Chọn trường cho con - Đề tài cực nóng nơi… công sở

,
Chia sẻ

Những ngày này, chuyện cho con học “đại học chữ to” ở đâu, xin học và chạy trường như thế nào trở thành một trong những đề tài “cực nóng” nơi công sở.

Nóng bởi các câu chuyện “truyền kỳ” về chọn trường và chạy trường cứ đến hẹn lại lên và không năm nào giống năm nào.

Kỳ 1: Chọn trường!

Đã từ lâu, trường tiểu học Đoàn Thị Điểm đã trở thành một cái tên “đáng ngưỡng mộ” với các vị phụ huynh mỗi khi có con chuẩn bị vào lớp 1. Giàu có thì nhất quyết vào đấy rồi nhưng nhiều gia đình cũng vì muốn “đú” tiếng thơm mà phải cố gắng bằng được cho con, để rồi lại ngậm ngùi lo sợ phải xin ra vì không đủ lực để theo. Lại có nhiều trường hợp vì chạy theo danh tiếng ảo mà nhất quyết xin cho con học bằng được ở trường Tây!
 

Trái tuyến, “dòm” Đoàn Thị Điểm

Anh Nguyễn Văn Tuấn, làm ở một cơ quan nhà nước trên đường Bà Triệu cho biết: Anh đã qua Đoàn thị Điểm hỏi thăm thì thấy “hãi hùng” với lịch trình để trở thành học sinh ở trường này. Nào là phải "học thêm" từ đầu tháng 3, đến tháng 7 thì thi, tiếng Anh phải nghe thông, ăn nói thành thạo. Đã vậy, có bác bảo vệ còn bảo, nếu cháu nó bé, không đủ tiêu chuẩn chiều cao và cân nặng thì khỏi cần đến, đỡ tốn công sức.

Tôi hỏi “Vậy anh có cho cháu theo trường đấy không”? Anh lắc đầu “Thôi, mình là người đọc nhiều, biết nhiều, việc gì phải bắt con mình phải gò mình vào học bài từ khi nó mới 5 tuổi. Nếu học chơi chơi kiểu biết thì biết, không biết thì cũng không sao còn “cố” chứ kiểu học để thi thế này thì mình chịu, cho cháu về trường gần nhà để tiện ông bà đón và để cho con được sống đúng với tuổi của mình còn hơn”.

Anh Lại Hà Văn (nhà ở Trường Chinh) ban đầu cũng có ý định cố cho con vào Đoàn Thị Điểm nhưng rồi lại nghe dư luận đấy là trường điểm, ít có chuyện phong bì phong bao cho thầy cô như các trường khác. Tuy nhiên, để con theo học ở đó, bố mẹ các cháu phải "chạy đua vũ trang" nhiều lắm. Ví như trường hay tổ chức giã ngoại, picnic, phụ huynh cũng phải đóng khối tiền. Rồi anh kết luận “Lo lắm, nhỡ cháu thi vào được mà chạy đua thế kia thì chắc bố mẹ cháu sạt nghiệp mất. Thôi, về học trường làng cho nó lành”.

Đúng thế, chúng tôi đã từng biết Noel năm ngoái, có một trường tổ chức cho học sinh tiểu học đón Giáng sinh ở Sofitel Metropole với mức đóng góp 700.000đ/học sinh. Một phụ huynh của trường này tâm sự: Nhà trường không bắt buộc nhưng các bạn cùng lớp đi mà con mình không được đi, cũng tủi thân cho nó chứ, thế là tặc lưỡi, hết lần này đến lần khác, cũng khối tiền phải đóng cho con vào các dịp lễ như thế rồi. Với kinh nghiệm xin cho đứa con trước, đứa thứ hai này tôi về “xin đúng tuyến cho dễ thở”.

