Mất vợ vì thông gia đấu khẩu trong lễ dạm ngõ

,
Chia sẻ

Dự định về đám cưới đẹp với váy cưới đuôi dài, với kỳ trăng mật ở Phú Quốc của Ngân tan thành mây khói bởi lễ dạm ngõ sóng gió.

Sau màn cầu hôn lãng mạn cùng 3 năm yêu thương, Ngân hạnh phúc nhận lời làm vợ Tuấn. Cả 2 bên gia đình đều vui vẻ đồng ý quyết định trăm năm của đôi trẻ. Nhà trai trên Phú Thọ lục tục xuống Hà Nội hỏi vợ cho con.

Trước khi đi, bố Tuấn chỉ đạo: “Xuống đó bàn chuyện với nhà gái, mình nói sao cho ‘có giá’ không họ lại cười dân tỉnh lẻ”. Sau khi giới thiệu, trình bày lý do đến nhà, thay vì bàn chuyện cỗ bàn, ngày cưới, bố Tuấn lại nhận xét: “Thằng Tuấn cao to lại giỏi giang. Cái Ngân may mắn lắm mới lấy được nó. Ở trên kia, nhà nào có con gái cũng mong làm thông gia với tôi”. Tự ái vì nhà trai hạ “giá” con gái, mẹ Ngân cũng đáo để đáp: “Vâng, cháu Tuấn đúng là hơn người ở trên kia. Tuy nhiên, người như con bác dưới này chẳng thiếu”.

Nghi thức xin cưới bỗng chốc trở thành cuộc khẩu chiến giữa hai nhà. Nhà trai khoe con học rộng, tài cao, bằng treo kín tường, nhà gái đáp con mình học chưa rộng, tài chưa cao nhưng tường không đủ chỗ treo bằng. Chuyện Ngân lớp 3 được làm Chi đội trưởng, cấp 2 làm MC của trường hay Tuấn đi dự Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc năm lớp 5 cũng được lôi ra ca ngợi.

Chưa dừng lại ở đó, bố Ngân còn cao trào khoe trước khi yêu Tuấn, cô con gái rượu cũng có hàng đống anh theo đuổi ngày đêm. Nhà trai đối đáp con họ không thiếu gái ngoan, xinh là bác sĩ, giáo viên mơ được sánh đôi. Trước cuộc khẩu chiến ngang ngửa giữa bố mẹ, Ngân và Tuấn nhìn nhau dở mếu, dở khóc.

Ảnh minh họa

Trong lúc Tuấn cố cứu vãn tình thế bằng cách lái sang chuyện ngày cưới, bố mẹ anh lại chuyển sang "soi" nhà Ngân: “Nhà 40 m2, 4 người ở như vậy thì chật chội ngột ngạt quá”. Không giữ phép lịch sự, mẹ Ngân dè bỉu: “Dân ngoại tỉnh cứ ùn ùn kéo xuống đây thì chỗ nào có đất xây nhà”. Đến lúc này, nhà trai mặt giận gay gắt, đùng đùng bỏ về dù chưa bàn chút nào về đám cưới. Tuấn và Ngân cũng bỏ dở giấc mơ góp gạo thổi cơm chung khi không thể vượt qua sự chì chiết của bố mẹ và sự tự ái bản thân.

Không đến nỗi tan đàn xẻ nghé như cặp Tuấn - Ngân nhưng Thắng cũng suýt mất vợ bởi phát ngôn không chỉnh của phụ huynh. Trước khi tới nhà người yêu, Thắng gặng hỏi bố định nói những gì. Bố anh chắc như đinh đóng cột bởi kinh nghiệm hỏi vợ cho anh cả. Tuy nhiên, thay vì xin phép cho các cháu qua lại, bàn tính hôn nhân, bố Thắng lại nói: "Hôm nay tôi đến đây, mục đích chính là xem nhà cửa của bác. Bọn nó quen nhau cũng lâu, nếu nên vợ nên chồng thì tốt còn không làm bạn bè cũng được".

Nhà người yêu Thắng ai cũng ngơ ngác với lời xin dâu của ông thông gia. Sau buổi dạm ngõ sóng gió, người yêu Thắng thút thít khóc đòi chia tay vì nghĩ bố anh không ưa cô. Ngượng với con trai bởi lời nói không tròn vành, rõ nghĩa, bố anh phân trần cụ không có ý chê trách con dâu nhưng lỡ nói sai ý. Cuối cùng, Thắng vừa phải dỗ người yêu vừa phải xin lỗi, giải thích với nhà gái.

Ngoài những sự cố về ngôn ngữ trong lễ dạm ngõ, đôi khi sự chuẩn bị thái quá của bố mẹ cũng gây nên những tình huống dở khóc, dở cười cho cô dâu, chú rể.

Là cháu đích tôn của cả họ nên Hữu đặc biệt được quan tâm, chăm sóc. Ngày dạm ngõ, gần 20 người họ hàng cùng sang hỏi vợ cho cháu trai. Thông thường, dạm ngõ thường có từ 3 đến 5 lễ nhưng nhà Hữu mang sang tận 9. Bố mẹ anh dặn mọi người phải thống nhất ăn mặc: nam comple, cà vạt đỏ; nữ áo dài, guốc trắng. Nhìn đội ngũ hỏi vợ nhà Hữu, người ngoài dễ nhầm lễ ăn hỏi hoặc rước dâu.

Được thông báo trước về sự chuẩn bị của nhà trai, phía nhà Hằng cũng đôn đáo chạy ngược xuôi chuẩn bị. Mẹ Hằng buộc tất cả bọn trẻ trong họ phải sắm váy. "Thiếu tiền, qua bác đưa cho mua", mẹ cô dâu tuyên bố. Không những vậy, mẹ Hằng còn yêu cầu váy mỗi cháu một màu: xanh, đỏ, tím, vàng... để nhà trai "lác mắt". Trong lúc hai nhà thi nhau khoe trương, nhân vật chính - cô dâu, chú rể lại vừa chạy theo sự chỉ đạo của phụ huynh, vừa lén lút thông báo diễn biến tình hình cho đối phương.

Để tránh tình huống bi hài như trong lễ dạm ngõ của bạn mình, khiến đôi trẻ suýt chia tay vì cha mẹ hai bên đều ít chữ nghĩa, hiểu nhầm ý nhau, Bình, nhân viên thiết kế của một Công ty xây dựng tư nhân tại Cầu Giấy, Hà Nội, đã chủ động đề nghị bố mẹ nhờ một ông bác tin cậy, có vai vế và hiểu biết trong họ đứng ra làm chủ sự. "Cha mẹ mình là công nhân, chưa nói năng trước đông người bao giờ. Còn ông bác thì từng là cán bộ về hưu, nên nói câu nào chắc chắn câu ấy, nhà gái khen mãi về lễ dạm ngõ hôm đó", anh vui vẻ kể lại.
 
Theo Vnexpress
Chia sẻ