Ế chồng vì... tục thách cưới
Ngày hỏi chồng cho Ma Hương, nhà gái và cả chú rể tá hỏa khi nhà trai thách cưới 70 triệu đồng. Chú rể tương lai xanh mặt lắp bắp “cha mẹ đòi cao quá, chỉ khổ cho chúng con”.
Ma Hương và chồng trong ngày cưới. Ảnh: Phụ nữ. |
Cách nay một năm rưỡi, Ma Hương, con gái lớn của Ma Chiều, sau 10 năm làm bạn với một chàng trai cùng sắc tộc, đã quyết định tiến tới hôn nhân. Người Churu theo chế độ mẫu hệ, con gái là người đi cưới chồng, đưa chồng về nhà mình làm rể (gọi là bắt chồng). Việc cưới hỏi đối với người Churu là vô cùng hệ trọng, cả dòng tộc bàn bạc rất kỹ. Tiệc cưới do bên nhà gái đảm đương từ A đến Z. Nhà trai chỉ việc kéo cả dòng tộc đến tham dự "chùa".
Ngày làm lễ hỏi chồng cho Ma Hương, sau khi đôi trai gái đeo nhẫn bạc cho nhau, nhà gái và cả chú rể đều tá hỏa khi nghe nhà trai công bố tiền thách cưới là 70 triệu đồng. Chú rể tương lai xanh mặt lắp bắp “cha mẹ đòi cao quá, chỉ khổ cho chúng con”. Sau đó, nhà gái phải qua nhà trai vài lần để “thương thảo”. Cuối cùng thì nhà trai lửng lơ: “Muốn đưa bao nhiêu thì đưa”.
Thương con gái, Ma Chiều bấm bụng đem tài sản duy nhất của gia đình là một hecta đất nông nghiệp đi thế chấp ngân hàng vay 20 triệu đồng (lãi suất 18%/năm), trao cho nhà trai để “bắt chồng” về cho con. Từ bấy đến nay, đã 18 tháng hơn, cả cha mẹ con cái chăm chỉ làm ăn, thắt lưng buộc bụng dành dụm cũng chỉ mới trả được khoảng một nửa nợ vay ngân hàng; chưa kể tiền vay bà con để làm tiệc cưới. Vì theo truyền thống, lễ cưới của một gia đình tộc người Churu cũng là dịp vui của cả cộng đồng, nên không thể tổ chức qua quýt.
Già làng Yaprap giới thiệu lễ vật thách cưới thời trước là những sợi dây cườm. Ảnh: Phụ nữ.
Con út của Ma Chiều là Pơn Pun Nai Thủy, 19 tuổi, hiện đang học nội trú tại trường kỹ thuật và dạy nghề Bảo Lộc. Ở tuổi cập kê, lại xinh đẹp khỏe mạnh, Nai Thủy được nhiều chàng trai để ý. Nhưng hễ có chàng trai nào người bên Tutra (một xã của huyện Đơn Dương) ngấp nghé là bị cô loại sớm. Hỏi ra mới biết, Nai Thủy thường được mẹ và chị gái thủ thỉ “đừng quen với người bên Tutra, vì bên đó thách cưới cao lắm”.
Già làng Yaprap, người dân tộc Kơ Ho, trưởng thôn Ka Đê (xã Ka Đơn, huyện Đơn Dương) cho biết, thách cưới là một tục lệ từ xa xưa của nhiều tộc người Tây Nguyên. Người Kơ Ho cũng theo chế độ mẫu hệ. Và cũng như tộc người Churu, người Kơ Ho quan niệm thách cưới là một việc cần thiết đối với gia đình chàng trai, khi họ mất đi một lao động. Thân tộc nhà trai có bao nhiêu người thì cô gái cần lo đủ bấy nhiêu món lễ vật. Thông thường, mẹ và người cậu lớn nhất nhận được một bộ quần áo. Những người cậu còn lại, là chuỗi cườm, khăn hay nhẫn bạc.
