Đoan Trang kể chuyện Tết Ta – Tết Tây và bữa ăn nhà chồng không thể quên lần đầu về với tư cách dâu mới
Được trải nghiệm cả Tết Ta lẫn "Tết Tây", Đoan Trang chia sẻ những câu chuyện thú vị khi làm dâu ngoại quốc.
Thấm thoắt cuộc hôn nhân của chị và ông xã Johan đã được 7 năm. Nói về 7 năm qua, chị cảm thấy thế nào?
7 năm trôi qua, tôi cảm thấy mình thật an nhiên. Đó cũng là một trong những mục tiêu sống của Trang. An nhiên vì đã thật sự cân bằng và tìm được sự dung hòa giữa tất cả các mặt trong cuộc sống.
Từng là một trong số ít những ca sĩ "muộn chồng" của showbiz, nhưng cuộc hôn nhân ở tuổi 35 của chị lại khiến nhiều người ghen tị. Lên xe hoa khi không còn trẻ, chị có trải nghiệm gì?
Tôi thực sự hài lòng với sự lựa chọn cũng như quyết định của mình về hôn nhân! Vì tôi đã vừa có chút "vô tình" mà đồng thời cũng là chút "cố ý" để có được những hạnh phúc như hiện tại.
Là một người năng động, tôi quan trọng sự trải nghiệm, học hỏi và thỏa mãn đam mê tuổi trẻ. Khi bạn có đủ hiểu biết, nhìn thấy những gì xung quanh và hơn hết là nhìn thấy rõ bản thân mình, bạn sẽ cảm thấy thật tự tin và vững vàng để bước vào hôn nhân. Đó cũng là nền tảng để bạn xây dựng một gia đình bền vững.
Tất nhiên mỗi người có một lý tưởng khác nhau. Riêng tôi tin vào bản thân mình, tin vào sự lựa chọn của mình và cứ thế sống thật tích cực mà không quan tâm tới việc mình bao nhiêu tuổi, cũng không biết là mình đang ế chỏng chơ luôn (cười). Rồi điều gì đến cũng đến, tôi đã gặp được người đàn ông của cuộc đời mình, một cách chín muồi, sâu sắc.
Đến từ hai nền văn hóa khác nhau, hẳn chị và ông xã gốc Thụy Điển đã gặp không ít khó khăn trong thời gian đầu chung sống?
Tất nhiên rồi. Mối quan hệ nào, cuộc hôn nhân nào cũng có mâu thuẫn xảy ra, ngay cả với những người cùng văn hóa, cùng ngôn ngữ nữa là chúng tôi. Tuy nhiên, nói thì có vẻ lý thuyết nhưng sự thực là tôi và anh Johan có một điểm chung, đó chính là tình yêu. Vì tình yêu nên cùng mở lòng, lắng nghe người khác. Khi bạn có thể ngồi xuống lắng nghe, chia sẻ với đối phương thì mọi mâu thuẫn sẽ trở thành con số 0.
Ví dụ như tôi và chồng thời gian đầu có bé Sol thường xuyên mâu thuẫn về cách chăm sóc con. Anh Johan muốn con phải ngủ riêng từ lúc mới sinh để con tự lập, trong khi mình là người Á Đông, không muốn xa con trong lúc con đang quá non nớt như vậy. Hai vợ chồng cãi nhau rất nhiều và cuối cùng tôi là người chiến thắng.
Cho đến bây giờ, chồng đã theo lối văn hóa đó của tôi, tức là cho con ngủ chung. Mỗi tối, cả nhà nằm chung một giường, đọc sách cho con nghe hay đùa giỡn với nhau trước khi chìm vào giấc ngủ để đón chào một ngày mới. Cái không khí đó đem lại niềm vui rất lớn cho cả nhà và anh Johan rất thích điều đó.
Hòa hợp được một ông chồng đã khó khăn như vậy, chị làm thế nào để có thể hòa hợp với gia đình nhà chồng bên Thụy Điển? Lần đầu tiên về ra mắt nhà chồng với tư cách dâu mới, chị có kỉ niệm gì đáng nhớ không?
Ôi nhiều lắm. Tất nhiên không chỉ tôi mà cô dâu Việt Nam nào khi làm dâu nước ngoài cũng gặp vấn đề tương tự thôi. Bước về nhà chồng là bước vào một nền văn hóa hoàn toàn khác biệt. Lần đầu tiên về nhà anh, tôi lúng ta lúng túng, không biết phải làm sao cho phải. May mà má chồng và mọi người trong gia đình chồng cảm nhận được điều đó ở tôi, biết là với tôi mọi thứ đều mới lạ nên rất ân cần khiến tôi dễ dàng biến sự căng thẳng thành niềm vui dễ thương.
Đầu tiên là chuyện ăn uống. Ở nhà má chồng tôi, bàn ăn được sắp đặt khác nhau cho mỗi bữa ăn. Ví như bữa sáng thì dùng khăn giấy màu hồng lợt, bữa trưa dùng khăn giấy màu vàng lợt, bữa tối lại dùng khăn giấy màu xanh lợt. Hay dao và dĩa thì phải xếp đúng vị trí và cách gác dao dĩa cũng khác nhau trước khi ăn và sau khi ăn. Rồi thức ăn, nước chấm, nước sốt hoàn toàn không giống Việt Nam. Rồi trên bàn có nhiều loại ly khác nhau, nước lọc thì uống ly gì, nước trái cây uống ly gì, rượu sâm panh uống ly gì là phải nhớ.
