Độc đáo với chợ cua đồng "âm phủ" giữa Sài Gòn
Từ mấy chục năm nay, khu vực trước Miếu Thiên Hậu Hòa Hưng trên đường Cách Mạng Tháng Tám (Q.3 TPHCM) là nơi nhóm họp chợ cua đồng "âm phủ”. Cái tên nghe có vẻ rùng rợn, nhưng việc bán buôn thì thật sôi động và thú vị.
Chợ cua đồng này chỉ nhóm hợp từ 2 giờ đến 5 giờ sáng. Chị Duyên - một người buôn bán ở đây giúp chúng tôi hình dung: “Chợ ở đây xem như là chợ đầu mối. Mỗi sáng có hai lượt xe tải ghé đến bỏ cua là: 2g00 và 3g30. Cua chủ yếu được chở lên từ các tỉnh miền Tây như Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh. Sau đó chúng tôi sẽ phân ra, chở bằng xe máy đi bỏ mối khắp các chợ lớn nhỏ tại TP.HCM”.
Những chuyến xe tải chở cua từ miền Tây lên.
Những bao cua đồng tươi mới được tiểu thương nhận về.
Phân loại cua đồng trước khi bỏ mối lại.
Người dân buôn bán ở đây không nhớ rõ chợ cua đồng này có từ khi nào, cụm từ lâu lắm rồi, mấy chục năm rồi được dùng để diễn tả về thời gian xuất hiện của khu chợ này. Chị Duyên cho biết: "Từ thời ông bà tôi đã buôn bán ở đây, đến ba mẹ, rồi giờ đến vợ chồng tôi. Chị còn cho biết thêm những người mua bán ở khu vực quanh đây đều thuộc đại gia đình của chị. Chị trỏ tay về bên phải: “bên kia là em trai” – rồi trỏ về bên phải – “nhóm này là anh chị”.
Cũng có một “truyền thuyết” về sự ra đời khu chợ cua âm phủ này. Rằng trước kia có đôi vợ chồng đi xe từ miền Tây lên Sài Gòn bán cua. Chẳng may đến khu vực này thi xe bị hư. Đôi vợ chồng ngồi đợi đến sáng, mà địa điểm cần đến còn rất xa, cua phải bày la liệt ra đó. Người dân địa phương thấy thương cho cảnh “hàng ế” và "chợ xa sắp tàn" nên đã mua giúp. Về sau cua tiếp tục được bày bán ở đây, lâu dần thành chợ.
Chị Duyên đang tách cua yếu cho kịp tươi.
Bên cạnh là các thành viên đại gia đình chị đang tất bật phân loại.
Những mái đầu bạc của thế hệ ông bà.
Khi các xe tải chở cua đồng đến, nhiệm vụ đầu tiên của tiểu thương ở đây là phân loại cua: cua sống - cua yếu. Đối với cua sống, sẽ phân thành những bao nhỏ 15kg/bao để chở đến bỏ mối cho các chợ, nhà hàng, tiệm ăn. Cua yếu thì được tách lột ngay tại chỗ cho tươi, rồi bỏ mối lại dạng cua đã làm sạch hoặc xay nhuyễn.
Cứ thế tầm 2 - 4 giờ là đón xe tải nhận cua, tầm 4 - 5 giờ là đi giao cua, như vậy họ đã kết thúc một ngày làm với công việc mua bán cua đồng.
Những chú cua đồng mạnh bò ra ngoài bao.
Mỗi bao cua sau phân loại nặng 15kg/bao.
Đem bỏ mối lại cho các chợ lớn nhỏ trong TP.HCM. Đến tầm 6g30 sáng là các chú đã xong việc.
Một góc mặt tiền của chợ cua đồng âm phủ.