Bi hài cỗ cưới

,
Chia sẻ

Ở hai ngôi làng vùng Hà Tây cũ có kiểu đi ăn cỗ vô cùng lạ đời, chẳng giống đâu; và chẳng ai tin nó đang hiện hữu ở thủ đô...

Cả làng rủ nhau đi ăn cỗ

Đó là một tập tục lạ ở thôn Phúc Lâm, (xã Phúc Lâm, Mỹ Đức, Hà Nội) đã tồn tại từ bao đời nay mà người làng chẳng ai còn nhớ rõ nguồn gốc. Theo cụ Phạm Văn Phình, 97 tuổi, người già nhất làng, thì: “Đây là một tập tục văn hóa của làng có từ xa xưa. Ngày nhỏ cứ thấy nhà nào có cỗ cưới là tôi và một đám bạn lại kéo đến ăn. Đến nay tuy đã móm hết cả răng, nhưng vẫn chống gậy tới góp vui”.

Ngày xưa ở làng Phúc Lâm cứ nghe tiếng pháo nổ ở nhà nào thì cả làng lại kéo đến đó ăn cỗ. Có tiếng kèn tiếng trống đám ma cũng kéo đến ăn và chia buồn. Từ khi cấm đốt pháo, thì người ở gần nhà có đám biết trước sẽ báo người ở xa. Cứ thế cả làng truyền nhau. Nhưng nếu gia chủ có ý không mở rộng đám cỗ thì sẽ đánh tiếng cho dân làng biết trước.

Đã thành cái tục, nếu một gia đình ngày mai có cỗ thì thì tối hôm trước dân làng sẽ đến chơi. Cụ Phình bảo: “Khi đó có người hỏi gia chủ mai đánh chén không? Nếu trả lời có thì mai người làng đến ăn cỗ. Còn gia chủ xin phép chỉ ăn nội bộ, thì dân làng sẽ tự biết ý không tới, mà cũng chẳng chê trách gì!”.
 

Cũng chưa ở đâu người ta lại ăn cỗ sớm như làng Phúc Lâm. Mới khoảng 6 giờ sáng các mâm cỗ đã chật chỗ. Ông Cao Trung Kỳ, 72 tuổi, giải thích: “Phải đi ăn sớm để xong ai còn có việc nhà đấy. Vì vậy cỗ chỉ đến 8 giờ sáng đã tan cuộc. Mà các đám cỗ, người làng cũng chỉ đi ăn vào buổi sáng thôi, còn chiều hôm trước gia chủ dựng rạp bày cỗ mời anh em trong họ trước”.

Vào mùa cỗ cưới cuối năm, từ đầu làng đến cuối làng người ta đi ăn cỗ như trẩy hội, nhiều khi phải chạy sô hết đám này đến đám khác. Anh Phạm Văn Hùng bảo: “Có ngày tôi đi liên tục 7 đám. Nhà tôi phải phân nhau đi cho đủ. Hoặc tới mừng đám này rồi lại đến đám khác. Chứ người trong một làng mà đi nhà này bỏ nhà kia đều không chấp nhận được”.

Thôn Phúc Lâm có khoảng 215 hộ, với trên 700 nhân khẩu. Nhà nào có cỗ thì phải tự định liệu. Đám nhiều 100 mâm, ít thì 50 - 60 mâm. Cỗ không cần sang trọng chỉ nhiều thức ăn hơn bữa cơm bình thường một chút là được. Ông trưởng thôn Nguyễn Văn Kháng có phần tự hào cho biết: “Đây là tập tục mang đậm nét văn hóa của làng tôi, giúp tạo ra sự gắn kết, gần gũi giữa mọi người với nhau. Chỉ cần nhà nào có công có việc là dân làng đều tới chia sẻ, giúp đỡ không phân biệt giàu nghèo”. 

Ăn xong lấy phần cho đỡ thiệt! 

Chúng tôi rời làng Phúc Lâm với kiểu ăn cỗ cưới lạ đời ấy để về làng nón Chuông, bởi dân tình thời gian qua bàn tán rằng làng này cũng có tục lệ đi ăn cỗ lạ đời lắm...

Làng nón Chuông thuộc xã Phương Trung (Thanh Oai, Hà Nội) có đến 8 thôn với hơn 16.000 nhân khẩu trên 3.900 hộ. Cái nghề nón ở đây chắc hẳn đã nổi tiếng khắp bốn phương. Nhưng câu chuyện về những bữa cỗ tại làng cũng là một câu chuyện rất ly kỳ mà chưa mấy ai biết.

