Đổi nguyện vọng: Những lưu ý sống còn thí sinh phải nắm chắc trước khi đặt bút điều chỉnh
Bắt đầu từ ngày 29.8, thí sinh được quyền điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ đến ngày 5.9.
Bộ GD-ĐT đã mở cổng thông tin tuyển sinh quốc gia, cho phép thí sinh truy cập để điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển trực tuyến. Cổng thông tin tuyển sinh quốc gia sẽ đóng lúc 17 giờ chiều 5.9. Trong khoảng thời gian cổng thông tin tuyển sinh quốc gia mở, mỗi thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển tối đa 3 lần.
Và dưới đây là những vấn đề thí sinh cần nắm chắc trước khi điều chỉnh nguyện vọng:
1. Có nên điều chỉnh nguyện vọng hay không?
Thạc sĩ Cao Quảng Tư, Giám đốc Tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn trong chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến cho biết: Chỉ nên điều chỉnh nguyện vọng nếu như những đăng ký trước đó so với điểm số của bạn có sự chênh lệch so với dự kiến ban đầu.
Khi nhận được điểm thi tốt nghiệp THPT, nếu thấy điểm thi cao hơn hoặc thấp hơn nhiều so với dự kiến ban đầu và không còn phù hợp với những nguyện vọng đã đăng ký trước đó thì thí sinh mới nên thay đổi. Việc điều chỉnh nguyện vọng nên dựa trên phổ điểm mà bộ GD-ĐT công bố và điểm sàn của các trường.
2. Khi điều chỉnh nguyện vọng cần lưu ý điều gì?
- Theo quy định của Bộ thì thí sinh có thể điều chỉnh trong vòng 3 lần. Tuy nhiên nên tìm hiểu, xem xét thật kỹ các thông tin để hoàn tất các bước. Thứ nhất là thông tin ngành nghề, mã trường, tổ hợp môn xét tuyển, chọn ngành nghề xét tuyển phù hợp hay chưa. Thực tế có nhiều sinh viên chưa tìm hiểu kỹ ngành nghề vì không chỉ là việc trúng tuyển hay không mà còn liên quan đến 4 năm theo học tại trường.
- Cần chú ý đến thứ tự nguyện vọng, vì khi đã trúng tuyển nguyện vọng trên rồi thì không được xét tuyển nguyện vọng tiếp theo. Nên nếu không đặt thứ tự nguyện vọng phù hợp thì có thể không có cơ hội học ở những trường mình mong muốn.
- Nên tìm hiểu, suy xét thật kỹ thông tin các trường, đặc biệt là điểm chuẩn trong vòng 2 năm trở lại đây để có nhiều dự đoán mức điểm năm nay tăng hay giảm như thế nào? Đặc biệt điều chỉnh, điểm chuẩn mức điểm cao hơn từ 2 đến 3 điểm thì có nhiều cơ hội. Ngoài ra nên sử dụng thêm các phương thức khác như xét học bạ.
3. Suy nghĩ kĩ càng
TS Trần Khắc Thạc, Phó trưởng phòng Đào tạo, nhấn mạnh, yếu tố đầu tiên giúp thí sinh quyết định điều chỉnh nguyện vọng đúng đắn là sự bình tĩnh, cân nhắc kỹ càng. Thí sinh tránh tuyệt đối dùng hết cả ba lần đổi trong 1-2 ngày đầu tiên. Thay vào đó, các em chỉ nên đổi một lần, cùng lắm điều chỉnh lại một lần nữa trong những ngày cuối.
Bên cạnh đó, chuyên gia tư vấn tuyển sinh cũng khuyên thí sinh chỉ nên đăng ký tối đa 6 nguyện vọng, chia thành ba nhóm với điểm chuẩn năm ngoái bằng, cao hơn, thấp hơn điểm thi của em đó năm nay. Mức chênh lệch giữa điểm hai năm cũng chỉ nên khoảng 1-2 để rộng cửa trúng tuyển.
4. Đừng biến cơ hội thành rủi ro
Thí sinh đặc biệt lưu ý khi thay đổi nguyện vọng không nên dựa quá nhiều vào điểm sàn, bởi khoảng cách từ điểm sàn tới điểm chuẩn của nhiều trường là rất lớn. Thay vào đó, cần tham khảo điểm chuẩn của năm trước đó.
ThS. Lê Anh Đức, Phó Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân (Hà Nội) chia sẻ: Việc điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển tuỳ thuộc vào nhu cầu của thí sinh và không bắt buộc. Đầu tiên, thí sinh cần liệt kê danh sách trường, ngành thực sự yêu thích và muốn theo học. Sau đó, xem điểm chuẩn các năm trước của những trường này.
Các em nên loại khỏi danh sách trường có điểm chuẩn quá cao so với điểm của mình. Để tăng khả năng trúng tuyển, ThS Đức đưa lời khuyên, trong danh sách nên có trường với mức điểm chuẩn những năm trước cao hơn, bằng và thấp hơn tổ hợp điểm xét tuyển của mình năm nay. Ngoài ra, cần có phương án lựa chọn nguyện vọng hợp lý.