Chọn người xông đất

,
Chia sẻ

Tập tục xông đất đầu năm xuất phát từ mong mỏi có thể đón nhận được nhiều may mắn, thuận lợi, vui vẻ trong suốt một năm. Thời gian xông nhà tốt nhất vào buổi sáng mùng một tết.

Người đi xông đất, ngoài những lời cầu chúc tốt đẹp dành cho gia chủ còn phải ăn mặc thật đẹp và mang theo một chút quà tết.

Quà ở đây không nhất thiết quý giá, nhiều hay ít, mà mang tính tượng trưng như một chai rượu tết, một gói trà ngon… Xông đất có thể đi kèm với mừng tuổi bằng tiền, chủ yếu là cho trẻ nhỏ. Sau đó chủ nhà cũng hoan hỉ chúc tụng lại vị khách xông nhà và thết đãi một vài món ăn hay thức uống. Tuy nhiên, những lo lắng e ngại về việc kỵ tuổi, xung khắc khiến nhiều người sợ đi xông đất và nhiều gia đình cũng “tìm mỏi mắt không ra” ai để xông đất cho nhà mình. Hiện nay, dịch vụ xông đất ra đời do có cung nên có cầu, tuy nhiên xét về toàn diện thì có nhiều vấn đề đáng bàn.

Người đi xông đất, ngoài những lời cầu chúc tốt đẹp dành cho gia chủ còn phải ăn mặc thật đẹp và mang theo một chút quà tết.

Thứ nhất: về mặt tính toán kết hợp âm dương, ngũ hành, can chi, tam hợp, tứ hành xung… thì hầu như khó có thể chọn được người nào có tuổi xông đất lý tưởng. Vì người đó có thể hợp tuổi với gia chủ nhưng tết năm nay lại là năm xung, tháng hạn của cá nhân người đó, hoặc người đó không biết trong năm nay có kiêng cữ gì không. Ví dụ gia đình vừa có tang, bản thân họ gặp những khó khăn, hay nói theo kiểu dân gian là “nặng vía” hay không.
 
Nếu chỉ xét thuần tuý yếu tố chọn người có “tuổi tốt, tuổi hợp” thì e rằng quá sơ sài và chưa xem xét thấu đáo. Còn nếu chỉ xem như xông đất “cho vui vẻ, không cần kiêng cữ thái quá” thì lại càng mâu thuẫn, giống như dùng nhang điện thay cho nhang thật, chỉ thấy đỏ đỏ là an tâm mà không cần khói hương thành kính gì cả (ít nhất là trong mấy ngày lễ tết) hay sao?
 
Thứ hai: về mặt thực tế, dẫu có chọn được người “tương đối” hợp tuổi thì đó lại là người xa lạ, người đi làm dịch vụ, người chỉ có một thông số là “năm sinh hợp tuổi” mà thôi, còn những thông tin cá nhân khác (tính tình, quá trình sống, tố chất riêng…) của người đó thì gia chủ đều không biết gì cả. Mời một người xa lạ như vậy đến nhà mình vào giờ khắc quan trọng đầu năm hầu như đi ngược lại với tập tục xông đất và những kiêng kỵ của văn hoá truyền thống Việt Nam. Bao đời nay dân ta đều giữ gìn nếp sum họp gia đình, ngày tết có nhiều ăn nhiều, có ít ăn ít, quan trọng là nhà cửa sạch sẽ, vui vẻ, ấm cúng.
 
Tôi khó có thể tưởng tượng là gia đình mình chỉ vì những mong mỏi làm ăn phát đạt, an khang thịnh vượng mà lại có thể đón giao thừa trong tâm trạng chờ đợi một người nào đó đi làm dịch vụ sẽ đến xông đất. Có “phú quý” đến mức nào thì cũng không cần phải “sinh lễ nghĩa” theo cách như vậy. Tại sao không là một người bạn, người thân mà ta mong mỏi được gặp? Có thể ai đó sẽ phản đối: vậy dịch vụ ông già Noel tặng quà thì sao? Xin thưa, đó là những dịch vụ mới phát sinh thời gian gần đây do hội nhập với văn hoá Tây phương, như một chút vui vẻ cho các em bé trong dịp Giáng sinh, và bản chất ý nghĩa trao quà của ông già Noel khác với xông đất. Vì người ta không trách ông già Noel nếu như em bé đó cả năm học kém hoặc bệnh tật, nhưng người ta lại rất mong mỏi bản thân và gia đình mình gặp may mắn bởi một tuổi xông đất đầu năm tốt lành.
 

“Muốn chọn một người xông đất tốt cho mình thì người đó nên là người mà bạn cảm thấy sung sướng khi đón họ, bất kể tuổi nào!”

Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải

Thứ ba: chọn người xông đất với nhà ở, hay người mở hàng với doanh nghiệp thì mục đích cao nhất cũng là mong được sự khởi đầu thuận lợi cho một năm mới. Những bi hài quanh chuyện xông đất mở hàng vẫn luôn được nghe thấy, kiểu như một con mèo đi lạc, một cậu bé hàng xóm vô tình chạy sang chơi cũng bị tính là xông đất, là mở hàng, khiến gia chủ nơm nớp lo sợ hoặc thất vọng tràn trề.
 
Xét về khía cạnh văn hoá ứng xử, phải chăng chúng ta đang thiếu vắng niềm tin vào bản thân, vào một cuộc sống tươi đẹp vững bền nên phải cậy nhờ vào các yếu tố mang nhiều kiêng cữ mê tín như có ngoại hình hay ăn mặc, giọng nói, tính tình… mà ta không thích thì sao? Đó là chưa kể đến việc giấy chứng minh nhân dân chưa chắc đã thể hiện đúng tuổi thật của người xông đất (vì lý do lịch sử, thất lạc giấy tờ gốc, làm khai sinh muộn), rồi tuổi theo năm dương lịch khác âm lịch… mặt khác những chuyện kẹt xe, trục trặc khi đi lại, làm người xông đất đến muộn (rất dễ xảy ra khi giao thừa) thì dù có bắt đền bao nhiêu tiền cũng không bớt đi nỗi lo “cả năm bị xui” trong lòng khách hàng – gia chủ.
 
Tóm lại, mỗi gia đình hoàn toàn có thể tạo ra những nghi thức ngày tết cho mình (trong đó có việc xông đất) sao cho phù hợp hoàn cảnh, sức khoẻ, thói quen, sở thích… và không gây ảnh hưởng cũng như phải cậy nhờ hoặc lệ thuộc gì vào người khác cả. Như ý của nhà nghiên cứu Nguyễn Vinh Phúc: Thời xưa chỉ có hai cách chọn người tốt vía xông đất ngày đầu năm. Kẻ làm quan, người có học chọn người xông đất sao cho hợp tuổi với mình. Người xông đất phải là đàn ông trụ cột trong gia đình. Đối với người dân lao động thì đơn giản hơn: người được chọn xông đất phải khoẻ mạnh, tốt tính, và gia cảnh khấm khá, hoà thuận, thế là đủ.
 
Theo KTS. Hà Anh Tuấn
SGTT
Chia sẻ