Khi con là ông trời
Câu chuyện về cô bé L.T.Ngọc Mai, mới 10 tuổi đã sớm nổi tiếng khắp vùng vì tính ma lanh, quậy phá hay ăn cắp vặt được đăng trên báo mấy ngày nay, đã khiến các phụ huynh phải giật mình vì độ hư quá sớm của con trẻ thời nay. Mai là con gái đầu lòng của anh Lê Ngọc Điệp và chị Nguyễn Thị Thanh Hương (SN 1978, ngụ ấp 4, xã Đốc Binh Kiều, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp).
Gia cảnh nghèo túng, không có lấy một mảnh đất cắm dùi, anh chị phải tha phương cầu thực để nuôi 3 đứa con. Chị là công nhân cho một xí nghiệp giày da, còn anh bôn ba sang tận Campuchia làm mướn mong kiếm được đồng nào hay đồng nấy. Đứa con gái thiếu sự kèm cặp của gia đình từ một đứa bé ngoan dần trở nên hư đốn.
Thiếu tiền tiêu xài, Mai lúc đó mới 9 tuổi đã đem bán đôi bông tai mà cha mẹ cố công dành dụm mua cho. Khi gia đình bên ngoại phát hiện cháu mình không còn đồ trang sức, cô bé vờ khóc lóc, bịa chuyện cha mình đã giật lấy đem bán.
Bức thư "từ cha" của bé gái hư hỏng
Họ hàng nhà ngoại chưa ai hỏi rõ ngọn ngành đã vội tin, kéo nhau qua nhà đánh anh con rể bán sống bán chết; khi nghe được lời thanh minh thì đã muộn.
Đến lớp Mai lén lục cặp bạn lấy tiền, đến khi kiểm tra túi phát hiện ra tiền ấy trong đó, bé gái này vẫn chối bay chối biến.
Hơn một năm trước, thấy nhà hàng xóm không có ai, cô bé lén chui vào nhà rồi trộm 2 triệu đồng trong tủ, thản nhiên ở lại nấu mì gói ăn, thậm chí còn… đại tiện ngay trong phòng ngủ chủ nhà.
Bé gái này còn nhiều lần leo lên ghe trộm đồ ăn; rình những lúc xe máy, xe đạp của người khác không ai canh giữ là dắt đi qua xã khác giấu vài ngày rồi đem bán lấy tiền xài. Dù mẹ đã nhiều lần la mắng, khuyên nhủ nhưng cô bé hư hỏng vẫn không bỏ được tật xấu, còn trả lời: “ngứa tay không chịu được”.
Trong một lần giận quá mất khôn, chị châm dầu lửa lên tóc con mình hăm dọa nhưng bất ngờ ngọn lửa phát hỏa.Vết thương của con bé chỉ xếp loại thương tật tạm thời song hành động đốt con của chị Hương đã bị tòa án xét tội “Cố ý gây thương tích” với mức án 2 năm tù giam.
Đỉnh điểm là sau đó 1 tháng, vì tiếp tục ăn cắp vặt bị cha mắng, bé gái “hết thuốc chữa” này đã viết thư từ cha vì “ở với mẹ sung sướng hơn nhiều”.
Cha cô bé giờ đây chỉ biết ngậm ngùi mỗi khi ai nhắc đến cô con gái bất trị của mình.
(Ảnh minh họa)
Trong hoàn cảnh tương tự còn có anh Hiền (Từ Liêm, Hà Nội).
Số là con trai anh Hiền học lớp 4 vốn đã nổi tiếng hư hỏng từ nhỏ. Đến lớp, Hải luôn tranh giành đồ chơi với bạn cùng lớp, không được thì giật tóc cào cấu khiến bạn bị chảy máu. Vì bạn không cho xem bài trong giờ kiểm tra, tan học cậu bé chặn đường đánh cho bạn phải khâu 3 mũi trên đầu.
