Người Bát xát mến thương

,
Chia sẻ

Mùa đông năm 2007, cả Bát Xát trong cái lạnh khủng khiếp hiếm có từ trước đến nay, những khó khăn chất chồng lên đôi vai gầy. Mùa hè năm nay, thêm những cơn lũ đang nhăm nhe quật ngã mảnh đất này.

Bát Xát là gọi theo ngôn ngữ người Giáy với hai nghĩa hiểu khác nhau. Nghĩa thứ nhất là “Một trăm tấm cót”, còn nghĩa thứ hai là “miệng thác” hoặc “bến thác”.
 
Mùa đông ấy, mấy đứa chúng tôi quyết định chạy lên Bát Xát cho kì được vì nghe danh đã lâu. Cũng biết đường lên khó khăn, hiểm trở nhưng không ngờ vất vả hơn tưởng tượng. Từ Lào Cai lên Bát Xát, ngả đường không mấy ấn tượng vì không có cảnh quan. Chỉ đến khi vào với vùng đất nơi có ngọn nguồn con sông Hồng chảy vào đất Việt mới thực sự vất vả. Đường cấp phối cứ xóc ngược lên. Cánh xế tay muốn rụng rời vì mỏi, còn lũ con gái ngồi sau thì nhấp nhổm không ngừng.
 
Những lớp học đã vào giờ tan. Lũ trẻ chạy với theo xe chúng tôi gọi váng: "Em chào cô!", có lẽ các em tưởng chúng tôi là cô giáo dưới xuôi mới lên.
 
Trường lớp tuềnh toàng với những chiếc bàn xộc xệch, cái cổng liêu xiêu trong cơn gió và những phên giậu thủng lỗ chỗ. Vài bản mới có một ngôi trường xiêu vẹo với cái cổng được dựng từ vài thanh tre thanh nứa. Đứng trong lớp học ấy, chúng tôi tự hứa với mình nhất định sẽ mang theo nhiều kẹo nhiều phấn hơn khi đến với vùng cao.
 
Đêm Y tí, tiếng gió vù vù quẩn quanh tưởng chừng như muốn cuốn bay mái nhà trên đầu. Vùng đất này cũng được coi là điểm đón mùa đông lạnh nhất trong cả nước.
 
Vào những ngày thời tiết khắc nghiệt, cả thung lũng này bị cô lập với bên ngoài. Giao thông tê liệt, hệ thống điện phập phù và đường dây điện thoại cũng không tới được. 

Bát Xát có 7 tộc người là Mông, Dao đỏ và Dao tuyển, Giáy, Hà Nhì, Hán, Tày và Kinh với hơn 50 nghìn khẩu.  Nơi đây nằm dọc theo Sông Hồng, phía Bắc là huyện Kim Bình của tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) phía Nam giáp thị xã Lào Cai, phía đông là Sông Hồng và tây giáp Sa Pa với diện tích 1.050 km2.

Thương lắm, một Bát Xát lúc nào cũng là nơi lạnh nhất cả nước, nơi có tiếng cười của lũ trẻ sau giờ học ríu ran và cả những câu chào: "Em chào cô giáo ạ" hồn hậu.

Bài và ảnh: Lam Linh
Chia sẻ