Đổ vỡ vì chuyện cỏn con
Không ai nghĩ có lúc phải ra tòa ly dị vì không hợp ý với người bạn đời ở những khoản nhỏ nhặt như: chồng thích ăn nhạt, vợ thích ăn ngọt; chồng mê rock, vợ khoái cải lương...
Trong khi cả hai từng đến với nhau bằng tình yêu, xây dựng hôn nhân một cách tự nguyện. Thế nhưng trong quá trình chung sống, những mâu thuẫn vụn vặt, cỏn con đã đẩy cuộc hôn nhân đến chỗ bế tắc...
1. Ngọt - nhạt bữa ăn
Kinh tế khá giả nên sau khi tốt nghiệp đại học, anh Hưng (ngụ quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) được cha mẹ bỏ vốn thành lập công ty riêng. Công việc ổn định. Hưng bắt đầu tìm bạn đời. Trong một lần về quê đồng nghiệp, Hưng quen Hằng, cô thôn nữ đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn của mình: xinh đẹp, thùy mị, giỏi nội trợ. Hai năm tìm hiểu tình yêu thăng hoa, họ quyết định tiến tới xây tổ ấm.
Vợ thích nêm nếm ngọt, chồng thích ăn nhạt, đôi lúc cũng làm bữa cơm gia đình ngột ngạt, dần dần trở nên lạnh lẽo (ảnh minh họa) - Ảnh: Quân Nam
Hằng biết mình có lỗi, nhưng nghĩ thay vì Hưng dịu giọng một chút mình sẽ chỉnh lại cách nêm nếm, đằng này hở tí là càu nhàu, còn chê lên chê xuống. Vậy nên mặc cảm dâng lên Hằng làm tới.
Chưa kể Hưng có tật đi làm về mang giày vào tận trong nhà. Nhiều lúc mệt vì lo chuyện bếp núc, Hằng gào lên: “Chồng gì không biết điều. Bộ tưởng vợ là con ở hay sao”! Cứ thế, họ ăn miếng trả miếng với nhau, cuối cùng tổ ấm biến thành tổ lạnh. Hưng mượn cớ bàn chuyện kinh doanh với đối tác, tiệc tùng thâu đêm. Hằng cũng không nhường bước, ẵm con về ba mẹ ruột ở. Hưng không thèm đến thăm. Tình cảm lạnh nhạt dần để rồi kéo nhau ra tòa ly dị với lý do không hợp nhau...
2. Khi vợ mê chat
"Hôn nhân giống như trồng cây, nếu bỏ công chăm sóc mới đơm hoa kết trái hạnh phúc. Còn ngược lại, chắc chắn cây héo rồi chết dần" Ông ĐẶNG HÙNG |
Phượng và Nguyễn yêu nhau vào năm cuối đại học, nhưng hai bên cha mẹ đều cấm cản bởi gia đình Phượng chê Nguyễn nghèo. Còn cha mẹ Nguyễn nói lấy con gái nhà giàu kênh kiệu, rất khó sống. Ra trường, kiếm được việc làm tại một thành phố ở đồng bằng sông Cửu Long khiến họ bền lòng chặt dạ với nhau hơn.
Ba năm cản ngăn không được, thấy cả hai đều quyết liệt nên cha mẹ đôi bên xiêu lòng. Đáng tiếc, họ chỉ vượt qua được thử thách trong giai đoạn là Romeo và Juliet. Đến thời kỳ hậu Romeo và Juliet, cả hai lại gục ngã bởi những chuyện nhỏ xíu đời thường.
Sau khi cưới được một năm, Phượng sinh một “hoàng tử”. Chồng nựng khen con đẹp trai giống cha, chứ giống mẹ xấu hoắc. Biết chồng nói chơi nhưng Phượng vẫn tự ái, tìm cách trả đũa. Trong khi dỗ con ngủ, Phượng nhìn chằm chằm vào mặt con, chặc lưỡi: “Con trai gì lỗ mũi hỉnh, sách số nói tướng thế nghèo chết luôn. Sao mà giống cha toàn cái xấu”. Lần đầu không để ý nhưng khi vợ nói đến lần thứ hai khiến Nguyễn nghĩ: “Hóa ra từ lâu cô ta nghĩ mình là thằng bất tài, nghèo khó”.
Phượng lại mê “chat”, tối tối thường dán mắt vào màn hình vi tính, tán gẫu với nữ đồng nghiệp hoặc với đối tác làm ăn. Có lúc bạn bè bất ngờ ghé thăm, nhìn chén chất đống chưa rửa khiến Nguyễn thấy xấu hổ. Khi bạn về, Nguyễn quát vợ vô tâm, không nghĩ đến trách nhiệm làm vợ, làm mẹ. Phượng tức khí bảo chồng ích kỷ, cô chat chỉ vì chuyện làm ăn với đối tác. Đáng lý chồng phải biết cảm thông, chia sẻ với vợ, đằng này chỉ biết quát tháo. Dần dần suy nghĩ của họ rẽ theo hai hướng khác nhau. Không khí trong nhà ngày càng trở nên ngột ngạt... Cuối cùng, họ đưa nhau ra tòa ly hôn.
3. Cơm sôi, bớt lửa...
Theo ông Đặng Hùng, thẩm phán Tòa án nhân dân TP Cần Thơ, “có những cuộc ly dị là giải pháp tốt cho cả hai người, nhưng có khi đưa nhau ra tòa chỉ vì khởi đầu không đáng mà chính người trong cuộc hiểu rõ. Song vì sĩ diện, tự ái hão nên không ai nhường ai, cuối cùng chuyện nhỏ hóa to khiến mâu thuẫn ngày càng tiến triển, kéo theo hàng loạt bất hòa khác”.
Ông Đặng Hùng chia sẻ: “Đã là vợ chồng phải biết tôn trọng sở thích của nhau. Chồng hi sinh cho vợ, vợ hi sinh cho chồng sẽ mở đường cho hạnh phúc. Khi bất đồng quan điểm, mỗi người nhịn nhau một tí thì “một đời không khê”. Người này nóng thì người kia phải cố nguội dù biết mình không sai. Đợi qua cơn “khói lửa, binh đao”, vợ chồng ngồi tâm sự, ai quấy thì nhận phần quấy về mình, rồi “tổng kết” rút kinh nghiệm đừng để “lịch sử” tái diễn. Chứ vợ chồng sống với nhau mà ăn miếng trả miếng, sĩ diện, tự ái hão thì cuối cùng thế nào cũng dẫn nhau ra tòa.