Những đứa trẻ mồ côi sinh ra ngoài ý muốn
Nhìn cô bé 2 tuổi có đôi mắt xanh múa đôi bàn tay bé xíu chào khách và nũng nịu đòi bế, không ai nghĩ em là đứa trẻ bất hạnh...
Huyền là một trong số những trẻ đang được chăm sóc tại Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi và suy dinh dưỡng Hà Nội (thôn Phú Mỹ, xã Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội).
Chính mẹ của Huyền cũng từng là một đứa trẻ bất hạnh, sống thiếu thốn tình cảm và bàn tay chăm sóc vì ông bà ngoại ly hôn sớm.
Cuộc sống run rủi, mẹ Huyền có bầu với một người đàn ông người Pháp. Nhưng rồi người bố mà em chưa bao giờ biết mặt đã bỏ về nước, để lại hai mẹ con em bơ vơ. Người mẹ vì đau khổ quá hóa điên, ôm con đi lang thang khắp nơi. Một số người gặp cảnh đáng thương đã đưa mẹ em vào điều trị tại viện tâm thần, còn Huyền được gửi vào Trung tâm khi chưa đầy một tuổi.
Tại đây, khi làm xét nghiệm kiểm tra sức khỏe, các bác sĩ phát hiện em nhiễm giang mai và đã đưa em đi khám, lấy thuốc điều trị tại bệnh viện da liễu. Hiện Huyền đã khỏi bệnh, đang được các mẹ tại Trung tâm chăm sóc.
Được chăm sóc tại Trung tâm khi mới nhỏ xíu, bé Quỳnh Anh rất dễ thương, thông minh. Ảnh: MT. |
Giám đốc Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi và suy dinh dưỡng Hà Nội, bà Nguyễn Thu Thủy cho biết, Trung tâm tiếp nhận tất cả các trường hợp trẻ bị bỏ rơi, thường từ trẻ sơ sinh đến 3 tuổi. Khi vào đây, các cháu được kiểm tra sức khỏe toàn diện để phân loại. Có những cháu sẽ được tiếp tục nuôi dưỡng tại trung tâm, một số cháu khác bị bệnh nặng khó chữa sẽ được chuyển đến đơn vị khác để chăm sóc, chữa trị.
Theo bác sĩ Thủy, đa số các cháu được nhận vào trung tâm là những trường hợp sinh ra ngoài ý muốn, bị bỏ rơi, không được chăm sóc nên sức khỏe yếu, mắc nhiều bệnh. Một số trẻ còn bị lây những bệnh từ mẹ như viêm gan B, giang mai hay HIV...
Như trường hợp của bé Duy chẳng hạn. Mẹ bán ma túy bị bắt, cậu con trai nhỏ bơ vơ không ai nuôi dưỡng. Bé được công an đưa vào trung tâm khi gần 3 tuổi. Tại đây, em được phát hiện bị nhiễm giang mai và phải chật vật chữa trị.
"Mặc dù các bệnh xã hội như lậu, giang mai... mà trẻ bị lây từ mẹ này đều có thể chữa khỏi nhưng hầu như không gia đình người Việt Nam nào muốn nhận các em mắc bệnh này về nuôi. Đó là một thiệt thòi rất lớn cho các cháu", bà Thủy nói.
Là giám đốc, nhưng bà Thủy, cũng như tất cả mọi nhân viên của Trung tâm, đến cơ quan là thay quần áo đồng phục để bất cứ lúc nào cũng có thể xuống chăm sóc và chơi với các bé. Ảnh:MT. |
Bà cho biết, tất cả những trẻ được đưa đến Trung tâm đều có một số phận đặc biệt, em nào cũng đáng thương và chịu nhiều thiệt thòi. Có bé bị bỏ rơi ở bệnh viện vì bị bệnh bẩm sinh, bệnh hiểm nghèo, hay một số cháu được nhặt ở các vỉa hè, khu hoang vắng khi còn đỏ hỏn.
Cháu nhỏ nhất được đưa đến trung tâm khi mới được một ngày tuổi. Đó cũng là trường hợp đặc biệt cách đây gần 3 năm mà mọi người ở trung tâm không thể quên.
