Đoàn cứu hộ quân đội nhân dân Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ tại Thổ Nhĩ Kỳ
Đoàn cứu hộ Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa tại Thổ Nhĩ Kỳ đã tìm kiếm được nhiều vị trí có nạn nhân, phối hợp cùng chính quyền địa phương, các đoàn cứu hộ quốc tế thực thi và hoàn thành tốt các phần việc được phân công.
Những nỗ lực của Đoàn cứu hộ Quân đội nhân dân Việt Nam được chính phủ và nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ đánh giá rất cao và mến phục. Nhân dịp này, VOV đã phỏng vấn Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, Phó chánh Văn phòng Thường trực Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Phó cục trưởng Cục Cứu hộ - Cứu nạn (Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam) trưởng đoàn cứu hộ Quân đội nhân dân Việt Nam.
PV: Thưa Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, xin ông điểm lại những dấu ấn, kết quả mà Đoàn công tác tham gia hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa tại Thổ Nhĩ Kỳ trong 10 ngày qua?
Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ: Có rất nhiều dấu ấn, nhưng tâm đắc nhất là sự phối hợp, hiệp đồng giữa đoàn công tác Bộ Quốc phòng với lực lượng điều phối và ứng phó tại hiện trường. Ngay ngày đầu tiên thực hiện nhiệm vụ chúng ta đã tìm kiếm được 4 vị trí có nạn nhân. Và ngay sau đấy lực lượng giải cứu của bạn bằng các trang thiết bị hạng nặng đã đưa được 6 thi thể ra khỏi đống đổ nát.
Trong điều kiện đấy, thân nhân của các gia đình, những người cha, người mẹ, người vợ, người chồng đang chờ đợi người thân đã khóc, ôm lấy đoàn Việt Nam và cảm ơn đoàn vì đã tìm được thi thể người thân của họ. Trong 10 ngày thực hiện nhiệm vụ chúng tôi đã thực hiện và tìm kiếm trên 31 địa điểm và xác định được 15 vị trí có nạn nhân bị vùi lấp do thảm họa động đất. Các lực lượng cứu hộ, cứu nạn của bạn đã đưa ra được 28 thi thể.
Đồng thời chúng ta cũng thực hiện phối hợp với các nước như Bahrain, Mexico để tổ chức tìm kiếm, sử dụng chó nghiệp vụ, trang thiết bị dò tìm của công binh bằng hình ảnh, bằng ra đa xuyên tường. Chúng ta đã phát hiện được 3 vị trí và đưa ra được 10 thi thể nạn nhân.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, người dân Thổ Nhĩ Kỳ đã dành nhiều tình cảm cho đoàn công tác Bộ Quốc phòng. Chúng tôi đi đến đâu người dân cũng đều cảm kích vì đã hỗ trợ họ thức ăn, nước uống, có đội chó nghiệp vụ và thiết bị dò tìm rất tốt để kịp thời tìm kiếm, xác định vị trí, giúp lực lượng cứu hộ sớm đưa thân nhân của họ ra khỏi những đống đổ nát.
PV: Đây là lần đầu tiên, Bộ Quốc phòng và Quân đội ta cử lực lượng ra khỏi lãnh thổ tham gia hỗ trợ nhân đạo tại Thổ Nhĩ Kỳ. Ông đánh giá như thế nào về ý nghĩa của nhiệm vụ quốc tế này?
Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ: Đây là lần đầu tiên chúng ta đưa lực lượng, phương tiện ra nước ngoài để ứng phó với thảm họa động đất. Điều này khẳng định vị thế, trách nhiệm của Việt Nam đối với lĩnh vực hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa, khẳng định được năng lực ứng phó các thách thức phi truyền thống của Việt Nam.
Qua thực tiễn những gì chúng ta làm, các nước bạn bè quốc tế đánh giá cao công tác tổ chức, sử dụng phương tiện phù hợp với mỗi giai đoạn trong quá trình tìm kiếm như sử dụng chó nghiệp vụ, sử dụng trang thiết bị, phương tiện hiện đại chuyên dụng để dò tìm bằng hình ảnh, ra đa xuyên tường. Chúng ta đã phối hợp và đã sử dụng rất tốt. Thông qua đó, các nước đến đây thực hiện nhiệm vụ và trực tiếp người dân, cũng như các cơ quan chức năng Thổ Nhĩ Kỳ đánh giá cao hiệu quả thực hiện của chúng ta.
