: "Bác ơi, nếu nhiều "nhà" san sát nhau thế này thì gọi luôn là phố cho gọn nhỉ". Tôi bật cười, vì đến tôi cũng chưa kịp nghĩ ra điều đó...

Cười ra nước mắt

Sau khi bỏ nhiều thời gian đến các cơ sở in ấn trên đường Nguyễn Chí Thanh, đường Láng, phố Huế, Bà Triệu... xem qua hàng trăm tấm danh thiếp, tôi nhận ra rằng xung quanh chiếc cac-vi-dit có rất nhiều chuyện cười ra nước mắt.

Chị chủ cửa hàng thật thà kể: Có người làm nghề tư vấn... phong thủy, thực ra là thầy bói, in cả hình âm dương bát quái trên tấm danh thiếp cho "oai". Khó chịu nhất là những tấm danh thiếp với nội dung khoe khoang, chủ nhân của nó có bao nhiêu học hàm, học vị và chức danh thì in tất tần tật lên danh thiếp, thậm chí in cả mối quan hệ xã hội của chủ nhân lên đó như "cháu ông nọ, bà kia". Có nhiều quý ông, quý bà thì "chơi sang" hơn, cả nội dung tấm card đều được "Anh hóa" và "đỉnh nhấn" là chữ Dr. ở phía trước họ tên cho nó "oách". Khổ nỗi, chữ Dr. vốn thường viết tắt cho chữ doctor (bác sĩ, tiến sĩ), nhưng có chủ doanh nghiệp lại "chơi tắt" luôn cả chữ director (giám đốc), lại đặt trước ngay cái tên, khiến người ta cứ tưởng "ông này học vị cao lắm". Chính cậu hàng xóm nhà tôi cũng "chơi lối" viết tắt này. Cậu ấy tặc lưỡi, "kệ, người nhận muốn nghĩ sao thì nghĩ. Mà có khi họ cũng chẳng biết gì đâu!". Rồi thì đến những chiếc danh thiếp màu lòe loẹt, in những biểu tượng, phù hiệu rất ư là "trừu tượng", bên trên chi chít tiểu sử bản thân trông như một bản sơ yếu lý lịch khi đi xin việc làm. Lại có người, sau hàng chữ "nhà văn, nhà thơ" còn thêm "Chuyên nhận chụp hình tiệc cưới, hội nghị", "Chuyên sản xuất, mua bán...", "Sáng tạo độc đáo, tối ưu truyền thông - đưa thương hiệu "nhảy bổ" vào tâm trí khách hàng với chi phí hợp lý nhất". Nói rồi, chị lắc đầu: "Thú thật, nếu không làm trong nghề thì tôi không thể biết được những chuyện nực cười này".

Cac-vi-dit là nói theo Tây, còn ta gọi là danh thiếp. Đó là phương tiện giao tiếp thể hiện tính văn minh, lịch sự chứ không phải là chỗ để tranh thủ quảng cáo, khoe khoang. Trước đây, danh thiếp thường chỉ dùng trong giới quyền quý, trí thức, nhưng bây giờ đã được "xã hội hóa" đến mức anh chạy xe ôm đầu phố, chị bán bún chả ngoài chợ... cũng luôn thủ sẵn một tập danh thiếp trong túi. Việc in danh thiếp là quyền của mỗi người, nhưng bạn chớ để người khác chế nhạo sau khi họ cầm danh thiếp của mình.
 
Theo ĐS&PL
Chia sẻ