Bi kịch bị ép lấy chồng của các lesbian
Khoác tay người chồng tương lai trong lễ cưới mà Thi thấy lòng buồn vô hạn. Bao nhiêu nỗ lực để cố yêu con trai của chị dường như sắp vỡ òa thành những giọt nước mắt,...
Ngày cưới là ngày hạnh phúc nhất với bất kỳ cô gái nào, nhưng với Thi (31 tuổi, Đống Đa, Hà Nội) thì ngược lại, đó như một dấu chấm hết cho ước vọng được sống với chính mình là một người đồng tính nữ của chị.
Từ khi còn đi học, Thi đã nhận rõ mình thích các bạn nữ. Lớn lên, chị có người yêu là nữ dù có nhiều chàng trai theo đuổi. Thế nhưng chị chưa từng nói với cha mẹ về mối tình trái ngang ấy vì sợ họ đau buồn thêm. Nhà có 3 anh chị em thì người chị gái đầu của Thi đã ngoài 40 tuổi nhưng không hề có ý định lập gia đình. Còn cậu em trai sau vài năm đi làm xa trở về cùng với một đứa con mà không có mẹ đứa trẻ. Vì thế, là con thứ trong gia đình nhưng kỳ vọng tổ chức một đám cưới của cha mẹ lại đặt hết vào chị, sẽ đi lấy chồng, sinh con.
Đến khi chia tay với người yêu sau 4 năm vì cô ấy phải đi lấy chồng, Thi đã nghĩ con đường duy nhất mà mình nên đi và phải đi là quay lại giới tính của mình. "Có thể mình chưa tập trung tìm kiếm một người bạn trai để có thể đi đến một tình yêu, đi đến hôn nhân. Cũng nên làm thế để cho mình bình thường như người khác, cho bố mẹ vui vì ít ra trong 3 người con cũng có có nổi một đám cưới", Thi tâm sự.
Chị quyết định sẽ đến với đàn ông và sẽ lập gia đình. Nhưng nói luôn dễ hơn làm, đến người thứ 3 thì chị nghĩ phải thực hiện cái đám cưới mà ai cũng mong kia cho bằng được dù không yêu. Chị đã cố gắng ép mình, cố gắng tỏ ra có tình cảm để tiến tới hôn nhân, thậm chí trước thời gian cưới chị đã phải tránh gặp vì chỉ sợ gặp thì sẽ bỏ.
Nhưng rốt cục thì cuộc hôn nhân ấy cũng tan vỡ. Thi không thể mãi cố ép bản thân sống không đúng với chính con người thật của mình.
Cũng giống như Thi vì sức ép phải lấy chồng của gia đình, Dương (25 tuổi, An Giang) đã chọn cách phủ nhận mình là một lesbian để đi lấy chồng. Nhưng hóa ra cuộc sống mới với cô lại một chuỗi cực hình. Chưa bao giờ cô cảm thấy cuộc đời mình rơi vào tận cùng như thế, sợ hãi và cùng cực.
Không phải Dương bị chồng hành hạ, đánh đập hay hắt hủi mà ngược lại anh rất quan tâm, chiều chuộng cô, chính điều đó khiến cô thấy có lỗi và hơn hết là cảm giác sợ hãi. "Giá như anh ấy cứ lạnh nhạt, thờ ơ thì có lẽ mình còn thấy thoải mái hơn nhiều. Đằng này, mỗi khi đêm xuống mình lại thấy sợ, sợ phải gần gũi chồng về thể xác. Nhiều lúc mình chỉ muốn có một lý do nào đó để ly dị nhưng anh sống tốt quá", Dương chia sẻ.
Với cô, anh chỉ như một người bạn thân, còn một nửa của cô lại là một người con gái. Cô đã từ bỏ người ấy vì muốn được sống bình thường như bao người phụ nữ khác, lấy chồng, sinh con. Thế nhưng giờ đây, lựa chọn ấy đã khiến cô luôn sống trong sợ hãi, khắc khoải với một trái tim rỉ máu, luôn hướng về người con gái kia.
Theo bà Nguyễn Quỳnh Trang, cán bộ Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường, những trường hợp lesbian chọn cách lấy chồng như trên không phải là hiếm. Nhiều người chọn cách này vì cha mẹ và cũng vì chính bản thân họ. Họ sợ phải sống thật với sự khác biệt của mình khi mà trong xã hội vẫn còn nhiều người coi họ là "bệnh hoạn", "biến thái", "thác loạn", "bẩn thỉu"...
Mới đây, Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường đã thực hiện một khảo sát về thực trạng nữ yêu nữ tại Hà Nội. 40 người nữ yêu nữ đã tham gia nghiên cứu ở độ tuổi 19 đến hơn 30. Đa phần họ chưa kết hôn, tuy nhiên nhiều người đã thử quan hệ với nam giới hoặc có ý định lấy chồng để cố làm một người dị tính.