PV: Đoàn công tác tham gia hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa tại Thổ Nhĩ Kỳ rút ra được những kinh nghiệm quý báu gì cho từng thành viên, cho Đoàn công tác và cho sự hợp tác quốc tế trong tương lai, thưa Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ?
Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ: Chúng ta có thể nói rằng thông qua việc thực hiện nhiệm vụ giúp nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả động đất và trực tiếp nhiệm vụ của chúng ta là tìm kiếm, xác định vị trí có nạn nhân bị vùi lấp, chúng ta rút ra nhiều vấn đề cả về lý luận và thực tiễn. Trước hết, các thành viên trực tiếp thực hiện nhiệm vụ rút ra nhiều vấn đề về quá trình huấn luyện, đào tạo, diễn tập, thực tiễn chứng minh để bổ sung vào lý luận. Các thành viên trong đoàn thông qua đó để củng cố và nâng cao năng lực, kinh nghiệm tìm kiếm người trong đống đổ nát.
Thứ 2 liên quan tới công tác chỉ huy điều hành. Đây là một vấn đề rất quan trọng để rút ra kinh nghiệm trong quá trình điều phối các lực lượng, từ khi tiếp nhận lực lượng ở nước ngoài đến, điều phối đưa đến hiện trường và tổ chức hệ thống thông tin liên lạc, việc phối hợp, hiệp đồng giữa lực lượng quốc tế và lực lượng tại vị trí của chúng ta.
Thứ 3 rút ra nhiều vấn đề trong công tác tham mưu, tổ chức điều hành, tổ chức huấn luyện đào tạo bổ sung về mặt lý luận và kinh nghiệp thực tiễn trong đối phó các loại hình sự cố do thiên tai, thảm họa gây ra, trong hợp tác quốc tế, trong ứng phó với các loại hình sự cố trong tương lai. Đó là việc tổ chức điều hành từ trung ương địa phương tới cơ sở, phối hợp hợp đồng điều phối các lực lượng quốc tế tiếp nhận, điều hành trong ứng phó phù hợp với khả năng sở trường của mỗi quốc gia, phù hợp với trang thiết bị mà lực lượng nước ngoài mang theo.
PV: Những ngày thực hiện nhiệm vụ tại Antakya, chắc chắn để lại cho ông nhiều dấu ấn, nhiều suy nghĩ và cảm xúc. Xin ông chia sẻ điều gì khiến ông nhớ nhất, ấn tượng nhất và cảm động nhất?
Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ: Có lẽ chúng tôi cảm động nhất là trọng trách, nhiệm vụ của cơ quan điều phối quốc tế và điều phối của bạn giao cho chúng ta, nhờ chúng ta sử dụng chó nghiệp vụ để tìm kiếm các nạn nhân. Mỗi khi chúng tôi tìm kiếm được các vị trí và bàn giao cho lực lượng giải cứu tại chỗ, người dân rất cảm kích.
Tôi có cảm nhận người dân Thổ Nhĩ Kỳ mặc dù rất đau buồn trước mất mát quá lớn lao về vật chất và con người, song trong ánh mắt vẫn toát lên niềm hi vọng. Và người dân dành nhiều cảm tình cho lực lượng cứu hộ, cứu nạn quốc tế nói chung và lực lượng quân đội Việt Nam nói riêng. Chính những việc đấy càng thôi thúc chúng tôi cố gắng tìm kiếm nhanh nhất và hiệu quả nhất. Chúng tôi xác định đây là mệnh lệnh của trái tim và tìm kiếm các nạn nhân bị vùi lấp trong đống đổ nát của các tòa nhà bị sập trong trận động đất cũng là tìm kiếm người thân của chúng tôi đang bị thảm họa gây ra.
Xin cảm ơn Thiếu tướng!