Cô bé ung thư bị người mẹ bạc tình bỏ rơi

,
Chia sẻ

Em bé ung thư giai đoạn cuối ấy vẫn mơ ước được đến trường, vẫn mơ ước về một tương lai tươi sáng và trong trí óc non nớt của bé, vẫn nhức nhối một ám ảnh bị bỏ rơi

Khác với những đứa trẻ ung thư đang điều trị hóa chất với cái đầu trọc lóc vì rụng tóc, mái tóc của Thúy dày và đen. Khi chúng tôi đến, cô bé vừa dứt cơn sốt, khuôn mặt vẫn còn bệch bạc, đôi môi chưa kịp lấy lại màu hồng. Nhưng chỉ một lúc sau, cô bé đã tụt khỏi lòng bà nội, chạy tung tăng khắp phòng bệnh, miệng cười, mắt cười với các bạn bệnh nhân khác. Lạ một điều, tôi để ý cô bé gọi bà nội nhưng lại tự xưng là con gái. “Bà ơi, bà đi đâu một tý thôi nhé, bà về bà bế con gái của bà nhé, con gái yêu bà nội lắm”. Nũng nịu, cô bé đu lên người bà, gục đầu vào vai bà dụi dụi.

Hoàn cảnh của cô bé, cả phòng bệnh, cả khoa và cả bệnh viện này biết. Có lẽ, nếu đủ lớn để ý thức được về bệnh tật hiểm nghèo của mình, Thúy chưa chắc đã buồn hơn việc bị chính mẹ đẻ bỏ rơi, không hề đoái hoài từ ngày em còn chưa phát bệnh.

Chứng kiến những đứa trẻ còn chưa kịp biết đọc, biết viết đã phải mang trong người căn bệnh ung thư quái ác ngày đêm hành hạ, mới thấy sự sống với các em thật mong manh nhường nào. Miên man trong những cơn đau đớn, những đứa trẻ ấy dường như quên hết khái niệm ngày, đêm, vui, buồn. Trong những cơ thể nhỏ bé ấy có chăng, chỉ còn lại chút nghị lực được bố mẹ, người thân và các bác sỹ ngày ngày tiếp thêm sinh khí chống chọi lại bệnh tật.

Có lẽ vì vậy, ngoài cái đầu trọc lốc hoặc lơ thơ tóc vì điều trị bằng hóa trị, tất cả những đứa trẻ chúng tôi gặp ở đây đều có đôi mắt buồn rười rượi, đôi mắt như những dấu chấm than, ám ảnh dù chỉ một lần nhìn vào.

Nhưng trong số hơn 30 đứa trẻ mắc căn bệnh ung thư đang nằm điều trị ở Bệnh viện K (Cơ sở 2, Thanh Trì, Hà Nội), Thúy trông bụ bẫm và tươi tỉnh nhất. Mới nhìn, chẳng ai ngờ cô bé sắp tròn 6 tuổi ấy đang mang trong mình căn bệnh ung thư máu giai đoạn cuối.

Khuôn mặt tròn bầu bĩnh, chiếc răng mới thay chưa kịp mọc, đôi mắt trong veo và cái miệng xinh xắn mỗi khi cười như làm bừng sáng cả phòng bệnh lạnh lẽo vốn chỉ toàn mùi thuốc, tiếng kêu rên đau đớn và tiếng sụt sùi của cha mẹ, người thân các bé. Hình ảnh em bé ấy cứ ám ảnh mãi trong đầu óc tôi. Lại tự hỏi, sao bé Thúy có gương mặt tươi tắn là thế mà cuộc đời non nớt của bé lại sớm phải chịu cảnh đau đớn đến như vậy.

Bà Tạ Thị Dơi – bà nội của Thúy thỉnh thoảng lại ngửa mặt lên than trời sao nỡ đày đọa đứa cháu mới 6 tuổi đầu, trách đứa con trai nghiện ngập, oán người con dâu bạc tình, đang tâm bỏ rơi cả đứa con đẻ. Có ai thấu hiểu nỗi lòng của hai ông bà già gần 2 năm nay, ngày ngày túc trực bên giường bệnh của cháu, bất lực chứng kiến những cơn sốt ngày càng kéo dài mà cùng với nó là thời gian gần cô bé cứ vơi dần.

Ông bà đều làm ruộng, nhà ở thôn Tựu Liệt, xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì. Sinh được hai người con trai thì đứa đầu nghiệp ngập, giờ đang phải cai nghiện bắt buộc ở Ba Vì. Chưa hết khổ vì con giờ lại nặng nợ với cháu. Cả đời vất vả khiến bà Dơi già sọm, thật khó tìm thấy trên gương mặt lam lũ của bà một thoáng vui tươi.