Đó là nền văn hóa của họ, còn bản thân mình không thể thuộc được trong một ngày một giờ. Dĩ nhiên mọi người không yêu cầu tôi phải làm đúng nhưng tôi biết nếu tôi làm được thì má chồng sẽ cảm thấy rất vui. Bản thân tôi ban đầu thì lo lắng nhưng sau đó lại thấy thú vị, muốn chinh phục một điều mới mẻ và tôi đã làm được rất nhanh theo đúng ý má chồng.
Vậy khi về Việt Nam, chị có uốn anh Johan phải theo nếp văn hóa ăn uống của người Việt không?
Nhập gia tùy tục mà (cười). Tuy vậy, có những nét văn hóa của người Thụy Điển mà tôi muốn theo ngay cả khi ở Việt Nam. Đó chính là nếp nhà trong bữa ăn. Ở Việt Nam, ai ăn cơm xong trước thì đứng lên trước nhưng ở nhà chồng tôi thì không vậy. Trong bữa ăn, tất cả mọi người đều phải ngồi lại cho đến khi người cuối cùng ăn xong, kể cả người đó là một em bé. Khi còn có một người chưa ăn xong thì không ai được phép rời bàn ăn. Tôi thấy điều đó rất đáng quý. Nó thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau cũng như sự trân quý mỗi giờ phút sum họp đầm ấm của cả gia đình. Bữa ăn vì thế là khoảng thời gian rất đáng quý.
Được thưởng thức hai kiểu Tết Đông – Tây khác nhau, chị thích Tết Việt hơn hay Tết Thụy Điển hơn?
Tết Việt hay Tết Thụy Điển thì đều có những nét đặc thù riêng. Việt Nam thì rất nhộn nhịp, màu sắc, rất rực rỡ kiểu Á đông. Tết Việt Nam không chỉ gói gọn trong phạm vi gia đình mà còn là dịp để thăm hỏi họ hàng, bạn bè, đối tác. Trong khi đó Tết ở các nước Bắc Âu thì là khoảng thời gian dành riêng cho gia đình nên tĩnh lặng, êm đềm. Tất cả mọi thành viên trong nhà sẽ tập trung quầy bên nhau, tặng quà cho nhau, cùng ăn tối, trò chuyện ấm cùng bên lò sưởi, uống sâm panh, bên ngoài là tuyết trắng bao phủ. Vô cùng ấm áp và lãng mạn.
Ông xã chị thì thích Tết Việt hay Tết ở quê nhà anh ấy?
Anh Johan lại rất thích Tết Việt. Anh ấy yêu văn hóa truyền thống của người Việt lắm. Ngày Tết, anh Johan sẽ mặc áo dài trong ngày mồng Một, rồi đi chùa, viếng mộ tổ tiên, thăm hỏi họ hàng, lì xì cho người già, trẻ nhỏ… Đặc biệt là anh ấy thích ăn bánh tráng cuốn rau và hột vịt kho thịt, hai món ăn đặc trưng của ngày Tết.
Cô bé Sol của chị tuy còn nhỏ nhưng đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ khán giả vì những nét đáng yêu trong ngoại hình và tính cách. Bản thân chị thấy con gái mình giống cô bé Việt hay cô bé Thụy Điển hơn?
Có lẽ bé Sol là một cô bé lai may mắn vì được phát triển trong hai nền giáo dục Đông – Tây cân bằng. Một nửa thời gian trong ngày ở trường, Sol được học tập gần như hoàn toàn văn hóa phương Tây. Nửa thời gian còn lại ở nhà, Sol được dạy dỗ bởi mẹ và bà ngoại. Đôi lúc tưởng như sự tiếp nhận về văn hóa và ngôn ngữ phương Tây của con có phần nhỉnh hơn nhưng tôi luôn cố gắng hết mình mỗi ngày để gìn giữ và phát triển văn hóa Việt cho Sol, nhất là tiếng Việt. Thật thú vị khi thấy con gái của mình tiếp nhận được những điều hay từ hai nền văn hóa như vậy.
Mẹ chồng của Đoan Trang có bao giờ góp ý với con dâu về cách dạy con hay không?
Má chồng tôi rất tâm lý, hiểu biết và tôn trọng đời sống riêng tư của con cái như mọi bà mẹ phương Tây khác. Bà là nha sỹ, nên thỉnh thoảng cũng nhắc nhở vợ chồng Trang về các phương cách chăm sóc con trẻ, nhất là việc bảo vệ răng miệng và sức khỏe cho con. Tuy vậy, phần lớn bà tin tưởng gần như tuyệt đối cách chăm sóc con của vợ chồng tôi nên cuộc sống làm dâu của tôi rất thoải mái.
Bố mẹ chồng chị đã bao giờ ăn Tết ở Việt Nam chưa?
Nhiều lần tôi mời ba má về Việt Nam ăn Tết nhưng thời gian ăn Tết bên mình trùng vào thời gian làm việc bên Thụy Điển nên nhà chồng chưa sắp xếp được. Tôi cũng rất hi vọng một ngày thật gần bé Sol được đón Tết Việt với cả nhà ngoại và nhà nội.
Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này!