Độc đáo những tường thành đá trên đỉnh Sài Khao
Sài Khao là một bản làng xa xôi vào hẻo lánh nhất của huyện biên giới Mường Lát (Thanh Hóa), địa danh này còn lưu giữ nhiều dấu tích của binh đoàn Tây Tiến năm xưa và hiện là điểm đến ưa thích của những người thích khám phá thiên nhiên.
fvào thi trong bài "Tây Tiến" cCách huyện lỵ Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa khoảng 30 km, bản Sài Khao (xã Mường Lý) núi non hiểm trở, mây mù quanh năm bao phủ. Bản không có điện, không sóng điện thoại, đường sá đi lại khó khăn nên gần như biệt lập với thế giới bên ngoài.
Một góc bản người Mông trên đỉnh Sài Khao, xã Mường Lý, huyện Mường Lát
Sài Khao, Mường Lát, sông Mã… là những địa danh, những vùng đất nổi tiếng của huyện biên giới Mường Lát đã đi vào thi ca trong bài "Tây Tiến" của nhà thơ Quang Dũng.
Để ngược Sài Khao, một là đi bộ, hai là chạy xe máy trên những cung đường: một bên vực thẳm ngàn thước, một bên núi cao dựng đứng. Những cung đường mòn từ bản Suối Lóng lên Sài Khao nhỏ đến nỗi chẳng khác gì những sợi chỉ vắt ngang sườn núi. Bản nhỏ bé, yên bình nằm dưới thung lũng với hơn chục nóc nhà thấp lè tè. Từ đỉnh Sài Khao có thể nhìn thấy đỉnh Pha Luông hùng vĩ như trong câu thơ: "Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi".
Vùng đất này là nơi mà 75 năm trước binh đoàn Tây Tiến đã dừng chân, lập căn cứ trong kháng chiến chống thực dân Pháp
Vùng đất này đến nay vẫn lưu giữ những dấu tích mà bộ đội Tây Tiến khi dừng chân, lập căn cứ đã để lại. Đó là những vườn bưởi trồng trên sườn núi, khu ruộng bậc thang và bờ đá kè suối. Những địa danh này trước đây thuộc bản Sài Khao, sau khi chia tách nay thuộc bản Trung Thắng, xã Mường Lý. Vườn bưởi ngày nay vẫn còn xanh tốt, được trồng rải rác ở một số vườn của người Mông. Phía dưới vườn bưởi là khu ruộng bậc thang rộng 1 ha, được bộ đội cùng người dân khai phá trồng lương thực. Giờ khu ruộng này là vựa lương thực của đồng bào Mông.
Ngoài ra, trên dòng Cát Trắng cách vườn bưởi khoảng vài chục mét chính là dấu tích bờ kè đá vẫn còn hiện diện cho đến ngày nay. Trước kia bờ kè dài chừng 20 m với chiều cao hơn nửa mét, xếp bằng những tảng đá có kích thước to nhỏ khác nhau, được đoàn quân Tây Tiến và người dân chặn lại để lấy nước sinh hoạt. Tuy nhiên theo thời gian, hiện bờ kè đã không còn, chỉ còn lại dấu tích của vài tảng đá lớn.
Trong thời gian sống ở Sài Khao, nhiều người lính Tây Tiến đã hỗ trợ, giúp đồng bào người Mông cách trồng lúa nước, làm những bức tường đá để tránh muông thú. Từ đó, đồng bào nơi đây bắt đầu cho làm những "tường thành" để bảo vệ nhà cửa, mùa màng. Hiện nay, trên đỉnh Sài Khao có rất nhiều những tường thành đá được dựng lên, trở thành nét văn hóa độc đáo của đồng bào.
Sài Khao ngày nay là một địa danh khá nổi tiếng ở huyện biên giới Mường Lát. Tuy dấu tích của binh đoàn Tây Tiến hiện còn rất ít, nhưng nhờ sự hỗ trợ của người lính Tây Tiến, những "tường thành" đá được hình thành và là nét văn hóa độc đáo của miền biên viễn này
Hàng chục năm sau ngày đoàn quân Tây Tiến rút đi, dấu tích của một thời "oai hùng" đã mờ dần theo thời gian, nhưng Sài Khao vẫn còn nguyên sơ như ngày nào. Hiện nay, vùng đất này đang là điểm đến hấp dẫn, ưa thích của những người yêu mến, thích khám phá những vùng đất hoang sơ.
Bây giờ đến với bản Sài Khao, khách du lịch sẽ được chiêm ngưỡng những hàng rào đá vững chãi, bao quanh nhiều ngôi nhà của các hộ gia đình người Mông
Những bức tường đá này bắt đầu dựng lên từ thời những người lính Tây Tiến xuất hiện ở vùng đất này để người dân phòng thú dữ
Đá làm hàng rào được lấy từ chân núi, viên đá to thì dùng búa, xà beng đập nhỏ rồi dùng xe chở về, sau đó cả nhà lắp ghép lại với nhau thành những tường rào bao quanh nhà
Theo người dân Sài Khao, lúc đầu có vài người làm sau đó thấy hiệu quả nên cả bản đều dựng hàng rào đá quanh nhà và vườn tược
Hàng rào đá của nhiều hộ gia đình người Mông ở Sài Khao không chỉ bảo vệ đời sống, sản xuất của bà con, mà còn tạo thành một điểm nhấn độc đáo của vùng đất này
Tường thành đá không chỉ được người Mông dựng quanh nhà mà con được làm ở cả ngoài cánh đồng, nương rẫy
Việc dựng rào đá này nhằm ngăn chặn gia súc phá hoại mùa màng
Những hàng rào đá được người Mông rất quan tâm bảo vệ, nó dần trở thành một nét văn hóa riêng của vùng đất này. Giờ đây, khi lên với Sài Khao, ngoài thăm lại những địa danh gắn với những tháng ngày gian khó của binh đoàn Tây Tiến năm xưa, du khách còn được đắm mình trong cảnh nguyên sơ của núi rừng, được chiêm ngưỡng những bức tường thành đá độc đáo