Thỉnh thoảng bà lại đấm ngực: “Lẽ nào đầu bạc lại tiễn kẻ đầu xanh. Cháu tôi nhìn đáng yêu thế kia, sao sớm phải chịu bất hạnh thế?”. Bố của Thúy nghiện ma túy, đã gây đủ điều đau khổ cho ông bà. Còn vợ anh ta, tức là mẹ đẻ của Thúy, bỏ về bên nhà ngoại nhưng năm thì mười họa mới thấy mặt.

Những người thân đến chăm các bé cùng phòng bệnh phải kể thay bà vì bà Dơi quá xúc động, hai gò má sạm đen của bà đẫm tràn nước mắt. Từ khi biết con gái bị bệnh, mẹ Thúy đã bỏ về nhà bố mẹ đẻ. Có xa xôi gì đâu, nhà ông bà ngoại của Thúy chỉ cách bệnh viện nơi em đang điều trị gần 1km. Nhưng từ Tết đến giờ người ta mới thấy mẹ Thúy vào thăm con được một lần. Bà Dơi kể: “Có lần con bé sốt cao quá, phải cấp cứu mà gọi điện, mẹ nó chỉ buông một câu gọn lỏn: “Lúc nào rỗi con vào”.

Đã là ung thư, loại nào cũng gây đau đớn. Người lớn đã khổ sở, với trẻ em, sức chịu đựng còn non nớt, mỗi lần căn bệnh hành hạ là một lần đối mặt với tử thần. Ung thư máu thường gây sốt cao, hồng cầu giảm mạnh khiến toàn cơ thể chuyển sang màu trắng tái. Có những lần Thúy bị co giật vì nhiệt độ lên tới gần 40 độ, toàn thân lẩy bẩy, nôn thốc nôn tháo rồi xỉu dần trên tay bà nội.

Nhưng cũng hiếm thấy cô bé nào có nghị lực như Thúy. Hỏi em có sợ tiêm không, cô bé bảo: “Con quen rồi, không đau đâu ạ”. Chỉ cần vừa hết sốt, cô bé lại tung tăng chạy nhảy, đùa giỡn với các bạn. Điều trị lâu trong bệnh viện, những đứa trẻ đồng cảnh ngộ đã tự hình thành những đôi bạn thân. Thúy cũng thế, em đặc biệt thích chơi với chị Lành, cô bé cũng bị ung thư máu.

Hoàn cảnh của Lành cũng đáng thương, bố mất sớm, mẹ em cứ phải gửi đứa em trai mới 21 tháng ở nhà, đưa em lên điều trị. Hai cô bé như hai hạt giống bị lỗi, không thể vươn lên thành cây cứ thế ngày ngày ăn, ngủ cùng nhau. Cả hai đều vô tư, hồn nhiên và ngây thơ tin rằng mình bị ốm, chỉ cần nghe lời bác sỹ và uống thuốc sẽ khỏi.

Có lần, Thúy hỏi bà nội, sao con lâu được về nhà thế? Có lẽ, không có cha mẹ bên cạnh, cô bé thèm hơi ấm của tình mẫu tử hơn. Đã lâu lắm rồi em không còn cảm nhận được sự yêu thương, chăm sóc ấy nữa. Không muốn làm em buồn, ông bà nội Thúy thường nói rằng bố mẹ em đi làm xa, nếu em ngoan sẽ được bố mẹ về thăm, cho quà.

Lâu dần, Thúy thôi không hỏi về bố mẹ nữa. Chỉ có đôi mắt, vẫn ánh lên sự khao khát khi thấy các bạn bệnh nhân khác được bố mẹ chăm sóc. Nhưng đó là trước kia, còn bây giờ, em nghe người lớn nói chuyện nên biết mẹ đã bỏ rơi mình. Mẹ em bỏ cha em vì không chịu nổi cảnh người chồng nghiện ngập, và rồi cũng bỏ luôn con mình khi biết bé mang trọng bệnh vô phương cứu chữa. Đêm nằm ngủ, bé không được hưởng cái niềm vui nho nhỏ mà bất kỳ em bé nào trên cuộc đời này cũng đều có, được gối đầu lên cánh tay êm ái của mẹ và chìm vào giấc ngủ trong lời ru hoặc trong những câu chuyện mẹ kể hằng đêm.

