Doanh nghiệp dệt may, gỗ ở Bình Dương vay tiền thưởng Tết cho công nhân

Thiên Lý/VOV-TP.HCM,
Chia sẻ

Ảnh hưởng của tình hình thế giới khiến các doanh nghiệp gỗ, dệt may ở Bình Dương gặp nhiều khó khăn về đơn hàng. Doanh thu không có trong khi Tết đang cận kề, doanh nghiệp phải xoay sở từ nhiều nguồn hoặc vay mượn để công nhân có thưởng.

Dù khó vẫn có thưởng Tết

Hơn 20 năm hoạt động, có lẽ đây là giai đoạn khó khăn nhất đối với Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Thiên Nam (TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương). Đơn hàng giảm sâu, doanh nghiệp này phải chịu lỗ hơn 250 tỷ đồng để duy trì hoạt động. Mặc dù thua lỗ nhưng ban giám đốc công ty vẫn giữ mức thưởng 2 tháng lương (thấp nhất khoảng 30 triệu đồng/người) cho công nhân. Số tiền này, công ty vay từ các nguồn để người lao động yên tâm đón Tết.

Ông Trần Ngọc Vinh, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Thiên Nam cho biết, mấy năm trước làm ăn có lãi, doanh nghiệp thưởng Tết 4 tháng lương, nay giảm xuống. Quan điểm của Ban Giám đốc là lợi ích phải hài hòa và đôi bên cùng có lợi thì công ty mới phát triển.

Doanh nghiệp dệt may, gỗ ở Bình Dương vay tiền thưởng Tết cho công nhân - Ảnh 1.

Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương đối thoại với doanh nghiệp dệt may, gỗ

“Doanh nghiệp có lợi thì công nhân phải được hưởng lợi. Công nhân càng được quan tâm thì họ càng ý thức làm việc. Còn nếu mình cứ tính cho mình và đãi ngộ cho công nhân không đến nơi đến chốn thì họ cũng sẽ làm không đến nơi, do đó làm sao có năng suất cao. Do đó, doanh nghiệp bỏ tiền ra thì công nhân bỏ sức, như vậy cả hai cùng có lợi", ông Trần Ngọc Vinh nói.

Đối với các công ty gỗ, dệt may khác, năm nay, đơn hàng giảm sâu từ 50- 60%, nên cũng rất lo lắng về tiền thưởng cho công nhân. Nhiều doanh nghiệp cho biết, dù khó vẫn sẽ thưởng lương tháng 13 cho công nhân. Công ty nào khó khăn quá thì sắp xếp tặng mỗi công nhân một phần quà và vài trăm ngàn đồng để tri ân đã gắn bó, đồng hành.

Doanh nghiệp dệt may, gỗ ở Bình Dương vay tiền thưởng Tết cho công nhân - Ảnh 2.

Ông Lê Văn Biền, Chủ tịch Công đoàn Công ty Response Việt Nam (TP. Tân Uyên) chia sẻ khó khăn của doanh nghiệp khi ít đơn hàng

Ông Lê Văn Biền, Chủ tịch Công đoàn Công ty Response Việt Nam (TP. Tân Uyên) chia sẻ, dù khó công ty vẫn thưởng lương tháng 13 và tặng quà cho hơn 400 công nhân.

“Chủ trương của công đoàn và ban giám đốc là ưu tiên số 1 về mặt chế độ của công nhân. Tết này chúng tôi đã giải quyết tất cả chế độ tiền thưởng, tiền lương và các chế độ liên quan để mọi người có thể đón Tết ấm cúng. Những trường hợp khó khăn Ban giám đốc có phần trợ cấp thêm", ông Lê Văn Biền cho biết.

Sẽ đồng hành với người lao động khó khăn

Tính đến nay, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương tiếp nhận báo cáo thưởng Tết nguyên đán Giáp Thìn 2024 của gần 1.900 doanh nghiệp. Mức thưởng bình quân của các doanh nghiệp là 6,7-10 triệu đồng/người. Mức thưởng cao nhất gần 600 triệu đồng thuộc về doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Theo ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương, dù nhiều doanh nghiệp chưa có báo cáo thưởng Tết nhưng đang sắp xếp các nguồn lực để chăm lo cho người lao động.

“Từng doanh nghiệp cũng ý thức được các vấn đề giữ chân người lao động thông qua các hoạt động chăm lo, đảm bảo lương thưởng, chế độ phúc lợi là quan trọng. Do đó, doanh nghiệp cũng đã nỗ lực hết sức chăm lo cho người lao động. Đó cũng chính là điều kiện để người lao động gắn bó với doanh nghiệp. Đặc biệt, sau Tết nguyên đán, các doanh nghiệp có đơn hàng thì người lao động sẽ tiếp tục gắn bó, đồng hành để thực hiện tốt các hoạt động sản xuất kinh doanh", ông Phạm Văn Tuyên nói.

Doanh nghiệp dệt may, gỗ ở Bình Dương vay tiền thưởng Tết cho công nhân - Ảnh 3.

Bà Nguyễn Kim Loan, Chủ tịch Liên đoàn Lao động Bình Dương tặng quà cho công nhân khó khăn tại buổi đối thoại

Bên cạnh nỗ lực của doanh nghiệp, tỉnh Bình Dương cũng có những chính sách hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với công nhân. Tết năm nay, UBND tỉnh Bình Dương trích ngân sách tặng quà cho 44.400 công nhân khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo, mỗi suất trị giá 1 triệu đồng.

Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương tiếp tục trích ngân sách, vận động trao tặng 1.450 vé tàu, 3.500 vé xe, 30 vé máy bay đưa rước công nhân về quê đón Tết. Các cấp công đoàn tặng hơn 85.000 suất quà, mỗi suất 500.000 đồng cho người lao động, đoàn viên công đoàn; vận động mở nhiều phiên "Chợ Tết 0 đồng" phục vụ công nhân mua sắm.

Bà Nguyễn Kim Loan, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương cho biết, ngành gỗ, dệt may gặp khó khăn nhất nên sẽ ưu tiên nhiều nguồn lực chăm lo cho công nhân các ngành này.

“Chúng tôi đã tập trung giải ngân kịp thời gói hỗ trợ của Tổng Liên đoàn cho đoàn viên, người lao động trong ngành gỗ, dệt may thuộc diện được hỗ trợ do mất việc, tạm hoãn hợp đồng lao động. Bên cạnh đó có chương trình riêng hỗ trợ người lao động ngành gỗ, dệt may mua nhu yếu phẩm giá ổn định nhất, chất lượng nhất để được mua sắm dịp Tết", bà Nguyễn Kim Loan chia sẻ.

Tại buổi đối thoại, các doanh nghiệp, cán bộ công đoàn cơ sở mong muốn lãnh đạo tỉnh Bình Dương quan tâm hơn nữa để công nhân yên tâm gắn bó với tỉnh. Trong đó, vấn đề được quan tâm là tiếp cận mua nhà ở xã hội giá rẻ; hỗ trợ vay từ các nguồn chính thống để tránh dính "bẫy" tín dụng đen.

Chia sẻ