Đổ xô mở ngành thiết kế vi mạch – bán dẫn: Lo ngại chất lượng đầu ra

Nghiêm Huê,
Chia sẻ

Năm nay một số trường đại học (ĐH) tuyển sinh ngành, chuyên ngành bán dẫn, thiết kế vi mạch. Trong khi đó hiện chưa có định hướng cụ thể về việc Việt Nam sẽ đi theo “nhánh” nào của ngành công nghiệp công nghệ cao này. Chuyên gia lo ngại việc mở ngành ồ ạt dẫn đến tình trạng đầu vào nóng, đầu ra lạnh như một số ngành trong thời gian qua.

Ghi nhận cho thấy, một số trường ĐH thuộc ĐH Đà Nẵng công bố tuyển sinh chuyên ngành thiết kế vi mạch trong năm 2024 như Trường ĐH Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt - Hàn; Trường ĐH Sư phạm kĩ thuật (200 chỉ tiêu/trường).

Hội đồng Khoa học và Đào tạo ĐH Quốc gia TPHCM nhiệm kỳ 2023- 2026 đã đồng ý đề xuất của Ban Đào tạo ĐH này về mở nhóm ngành thiết kế vi mạch và công nghệ bán dẫn của Trường ĐH Bách Khoa, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (trình độ ĐH, thạc sĩ) và Trường ĐH Công nghệ Thông tin (trình độ ĐH).

Năm học 2024-2025, Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội (Trường ĐH Việt Pháp) bắt đầu tuyển sinh ngành Công nghệ vi mạch bán dẫn.

Đổ xô mở ngành thiết kế vi mạch – bán dẫn: Lo ngại chất lượng đầu ra - Ảnh 1.

Sinh viên thực hành trong phòng thí nghiệm Điện tử Viễn thông. Ảnh: Diệp An

Trong đề án tuyển sinh năm 2024 mới công bố, Trường ĐH Phenikaa dự kiến tuyển sinh ngành Kĩ thuật điện tử - viễn thông (Thiết kế vi mạch - bán dẫn) với 50 chỉ tiêu.

“Tôi cho rằng trường ĐH nào mở ngành đào tạo bán dẫn , thiết kế vi mạch (hệ ĐH) bây giờ là rất dũng cảm. Vì trường sẽ phải chứng minh với xã hội rằng, trường sẵn sàng cơ sở vật chất, đội ngũ giảng dạy xứng tầm thế giới. Đào tạo ngành này là để làm việc trong môi trường quốc tế”. PGS.TS Nguyễn Phong Điền

Có thể thấy, các trường ĐH công lập, ngoài công lập đã bắt kịp xu hướng sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden và chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Phạm Minh Chính khi hai bên đề cập đến việc hợp tác công nghệ bán dẫn, đổi mới sáng tạo.

Ngoài tuyển sinh nhóm ngành Vi mạch bán dẫn, hiện ĐH Quốc gia TPHCM xây dựng Chương trình phát triển ĐH Quốc gia này thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo hàng đầu châu Á trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn giai đoạn 2023 - 2030, tầm nhìn đến 2045.

ĐH này đặt ra mục tiêu đào tạo chuyên sâu về thiết kế vi mạch đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển nền công nghiệp vi mạch Việt Nam và thế giới; Xây dựng khung chương trình đào tạo ĐH và sau ĐH tiên tiến ngành thiết kế vi mạch và triển khai đào tạo trên 1.500 kĩ sư và 500 thạc sĩ trong giai đoạn 2023 - 2030. Xây dựng chương trình đào tạo hiện đại cấp chứng chỉ công nghiệp và quốc tế về thiết kế vi mạch cho 15.000 kĩ sư.

Được biết Việt Nam hiện có khoảng 35 cơ sở giáo dục ĐH có khả năng tham gia đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn. Tuy nhiên rất ít cơ sở đào tạo có kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

Chất lượng đào tạo có đảm bảo?

Tuy vậy, ĐH Bách khoa Hà Nội, đơn vị có truyền thống về đào tạo công nghệ lại khá dè dặt đối với thị trường bán dẫn, thiết kế vi mạch. PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội khẳng định công nghệ bán dẫn là lĩnh vực rộng bao gồm: chế tạo, đóng gói, thiết kế…

Vi mạch chỉ là một phần của công nghệ bán dẫn. ĐH Bách khoa Hà Nội có đào tạo chuyên ngành Vi mạch bán dẫn nhưng số lượng chỉ tiêu hạn hẹp và không phải là một ngành độc lập.

Theo kêu gọi của Chính phủ, ĐH Bách khoa Hà Nội đang cố gắng thiết kế để tăng năng suất đào tạo chuyên ngành này. Tuy nhiên, ĐH Bách khoa Hà Nội tiếp cận vấn đề này tương đối thận trọng, không ồ ạt để đảm bảo chất lượng.

“Tôi cho rằng trường ĐH nào mở ngành đào tạo bán dẫn, thiết kế vi mạch (hệ ĐH) bây giờ là rất dũng cảm. Vì trường sẽ phải chứng minh với xã hội rằng, trường sẵn sàng cơ sở vật chất, đội ngũ giảng dạy xứng tầm thế giới. Đào tạo ngành này là để làm việc trong môi trường quốc tế”, ông Điền nói. Đồng thời cho biết: “ĐH Bách khoa Hà Nội không mở ngành thiết kế vi mạch hay bán dẫn hệ ĐH.

Nếu đào tạo, ĐH này sẽ đào tạo sau ĐH. Vì với thời gian 4 năm ĐH, thông thường sinh viên chỉ có thể học xong kiến thức nền của ngành Thiết kế vi mạch. Còn để đào tạo ra chuyên gia phải học thạc sĩ và phải trải qua môi trường doanh nghiệp thêm 3 năm”.

GS.TS Chử Đức Trình, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội cũng khẳng định trong tương lai gần, trường không đào tạo hệ ĐH ngành Bán dẫn hay Thiết kế vi mạch.

Ông Trình cho biết Trường ĐH Công nghệ hợp tác với tập đoàn Sam Sung mở chương trình đào tạo thạc sĩ ngành Thiết kế vi mạch. Sinh viên muốn học, phải tốt nghiệp ĐH loại giỏi với điểm trung bình đạt từ 3.3/4.0 và tốt nghiệp những ngành Kĩ thuật điện, Kĩ thuật điện tử, Điện tử viễn thông, Kĩ thuật máy tính và chỉ tiêu chỉ 10 sinh viên.

Trong thời gian tới, thị trường phát triển, trường sẵn sàng mở rộng thành các chương trình khác. Ông Trình cũng khẳng định đào tạo ngành Thiết kế vi mạch hay Bán dẫn đòi hỏi cơ sở vật chất phải có sự đầu tư của nhà nước, các trường ĐH khó có thể làm được nếu chỉ dựa vào học phí. Ông Trình mong thời gian tới, ở Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM, Chính phủ có thể đầu tư mỗi nơi một trung tâm thiết kế vi mạch bán dẫn để các trường ĐH có thể cùng khai thác.

Được biết Việt Nam hiện có khoảng 35 cơ sở giáo dục ĐH có khả năng tham gia đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn. Tuy nhiên rất ít cơ sở đào tạo có kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

Chia sẻ