Bé Tùng được một người nhặt rác tìm thấy tại một bãi đất hoang vào một ngày mùa đông rét mướt. Em tím tái trong hộp các tông, trên người chỉ quấn chiếc quần đùi đàn ông, dây rốn còn loằng ngoằng trên bụng. Người nhặt rác đã đưa em đến Ủy ban nhân dân phường Dịch Vọng. Khi những cán bộ của Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi tới đón về nuôi, bé rất yếu, có lẽ mẹ cháu đã tự đẻ rồi bỏ con. Sau khi được chăm sóc một thời gian, cháu đã được một gia đình nhận làm con nuôi.
Các mẹ ở trung tâm đều đã có gia đình nhưng thay ca nhau để vào chăm sóc các con. Ảnh: MT. |
Vào trung tâm cũng có rất nhiều cháu bị các bệnh bẩm sinh mà trung tâm không thể chăm sóc và phải gửi đến đơn vị khác.
Ngọc Mai được đưa đến với các mẹ khi mới 4-5 tháng tuổi. Bé rất xinh xắn, với làn da trắng ngần và đôi mắt to, đen lay láy. Thế nhưng, sau đó, các mẹ ở trung tâm phát hiện em bị mù bẩm sinh.
Một cô gái đưa em đến trung tâm kể rằng, cô gặp hai mẹ con em trên chuyến tàu từ Yên Bái về Hà Nội. Mẹ em đã nhờ cô bế hộ con để đi vệ sinh, rồi sau đó không quay lại nữa. Cô gái ôm đứa trẻ xuống ga tàu mà không biết phải làm sao. Sau đó, hỏi han bạn bè cô mới biết đến trung tâm và đưa bé Mai đến. Chính cô cũng không biết Mai bị mù.
Bé Mai sau đó được đưa đi chữa trị ở nhiều nơi nhưng các bác sĩ đều khẳng định em bị mù do tổn thương trong não nên không thể chữa khỏi. Sau đó, bé lại bị bại não, động kinh... Dù chữa trị một thời gian nhưng không tiến triển, các mẹ ở trung tâm đành chuyển bé đến Trung tâm nuôi dưỡng trẻ tàn tật ở Thụy An, Ba Vì để được chăm sóc tiếp.
Bác sĩ Thủy cho biết, Trung tâm cũng nhận nuôi dưỡng một số cháu còn bố mẹ nhưng gia đình có hoàn cảnh quá khó khăn, không thể chăm con được. Trường hợp điển hình là một gia đình ở Thanh Trì, Hà Nội. Cặp vợ chồng này sinh đôi, nhưng người chồng bị bệnh tâm thần, lúc nào cũng ngơ ngẩn, người vợ bị gãy tay, chẳng làm được gì. Họ chỉ đủ khả năng để nuôi một con, còn một cháu gửi Trung tâm nuôi giúp. Khi em bé được gần hai tuổi, họ lại đón con về.
Hay hai cặp vợ chồng khác, ở cùng một xã thuộc Hà Tây cũ, đều sinh ba, trong khi kinh tế gia đình quá chật vật nên chỉ nuôi được một con, còn hai bé còn lại gửi vào trung tâm.
Bà Thu Thủy tâm sự, dù các mẹ ở trung tâm có tận tâm đến đâu cũng không thể bù đắp hết những thiệt thòi của các cháu, không thể tốt cho các cháu bằng việc được lớn lên trong bầu không khí yêu thương, ấm áp của một gia đình. Vì thế, ưu tiên hằng đầu của Trung tâm là tìm lại được bố mẹ, người thân để trẻ được đoàn tụ, nếu không cũng cố gắng tìm cho các cháu một mái ấm gia đình.
Bà cho biết, có rất nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn cũng đến Trung tâm đăng ký nhận trẻ về nuôi. Trung tâm bao giờ cũng ưu tiên cho những gia đình người Việt, nhưng với một số cháu bị dị tật có thể được một số gia đình người nước ngoài nhận nuôi. Nhiều trẻ sau một thời gian được chăm sóc tốt vẫn về thăm trung tâm.