Già làng Yaprap lấy ra một túi đựng nữ trang nhỏ, bên trong có chiếc nhẫn bạc và mấy chuỗi cườm (loại nữ trang mà các cô gái Kơ Ho và Churu rất ưa chuộng). Ông nói: “Đây là những lễ vật thách cưới thời nhà vợ bắt tôi về làm chồng, cách nay 41 năm. Nó chỉ trị giá khoảng 200.000 đồng. Còn bây giờ, người ta thách hàng chục triệu đồng, có khi cả trăm triệu đồng".
Chị Ma Chuông, vợ của cán bộ tư pháp xã Ka Đơn cho biết, trong mấy vùng dân tộc, nhiều gia đình phải bán đất để có tiền đi bắt chồng cho con gái. Còn 18 năm trước, để bắt Ka Tuyết về làm chồng cho Ma Chuông, gia đình chị chỉ phải dâng lễ vật cho thân tộc nhà chồng gồm tám cái khăn, năm - sáu sợi dây cườm. Theo lời Ma Chuông, tiền thách cưới bây giờ, bố mẹ chồng thường giữ lại làm của, hiếm có người bớt đi vài chỉ vàng để cho đôi vợ chồng trẻ tổ chức cuộc sống mới.
Cũng giống như Ma Chiều, Ma Chuông thường căn dặn cô con gái 15 tuổi đang học nội trú tại thị trấn Đức Trọng rằng: đừng quen với con trai bên Tutra, kẻo sau này cha mẹ không có tiền cưới.
Nhiều cô gái con nhà nghèo đành chấp nhận ở giá vì không có tiền "bắt chồng". Ma Loan, bạn gái của Ma Hương, dù đã 28 tuổi, có nhiều chàng trai để ý nhưng nhất định không chịu quen ai. Cô thương cha mẹ, lo thay cho cha mẹ bằng cách ở giá, không lấy chồng.
Hy hữu lắm mới có trường hợp con gái nhà nghèo, không lo được tiền thách cưới nhưng vẫn lấy được chồng, như Ma Kin ở thôn Ka Rái 1, xã Ka Đơn, dân tộc Kơ Ho. Nhưng “sự kiện” này đã xảy ra cách đây 14 năm. Năm 1995, Ma Kin được gia đình YaTen ở thôn Diom A, xã Lạc Xuân (huyện Đơn Dương) thương hoàn cảnh mồ côi nên chấp nhận cho về ở nhà chồng mà không đòi lễ vật.
Nhưng chị và hai người em của Ma Kin đến giờ vẫn sống độc thân, dù với lứa tuổi họ, ở đây người đã có vài đứa con để chăm bẵm, thương yêu. Chị cả Ma Tin 37 tuổi, em gái Ma Hoan 30 tuổi và em út Ma Siéu cũng đã 27 tuổi. Cha mẹ mất sớm, nhà chỉ có một sào ruộng, ba chị em ngày ngày đi làm thuê.
Con mồ côi, không có tài sản, Ma Tin, Ma Hoan và Ma Siéu chưa bao giờ dám mơ đến một tổ ấm gia đình. Họ bảo, dù có thương trai làng nghèo nào đi chăng nữa thì gia đình của chàng trai đó cũng không bao giờ đồng ý. Ba chị em đành ở vậy, nương tựa nhau mà sống. Bao nhiêu khát vọng được làm người yêu, làm vợ, làm mẹ đành ngậm ngùi để lụi tàn dần theo tuổi xuân của họ.
Ở nhiều vùng dân tộc thiểu số, nhiều tập quán của đồng bào có “hiệu lực” cao hơn luật. Về tập quán thách cưới, pháp luật nước ta không điều chỉnh nên không thể can thiệp. Trong cuộc sống, những gì trái với sự tiến bộ, rồi dần dần cũng sẽ bị đào thải, nhưng phải trải qua thời gian dài. Nếu đôi trai gái nào yêu nhau, nhà nghèo, không lo được tiền thách cưới mà không dám bước qua tập tục để chung sống thì pháp luật cũng "bó tay". Nhưng nếu họ dũng cảm bước qua, cho dù dòng tộc không công nhận quan hệ vợ chồng của họ, pháp luật vẫn công nhận và bảo vệ bằng giấy chứng nhận đăng ký kết hôn.