Doanh nghiệp ở TPHCM khó khăn, thưởng Tết vẫn tăng
Qua khảo sát 1.078 doanh nghiệp sử dụng hơn 221.000 lao động trên địa bàn thành phố, Sở Lao động, Thương Binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) TPHCM ghi nhận mức thưởng bình quân của người lao động cao hơn 45% so với năm trước.
Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở LĐ,TB&XH TPHCM cho biết như vậy tại buổi họp báo về tình hình dịch bệnh và phục hồi kinh tế, chiều 22/12.
Đối với Tết Dương lịch năm 2023, tiền thưởng bình quân của các doanh nghiệp đến người lao động là hơn 3,1 triệu đồng, thấp hơn khoảng 7% so với mức khảo sát của năm trước. Tuy nhiên, khoản thưởng Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 lại tăng cao. Cụ thể, mức thưởng Tết Nguyên đán người lao động nhận được là gần 13 triệu đồng, cao hơn 45% so với năm 2022 (năm trước mức thưởng chỉ đạt gần 9 triệu đồng). Khoản thưởng Tết có mức thấp nhất năm nay là 4,86 triệu đồng.
Ông Lâm cho biết, mặc dù nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn sau đại dịch nhưng đã cố gắng để thu xếp trả tiền thưởng cho người lao động theo quy chế thưởng của hợp đồng lao động. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn có nhiều hoạt động khác trong việc hỗ trợ người lao động trong dịp Tết như tặng quà, phiếu mua hàng, vé xe về quê, tổ chức thăm hỏi và giúp người lao động có hoàn cảnh khó khăn ở lại thành phố đón Tết.
Thời gian tới, để ổn định quan hệ lao động và việc làm, Sở LĐ,TB&XH sẽ tập trung quản lý các vấn đề việc làm, tiền lương, tiền thưởng trong các doanh nghiệp có sử dụng lao động trên địa bàn thành phố. Sở sẽ tiếp tục hướng dẫn và giải quyết các vướng mắc của doanh nghiệp và người lao động, tăng cường đối thoại giữa người lao động và đơn vị sử dụng lao động.
Sau Tết Nguyên đán, thành phố sẽ có phương án đón người lạo động trở lại làm việc, tổng hợp và giới thiệu việc làm ở các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng. Dự kiến Sở LĐ,TB&XH sẽ tổ chức sàn giao dịch kết nối cung cầu lao động với các địa phương tại khu vực các tỉnh miền Tây và khu vực Tây Nguyên sau Tết Nguyên đán để thu hút lao động.
Liên quan đến vấn đề ngăn chặn xe dù, bến cóc trong dịp Tết Nguyên đán, ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM cho biết, tình trạng xe đón, trả khách không đúng nơi quy định vẫn diễn ra thường xuyên và có hướng gia tăng dịp cuối năm.
“Vấn đề trên tồn tại trong thời gian dài là do việc kiểm tra, xử lý sai phạm của người điều khiển phương tiện ở một số địa phương chưa thường xuyên và thiếu quyết liệt. Tình trạng xe hợp đồng, xe trả, đón khách không đúng nơi quy định chỉ giảm khi có tổ chức kiểm tra, hoặc thay đổi địa bàn hoạt động, nhưng sau đó lại phát sinh trở lại”, ông An nói.
Để giải quyết tình trạng trên, chấn chỉnh hoạt động giao thông trong dịp Tết, Sở đã trình UBND TPHCM phương án hạn chế ô tô khách có giường nằm vào trung tâm thành phố.