"Dù là người sống rất độc lập nhưng em cũng không dám chắc mình có thể theo cách sống này - lấy hoặc chỉ đơn giản là ở cùng với một người con gái. Em hiểu mình muốn gì nhưng em cũng biết mình phải có trách nhiệm với gia đình. Con người em gần như đã xuôi theo hướng sẽ kết hôn với đàn ông, chứ không muốn làm gia đình khổ", Vân, 25 tuổi cho biết.
Dù thế, cô vẫn không khỏi trăn trở liệu mình có thể vượt qua được rào cản của chính bản thân để quan hệ với người đàn ông hay không.
Nhiều bậc cha mẹ nghĩ một cách đơn giản rằng con mình có bạn trai rồi lấy chồng, vậy là kết thúc tốt đẹp, coi như là giải quyết được "vấn đề" yêu nữ. Thực tế lại không đơn giản vậy.
"Cố làm người dị tính, việc đó nhiều người đã thử. Nhưng nếu người con gái không có tình yêu với người nam họ đã chọn thì cố vẫn chỉ là cố. Và khi người ta đã cố làm việc trái với mong muốn, tình cảm của mình thì khó có thể nói họ được bình yên và hạnh phúc", bà Trang chia sẻ.
Cũng theo bà, một trong những nguyên nhân khiến các lesbian không được sống với đúng bản chất của mình chính là những định kiến xã hội và quan trọng hơn cả là những định kiến, ngộ nhận từ phía cha mẹ.
Khi biết con gái yêu nữ, phần đông cha mẹ phản đối, ngăn cấm và ly gián. Có gia đình nhốt con ở nhà, cho người theo dõi con từng bước, dọa từ con nếu con không từ bỏ, dọa tự tử thậm chí có người tự tử thật vì đau khổ và để ngăn con.
Bà Trang cho biết, nghiên cứu cho thấy đa số cha mẹ nhìn nhận quan hệ yêu đương cùng giới một cách tiêu cực, cho rằng đó là bệnh, "không thể ngờ nó lại bị bệnh này". Nhiều người khi biết con gái yêu nữ liền lập tức mời bác sĩ tâm lý về để "chữa", đưa đi cúng bái để "khỏi bệnh", rồi ép con lấy chồng bằng mọi giá...
"Một số cha mẹ cho rằng ép con đồng giới chuyển đổi xu hướng tình dục của họ sao cho giống với người dị giới là giúp họ trở lại 'bình thường'. Nhưng ở người đồng giới nói chung và các lesbian nói riêng, tình dục đồng giới mới là xu hướng tự nhiên của họ. Việc ép chuyển đổi sang một xu hướng khác thực chất biến họ trở nên bất thường, trái tự nhiên", bà Trang chia sẻ.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Nam, thành viên của nhóm nghiên cứu cũng cho biết, nhiều khi nguyên nhân khiến cha mẹ phản đối con gái yêu nữ lại là vấn đề thể diện với họ hàng và người xung quanh. Những người sống xung quanh cha mẹ cũng là thành viên của một xã hội dị tính, nhiều người có quan niệm tiêu cực về đồng tính. Vì thế mà họ tác động đến cha mẹ và cản trở việc họ chấp nhận con.
"Có cha mẹ khi về nhà cũng nguôi với con mình rồi, nghĩ 'Ừ thôi thì bây giờ nó đã thế rồi, dù sao cũng là con mình đẻ ra, chấp nhận cũng chả sao cả, nó cũng chả làm gì xấu cho xã hội'. Nhưng khi ra đường có người hỏi 'Ơ thế con dạo này thế nào rồi? Vẫn chưa lấy chồng à? Thế vẫn bệnh hoạn như thế này thế kia à?' thế là về nhà lại nổi điên lên, rất mệt mỏi", bạn gái có nick là Lucy, 21 tuổi tâm sự với nhóm nghiên cứu.
Vì thế theo bà Nam, rất cần sự thông cảm, chia sẻ của cộng đồng với những người đồng tính và gia đình họ, cần những dịch vụ hỗ trợ để những người yêu người cùng giới đối phó với các vấn đề trong cuộc sống như sự giằng co với bản thân, các vấn đề trong gia đình, lo liệu cuộc sống riêng, vấn đề pháp lý (trong trường hợp bị ngược đãi).
Bên cạnh đó là dịch vụ hỗ trợ cho cha mẹ để họ tìm được sự chia sẻ với nhau, được tìm hiểu thông tin về tình yêu đồng giới của con mình, giữ được bình tĩnh để yêu thương con. Đồng thời cũng cần trang bị cho giới trẻ những kỹ năng để nhận định được xu hướng tình dục đúng đắn của mình và có cách tự bảo vệ khỏi những thứ gọi là “trào lưu”…
* Tên nhân vật đã được thay đổi.
Theo Phương Trang
Vnexpress