Giận cháu, ông nội dùng roi da quất thì lần nào cũng: "Con biết lỗi, con xin chừa", song rồi đâu lại vào đấy. Vừa đánh xong, đến tối Hải đã sang nhà hàng xóm cậy khóa lấy trộm tiền bỏ đi chơi điện tử thâu đêm.
Thậm chí nó còn cùng một hội mấy đứa “máu me giang hồ” thường lảng vảng đứng ở gần công viên để giở trò trấn lột.
Đến năm Hải lớp 6, trong một lần vì lỡ gây tai nạn làm chết người, anh Hiền phải đi tù 4 năm, vợ sau đó bỏ đi. Hải được gửi cho ông bà nội nuôi. 4 năm ròng bố ở tù nhưng chẳng có lấy một lần nó vào thăm. Thi thoảng người nhà đến, anh lại mắt đỏ hoe hỏi thăm con đâu.
Khi anh ra tù, về nhà đến bữa ăn cơm, nó không thèm mời ai, anh có hỏi thì nó ngang ngược bảo bố là tù nhân, tại sao bắt con phải mời.
Nghẹn giọng, anh bật dậy cho đứa con hỗn hào 1 cái bạt tai thì nó hằn học bỏ đi biền biệt suốt cả tuần liền. Tìm được con, về anh xích tay nó ở chân giường suốt 3 ngày liền nhưng vẫn không ăn thua. Thằng con vẫn ngựa quen đường cũ, chứng nào tật nấy.
Cứ nghĩ đến đứa con bất trị là anh lại thở dài, chán nản. Người bố này nói trong bất lực: “Thú thật tôi hết thuốc với nó rồi”. Anh cũng hối hận: "Giá mà tôi không đi tù, mẹ nó không bỏ đi, có thời gian quan tâm con thì chắc gì đến nỗi".
Lời khuyên của chuyên gia
Nói về hiện tượng trẻ hư quá sớm hiện nay, chuyên gia tâm lý Lê Khanh, Phòng Tư vấn tâm lý gia đình và trẻ em (TP.HCM) chia sẻ: "Xã hội ngày càng phát sinh nhiều hiện tượng tiêu cực. Trẻ con không có tấm gương để học hỏi.
Trẻ con vốn học tập qua sự bắt chước. Nói một cách đơn giản nếu bố mẹ nói năng đàng hoàng tử tế thì con cái sẽ cư xử lễ phép hơn, bố mẹ chửi thề thì con sẽ theo đó mà học chửi thề. Nhiều khi người lớn ra ngoài theo phép xã giao thông thường thì cư xử rất lịch sự, tuy nhiên ở nhà lại có thể văng tục thoải mái. Đứa trẻ nhìn vào tất nhiên nó sẽ có phản ứng và học theo những thói xấu đó từ chính trong nhà của mình".
Chuyên gia cũng đưa ra lời khuyên cho các ông bố bà mẹ trong trường hợp này: "Đầu tiên, bố mẹ phải hiểu rõ tính cách của con em mình. Cần phải xác định đó là một đứa trẻ hướng nội hay hướng ngoại, hiền lành hay cá tính, cứng đầu để có cách xử sự cho phù hợp hơn. Không có bài toán chung cho mọi đứa trẻ.
Vì thế cũng không thể có một lời khuyên chính xác nào mà phải áp dụng vào từng hoàn cảnh cụ thể. Thứ 2 bố mẹ phải là người giúp con cái có khả năng tự lập, khuyến khích con làm những việc mà bản thân nó thấy đam mê.
Đa số các bố mẹ đều rơi vào 2 tình huống là áp đặt và nuông chiều, tuy nhiên lại không cho các con có sự lựa chọn. Hai điều này hoàn toàn khác nhau. Một nguyên tắc cơ bản nữa là bố mẹ phải tôn trọng những phản ứng cũng như suy nghĩ, cảm nhận của con trẻ. Hãy đồng hành cùng con để giúp trẻ tránh khỏi những cạm bẫy nguy hiểm ngoài xã hội".