Do đời sống kinh tế khá giả, nên người làng Chuông đã dần dần coi trọng tất cả những nghi lễ như: lễ giỗ ông bà, cha mẹ, lễ cưới hỏi, tang ma, lên nhà mới, mừng thọ...

Cứ mỗi dịp như thế, dân làng Chuông lại có cái cớ để làm cỗ to, cỗ sang, mời họ hàng, bạn bè và hàng xóm láng giềng. Đặc biệt, đám cưới ở làng Chuông mấy năm gần đây đã có những điểm thay đổi rất khác thường.

Ông Phạm Trần Canh, 80 tuổi, một nghệ nhân làm nón nổi tiếng đã sống từ bé ở làng Chuông, buồn rầu cho biết: “Cái thời phú quý sinh lễ nghĩa các chú ạ! Hồi xưa làng tôi nghèo lắm, mỗi khi đám cưới, các gia đình chẳng có tiền mở cỗ to đâu. Nhưng khoảng 5 năm trở lại đây, các gia  đình trong thôn khá giả đã đua nhau trong các đám cưới. Nhà nghèo hơn cũng phải vay mượn để chạy đua trong việc mở đám cỗ to”.

Vị nghệ nhân này còn cho biết, đám cưới 100 - 200 mâm ở làng Chuông là chuyện bình thường, có thể dễ dàng bắt gặp hàng ngày.

Việc đua nhau mở cỗ to đã dẫn tới một tình trạng: Gia đình có con cái lấy vợ gả chồng sẽ phải lên danh sách đi mời rất đông người đến ăn. Chính vì vậy, có thể chẳng thân thiết gì, chỉ cần cùng ở chung con ngõ, gặp nhau ngoài đồng đôi lần cũng có tên trong thiệp mời. Để rồi hệ quả của nó kéo theo chuyện mọi người trong làng nợ tiền mừng cỗ chồng chéo nhau. Người ở làng Chuông đã gọi thẳng đi ăn cỗ là đi trả nợ, và mở cỗ ra là cốt để đòi nợ. Khi bữa cỗ đã trở thành cái vay - cái nợ thì ở làng Chuông vài năm trở lại đây đã phát sinh ra một thứ tục lệ bi hài. Phụ nữ, bà già và trẻ con có nhiệm vụ cắt cử nhau đi để ăn cỗ và mang phần về cho cả nhà.

Bà Vân, một người cao niên trong làng cười hể hả rồi cho hay: “Làng tôi trừ đàn ông ra thì tất cả người già như chúng tôi và trẻ con khi đi ăn cỗ đều được lấy phần về”. Nhiều gia đình khi có đám cưới đã làm quá nhiều cỗ, khách được mời không đến, cỗ thừa đến tối phải mang ra sông Đáy vứt nổi lềnh bềnh, vì nếu để đến hôm sau các thứ chẳng thể ăn được nữa.

Do gặp nhiều trường hợp như thế, nên hiện nay, gia chủ sẽ để sẵn 5 - 6 cái túi bóng bên cạnh mâm cỗ. Khi mọi người trong mâm ăn xong, còn thừa thứ gì thì chia đều vào mỗi túi bóng để họ mang về.

Câu chuyện tưởng như tiết kiệm trên ở làng Chuông đã vô tình trở thành một thứ tục lệ đáng xấu hổ. Bọn trẻ có khi tranh nhau từng miếng thịt gà, miếng giò để mang về nhà vì sợ bị chia phần hơn, phần kém. Hình ảnh những phụ nữ, trẻ nhỏ ăn xong lại lủng lẳng xách túi phần về, nhìn mà cười ra nước mắt...

Người Hà Tây giờ đã trở thành công dân của thủ đô văn minh, nhưng với hai câu chuyện về ăn cỗ ở trên, dường như làm chúng ta phải suy nghĩ rất nhiều. Một làng là truyền thống, và một làng mới phát sinh. Nhưng dù ở khía cạnh nào đi chăng nữa, thì chúng tôi thiết nghĩ, nếu nó không phù hợp với văn hóa truyền thống của dân tộc, không văn minh, thanh lịch thì đều phải nên sớm nghiêm túc dẹp bỏ.  
 
Theo Tuổi trẻ
Chia sẻ