Giá cả: Tết đến là "phải" tăng
Gần Tết, giá các mặt hàng ở các chợ đầu mối, chợ truyền thống ở TP.HCM bắt đầu tăng vô tội vạ mà không hề bị thổi còi...
“Tết đến thì phải tăng”
Khi chúng tôi ghé chợ Bình Điền, huyện Bình Chánh hỏi lấy một lượng lớn thịt heo để về bán tại chợ Bà Chiểu, chủ một khu hàng ở đây cho biết giá một số mặt hàng đã giảm từ 1-5%. Giá bán buôn thịt heo chỉ từ 56.000 đến 78.000 đồng/kg tùy loại.
Tuy nhiên, khi đưa các loại thịt này về chợ Bà Chiểu và các chợ lẻ khác ở TP.HCM, giá đã được đẩy lên từ 30-50.000 đồng. Khảo sát tại chợ Tân Kiểng, Tân Thuận Tây, chợ Tân Mỹ ở quận 7 trong những ngày qua, cho thấy thịt ba rọi lấy từ chợ đầu mối có giá 60.000 đồng/kg nhưng các quầy thịt heo ở hai chợ này cho biết do gần Tết hàng khan hiếm nên mỗi kg thịt này đã nhảy giá lên 97.000 đồng.
Tại chợ đầu mối Bình Điền, giá bán buôn thịt gà thả vườn chỉ 64.000 đồng/kg; gà công nghiệp 47.000 đồng/kg nhưng tại chợ Bùi Văn Ba (quận 7) hay chợ Vườn Chuối (quận 3), thịt gà thả vườn bị đẩy lên 82.000 đồng/kg, trong khi gà công nghiệp 71.000 đồng/kg. “Gần Tết hàng hóa tăng dữ lắm, các nơi cung cấp bảo không có hàng” - một người bán thịt ở chợ Tân Mỹ nói.
Nhiều chủ hàng bán lẻ thịt gia súc, gia cầm ở các chợ truyền thống cho biết, những ngày qua lượng thực phẩm tiêu thụ tăng mạnh, các lò mổ, bán buôn ở chợ đầu mối đều nhích giá lên.
Nhiều loại thực phẩm đã tăng giá từ tuần qua. (Ảnh minh họa)
Khảo sát 50 mặt hàng nông sản thực phẩm ở các chợ đầu mối từ cơ quan chức năng trong tuần qua cho thấy đã có 30 mặt hàng tăng giá, từ 1-10%. Đánh vào tâm lý mù mờ giá cả của người tiêu dùng, tại các chợ lẻ ở TP.HCM, nhiều loại rau, củ quả và gia vị; các loại hàng phục vụ tết như mứt, hạt dưa… đều bị đẩy giá lên.
Tại chợ Tân Thuận Tây (quận 7) giá các loại rau lá như cải thảo, bắp cải, cải bẹ xanh hay xà lách búp đều được bán lẻ với giá từ 16.000-24.000 đồng/kg. Nhưng theo giá từ Quản lý chợ nông sản Thủ Đức đưa ra, các loại rau trên lấy tại đây có giá từ 4.000- 7.600 đồng/kg.
Chị Trần Thị Diệu Lai ở khu Nam Long (quận 7) than: “Có hôm đi chợ mới tá hỏa vì thực phẩm sáng giá này, trưa giá khác. Chỉ có tăng chứ không giảm”.
Đến hẹn lại tăng
Theo tìm hiểu của chúng tôi, các mặt hàng phục vụ Tết cũng đã rục rịch tăng giá. Nhiều đơn vị kinh doanh mặt hàng bánh kẹo, mứt, rượu bia… cho biết do nguyên liệu đầu vào tăng nên hầu hết các mặt hàng dịp Tết Nguyên đán giá sẽ tăng. Theo đại diện một siêu thị, giá cả trong dịp Tết sẽ chỉ tăng nhẹ, chủ yếu ở nhóm thực phẩm, bánh kẹo, rượu bia…
Theo nhận định của các chuyên gia nông nghiệp, thời gian gần đây ngành chăn nuôi tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh gặp nhiều khó khăn nên nguồn cung gia súc, gia cầm trong tháng Tết sẽ yếu hơn mọi năm.
Một vài cơ sở chế biến thực phẩm cũng đã “hẹn” sẽ tăng giá bán từ 10% trở lên vào dịp Tết Nguyên đán. Tại các chợ, các loại hải sản tiếp tục tăng. Một cán bộ quản lý thị trường cho biết: “Tiểu thương buôn bán ở các chợ mang tiếng là nhỏ lẻ nhưng họ mới chính là nơi tạo ra sức ảnh hưởng đến thị trường chung. Một khi chợ đầu mối và siêu thị rục rịch tăng giá thì các tiểu thương cũng đẩy giá theo, và đẩy giá cao nhiều lần. Tuy nhiên, việc quản lý giá ở chợ lẻ vẫn chưa hữu hiệu”.
Theo Pháp lệnh giá, tất cả hàng hóa phải được niêm yết giá. Tuy nhiên ở các chợ gần như bỏ ngỏ. Thế là các tiểu thương mặc sức đẩy giá mà không bị thổi còi. Ông Năm - cán bộ quản lý ở chợ Bà Chiểu nói, việc xử lý niêm yết giá thuộc về quản lý thị trường.
Theo quản lý thị trường thì xử lý rất khó bởi tiểu thương lấy rau củ, thịt… từ gốc ở các hộ nông dân, lấy đâu giấy tờ để chứng minh về giá?