Con trai tính từng ngày bắt mẹ già trả tiền phụng dưỡng
Người con trai cả mà cụ Thước dứt ruột đẻ ra đã đòi công nuôi dưỡng trong những ngày mẹ ở nhà mình. Điều đó khiến cho cụ Thước đắng lòng khóc không ra nước mắt.
Sinh con ra với mong muốn con mình trưởng thành, có thể nương tựa khi về già nhưng với cụ Nguyễn Thị Thước, sinh năm 1922 (ở Tam Đảo, Vĩnh Phúc) lại chịu điều trớ trêu.
Con trai “tính tháng, tính ngày” nuôi mẹ
Cụ Thước sinh hạ được 5 người con ( 2 trai, 3 gái). Sau năm 1997, khi chồng cụ Thước mất, cụ về sống cùng với người con trai cả là Đỗ Xuân Thành. “Nói là ở cùng vậy nhưng tôi vẫn ăn riêng với gia đình của con. Mọi việc trong sinh hoạt cá nhân tôi đều tự làm lấy cả.
Chỉ ở gần con với mong muốn mình tuổi cao sức yếu nhỡ có mệnh hệ gì thì còn có người phát hiện kịp thời kẻo: Chết không ai biết chứ không phải vì muốn nhờ vả, làm phiền tới con cái, bắt chúng nó hầu hạ”, cụ Thước nói.
Cuộc sống cứ thế trôi đi cho đến một ngày năm 2005, trong nhà nổ ra cuộc cãi vã “mẹ chồng nàng dâu”. Ông Thành vì bênh vợ mà đã cãi lại lời mẹ, trong lúc tức giận cụ Thước có mắng ông Thành là: “Đồ bất hiếu” rồi đòi ra ở riêng.
Cụ Nguyễn Thị Thước
Chẳng biết vì tức với mẹ chuyện bị mắng là: “Đồ bất hiếu” hay sao mà ông Thành quay sang “cạn tình, cạn nghĩa” làm đơn kiện cụ Thước ra tòa và đòi công nuôi dưỡng trong những ngày cụ Thước sống cùng với vợ chồng ông.
Theo đó, tính từ năm 1997 đến năm 2005, ông đòi mỗi ngày cụ Thước phải trả cho ông tổng số tiền là hơn 146 triệu đồng.
Ông còn đòi tiền công trông nom nhà cửa, vườn tược của cha mẹ là 600.000 đồng/tháng kể từ năm 1997 đến ngày xét xử sơ thẩm, đòi trả tiền chặt cây gồm 3 cây trám, 3 cây sui, 3 bụi tre trị giá 10 triệu đồng.
Ngoài ra, ông cũng đòi bộ đỉnh đồng trị giá 4 triệu đồng mà cụ Thước đang dùng thờ cúng chồng và con trai út đã hy sinh.
Tuy nhiên, hành động bất hiếu đó của ông Thành đã bị cả hai cấp xét xử huyện Tam Đảo bác đơn và bị dư luận lên án về hành động của ông.
“Có chết mẹ vẫn thương con”
Sau khi con trai kiện cụ ra tòa, thấy hoàn cảnh đáng thương, năm 2005, chính quyền phải cấp cho cụ 100 m2 đất và xây tặng cụ ngôi nhà tình nghĩa. Nhờ thế, cụ mới có một ngôi nhà mới để hàng ngày thờ chồng, thờ con.
Gặp cụ Thước trong căn nhà tình thương, cụ chia sẻ: “Ở cái tuổi 93, không ngày nào tôi không khắc khoải về đứa con mà mình đã rứt ruột sinh ra. Lòng mẹ muốn bao dung mà lòng con thì lạnh lùng và đầy toan tính”.
Kể về người con trai cả của mình cụ Thước nghẹn ngào nói: “Gọi mẹ là mày xưng tao, rỉa rói mẹ già như thằng Thành trên đời này chắc chỉ có một.
Có hôm đứa cháu ngoại sang ăn cơm với tôi. Nó từ đâu đến hầm hè chửi bới rồi nhổ nước bọt vào mặt tôi… 2 lần đối diện với nó (ông Thành – PV) ở trên tòa, nó bảo: Tôi không còn mẹ nữa (!). Lúc ấy tôi thấy đau lòng hơn là giận nó.
Nhưng con mình mang nặng đẻ đau thì mình không thể chối bỏ và ghét nó được. Tôi vẫn thấy thương nó, chỉ vì lòng tham mà làm nó mất hết tính người. Nó như thế âu cũng là một phần lỗi của tôi không nuôi dạy nó biết được điều hay lẽ phải ở đời.
Vì chuyện này, họ tộc khuyên ngăn không được nên đã từ nó rồi. Nghĩ như vậy tôi lại càng thấy thương cho nó. Nó có thể nói không có tôi chứ với tôi thì…có chết mẹ vẫn thương con”.
Tôi buột miệng hỏi: “Nếu cụ mất, cụ có muốn ông Thành đến không?”, cụ Thước trả lời: “Chết rồi thì còn biết gì nữa nhưng nếu chẳng may nó đi trước tôi thì tôi sẽ ra ngoài đường để đưa nó”.
Nói rồi, cụ lại nhìn xa xăm: “Nhớ cái dạo nó bị phù, bụng to tướng, chân tay sưng vù. Tôi có đến thăm nó, trước mặt nó tôi cố bình tĩnh nhưng đêm về khóc ròng, lỡ nó làm sao thì khổ, con nó thì còn nhỏ dại.
Thấy người ta bảo phải chuyển nó đi bệnh viện ở Hà Nội. Tôi về bán hai chỉ vàng dành dụm phòng lúc tuổi già, đưa tiền cho vợ chồng nó đi chữa bệnh. Rồi tôi đi xem, về làm lễ mời thầy cúng giải vía cho nó. May mà lần đó nó tai qua nạn khỏi.
Tôi ở cái tuổi gần đất xa trời rồi, chẳng sống được bao lâu nữa. Gia đình lục đục khiến tôi buồn lắm, bây giờ chỉ mong sao nó biết hối cải đến xin lỗi tôi thì tôi sẽ xin họ hàng tha thứ cho nó và coi như chưa có chuyện gì xảy ra. Mẹ con vẫn đầm ấm hạnh phúc như trước kia thì tôi chết mới… nhắm mắt”.
Tuổi đã cao, lưng đã còng là thế nhưng cụ Thước vẫn tự làm những công việc như dắt trâu đi chăn, rồi nhổ cỏ, bóc đậu... Cụ bảo: Ở một mình “cho thoải mái”, không muốn làm phiền đến con cái. Bọn chúng đã có gia đình còn nhiều thứ phải lo mà còn phải chăm mình nữa thì các cháu mình lấy gì mà ăn?.