Còn rất nhiều trường hợp, các cháu vào học lớp 1, trường nào cũng “trái tuyến” vì không có hộ khẩu ở Hà Nội nhưng các bậc phụ huynh xác định “đâu cũng là trái tuyển thì xin hẳn vào trường xịn cho bõ công đi xin”. Và thế là tất cả các mối quan hệ được đưa ra, chú dì vào cuộc để tìm cho cháu trường “xịn”, trường của Tây để sau này có đi du học  thì cũng đã có sẵn nền tảng ngoại ngữ... Có thể sau này các cháu sẽ được học trong các trường xịn thật nhưng có thể chưa ai nghĩ đến áp lực sẽ đặt lên vai các cháu khi các cháu phải “mang tiếng” là học sinh trường xịn ở cái tuổi mầm non này…
 

Đúng tuyến nhưng…

Chị Nguyễn Thị Mai Anh (nhân viên hành chính của một công ty Kiểm toán) năm nay cũng có cháu nhỏ vào lớp 1. Theo đúng tuyến, cháu bé sẽ nộp đơn vào học ở trường T.K gần nhà và sẽ không phải thức dậy từ nửa đêm để xếp hàng xin hồ sơ vào trường vì có thông tin, năm ngoái trường vẫn thiếu học sinh dù năm vừa rồi, trẻ tuổi “dê vàng” tăng đột biến. Thế là chị lân la lại gần trường, lang thang các quán nước để tìm hiểu về trường. Chị bảo: May mà tôi đi tìm hiểu chứ xin vào đây mà tình trạng các thầy cô giáo như nghe kể thì con trai tôi chắc suốt ngày mếu máo và lơ ngơ.

Nghe nói, các thầy cô giáo ở đây cư xử với học sinh lạ lắm, cô thì cứ thẳng tay phi thước kẻ vào học sinh, cô thì cứ thế tung phấn đúng miệng nếu có cháu nào nói chuyện riêng, có người còn dùng hình phạt kinh điển hơn là nhét 2 ngón tay học sinh vào kẽ bàn rồi dọa bẻ nếu còn nói chuyện riêng. Kể xong chị thở dài, nói tiếp: Đành rằng, các cháu hư thì phải dạy bảo nhưng cứ dùng những hình phạt thế này thì “mầm non” đất nước thành lơ ngơ mất thôi.

Cũng cùng tâm trạng “đúng tuyến, nhưng…” của chị Mai Anh là chị Nguyễn Thị Hoa (kế toán một công ty truyền thông). Chị cho biết, năm nay chị định xin cho cháu vào trường Q.M cho gần nhà, vừa đúng tuyến, vừa thuận lợi cho việc đón đưa nhưng nghe giáo viên trong trường (là bạn thân của chị Hoa) nói thì trường đấy kém lắm, học sinh thì không ngoan, chúng nó bé mà nói tục như ranh, rồi thì học dốt, phụ huynh thì toàn là dân buôn bán nên cũng không ý thức lắm trong việc rèn giũa đạo đức cho con và cũng không đòi hỏi nhiều lắm ở con mình, chỉ cần biết chữ là được…

Nghe rất nhiều điểm yếu kém từ chính giáo viên trong trường như vậy cũng khiến chị ngần ngại trong việc cho con học ở đây… Chị bảo, nếu có thêm nhiều tiền, chị sẽ xin cho con vào học trường Tây cho văn minh, để con có nền tảng vững chắc sau này.

Cũng có trường đúng tuyến nhưng thiếu học sinh chỉ vì các vị phụ huynh lo cho con đi học nơi khác vì sợ môi trường sư phạm của trường đúng tuyến không “trong lành” lắm. Trường THCS H.V (trong ngõ V.C) là một ví dụ. Nhiều phụ huynh trong ngõ V.C cứ đến mùa chạy trường là dáo diết hỏi thăm nhau “học ở đâu, chọn trường nào”, cho các cháu học cùng nhau cho có bè, có bạn chỉ vì trường đúng tuyến “nghe nói có nhiều người nghiện ngập, cứ tụ tập xung quanh trường”.

Tâm lý này của các bậc cha mẹ không phải là sai nhưng thiết nghĩ, môi trường nào cũng có người nọ, người kia, cũng có học sinh ngoan và chưa ngoan. Có trường nào nhân bản được học sinh đâu mà chắc chắn cứ vào “điểm” là thành người và thành công? Chính vì tâm lý này của các phụ huynh nên mới thành sinh ra chuyện năm nào cũng phải “chạy trường” cho con vào lớp 1.

Phi Phi
Tổng hợp

Kỳ 2: Chạy trường

Chia sẻ