“Bà nội có kể chuyện cho con nghe trước khi đi ngủ không?” – tôi hỏi bé Thúy. “Không ạ! Bà con mệt lắm, bà con phải ngủ để còn có sức chăm con chứ”. “Thế con thích được ai kể chuyện cho nghe nhất?”. “Mẹ con ạ. Mẹ Thu ý”. Bà Dơi vội vàng giải thích: “Mẹ Thu là thím của cháu. Nó thèm được gọi mẹ lắm, nên mới gọi thím là mẹ”. Bất ngờ, Thúy chụm đôi bàn tay xinh xắn vào tai tôi nói nhỏ: “Con không có mẹ đâu, chỉ có mẹ Thu thôi…”. Than ôi! Lời nói rất thật thà của một cô bé 6 tuổi như cứa vào tim người lớn. Hiểu được đến thế, nghĩa là em cũng đã phần nào biết được sự bất hạnh của đời mình.

Giá như em không nên biết sự thật đắng cay ấy, rằng mẹ đã bỏ rơi em trên cuộc đời này, để em vẫn có quyền được hy vọng mẹ đang ở một nơi nào đó, để mà mong ước, để mà nhớ nhung. Đằng này, mẹ vẫn ở rất gần em, nhưng sao ký ức của em không có một chỗ nào dành cho mẹ. Ký ức của em chỉ là một màu trắng toát của những chiếc áo blouse, của ga trải giường bệnh viện, là những tiếng kêu gào khóc lóc vì đau đớn của những bạn nằm ở giường bên cạnh và của cả chính em.

Ký ức của em không có khái niệm về trường mầm non, mà chỉ là những ngày dài triền miên trong bệnh viện, gấu bông, búp bê thay bằng ống truyền dịch to tướng lúc nào cũng thường trực trên cánh tay. Tôi không dám hỏi Thúy rằng em có ghét mẹ không, bởi tôi sợ lại nhận được một câu trả lời thật thà của em, khi mà ký ức của Thúy đã không có bóng dáng người mẹ, khi mà trong những cơn đau, em chỉ có bà nội và người thím bên cạnh vỗ về, nựng nịu.

Một năm nay, dù rất muốn nhưng Thúy cũng chỉ được đi học vài buổi ở lớp 5 tuổi, trường mầm non, bởi em không đủ sức khỏe để vui chơi cùng các bạn. Thúy thích đi học lắm, em được mẹ Thu dạy chữ, chưa biết đọc nhưng Thúy “đọc” truyện “Cô bé quàng khăn đỏ” làu làu theo tranh vẽ cho tôi nghe. Hóa ra là quyển truyện ấy em được mẹ Thu đọc cho nghe nhiều lần đến nỗi học thuộc. Không được đi học nên bạn của Thúy chỉ là những cô bé hàng xóm, là “chị Mai Anh, chị Thảo, chị Cún” chứ bé không có bạn cùng lớp mầm non.

Và những người bạn nhỏ ấy là niềm vui trẻ thơ duy nhất của em. Những buổi chiều khi được bác sĩ cho về nhà, em lại ra sân ngóng các bạn đi học về để được nghe đọc truyện và được nghe kể những chuyện học hành, vui chơi.

6 tuổi và gần 3 năm đi bệnh viện chống chọi với căn bệnh bạch cầu, đến bây giờ tủy của em đã khô, bác sĩ nói thế, vì vậy việc truyền hóa chất thời điểm này là không thể, bởi sẽ rất nguy hiểm và cũng không ai nỡ làm thế. Em còn có mặt trên cuộc đời này ngày nào là thêm một ngày ông bà nội và mẹ Thu của em phấn khởi ngày đó, dù rằng họ biết, chỉ cần kéo dài thêm một giờ thôi, là thêm một giờ họ phải đối diện với nỗi tuyệt vọng. Nỗi tuyệt vọng ấy ngày càng lớn, như đám mây xám đang trôi đến rất gần.

Hỏi Thúy thích gì nhất, em bảo thích búp bê, “nhưng không ai mua, phải đến sinh nhật mẹ Thu mới mua cho con”. “Mà cô ơi, sắp đến sinh nhật con rồi đấy. Ngày 27 tháng 7 này là con được 6 tuổi”. Một thoáng vui tươi hiện trên đôi mắt đen lay láy của bé. “Tháng 9 này con vào lớp 1 rồi, con sẽ bế búp bê đến lớp chứ để em một mình thì em buồn lắm”. Tôi vội vàng quay đi. Chao ôi!

Thúy ơi! Con hãy cứ ước mơ đi bởi đôi khi con người ta sống được nhờ những ước mơ tốt đẹp, bằng những tia hy vọng dù rất đỗi mong manh. Và chắc chắn cô sẽ mua cho con một em búp bê thật đẹp, ngay ngày mai chứ không cần đợi đến sinh nhật…

Theo An ninh thế giới

Chia sẻ