“Độ Ta Không Độ Nàng”: Nhắc nhớ về chuyện tình yêu ngang trái, kết cục thương tâm có ở Việt Nam từ xa xưa thế này
Ngỡ tưởng những mối tình bi thương, sầu thảm như này chỉ tồn tại trong 1 bài hát với cái tựa rất trừu tượng "Độ ta không độ nàng" nhưng hóa ra Việt Nam cũng từng có chuyện tình đặc biệt như vậy.
Trước sức hot của bài hát "Độ ta không độ nàng", vẫn còn nhiều người đặt câu hỏi về ý nghĩa nhan đề gây tò mò này. Nhưng cho đến khi khám phá ra câu chuyện tình đằng sau thì từng câu chữ trong bài hát mới thật sự lấy được nước mắt của người nghe.
Ai cũng biết, quy y cửa Phật, rũ bỏ hồng trần sẽ không được có tình cảm yêu đương. Cũng giống như câu chuyện "Độ ta không độ nàng", lớn lên cùng nhau, biết bao kỉ niệm, yêu thương, quý mến nhưng hòa thượng và quận chúa lại thuộc về 2 thế giới khác nhau.
Tạo hình 2 nhân vật chính trong bài hát "Độ ta không độ nàng".
Ngỡ tưởng những mối tình bi ai, sầu thảm như này chỉ tồn tại trong 1 bài hát, 1 MV ca nhạc hay 1 bộ phim Trung Quốc thì từ lâu lắm rồi, Việt Nam cũng từng có chuyện tình đặc biệt như vậy.
Sai người, sai thời điểm
Chùa Đại Giác, còn gọi là Đại Giác cổ tự ở Biên Hòa, Đồng Nai chính là nơi đánh dấu mối tình ngang trái của công chúa triều Nguyễn - Nguyễn Thị Ngọc Anh. Theo sử sách chép lại, ngay từ khi tuổi đời còn nhỏ, bà đã bén duyên với cửa Phật. Công chúa luôn chăm chỉ đi chùa chiền, lễ tạ, chịu khó ăn chay trường và tụng kinh niệm Phật.
Theo thông tin được trích dẫn trên tập san Những người bạn Cố Đô Huế (Bulleetin des Amis Vieux Hue) năm 1915 có ghi lại: Công chúa Ngọc Anh khi Tây Sơn khởi nghĩa đã đến tu ở chùa Đại Giác, giữ cuộc sống cô độc, trầm tư mặc tưởng và tu hành hết sức sùng mộ.
Nhớ ơn ngôi chùa đã che chở nàng công chúa trong thời loạn lạc, đến năm Gia Long (Nguyễn Phúc Ánh) nguyên niên (1802) lên ngôi, nhà vua sai quan trấn Trấn Biên cho binh thợ đến xây cất, đem tượng binh đến chở đất và dặm nền chùa (nên sau này người dân còn gọi là chùa Tượng).
Thuở đó đất phương Nam có một vị Thiền sư nổi tiếng là Thiền sư Liễu Đạt Thiệt Thành. Không ai rõ Thiền sư Liễu Đạt Thiệt Thành sinh năm bao nhiêu, nhưng đức độ và sự uyên bác của ông thì ai cũng kính nể. Theo sử sách ghi lại, Thiền sư Liễu Đạt Thiệt Thành có dáng người cao to, gương mặt tuấn tú, phúc hậu, giọng nói truyền cảm, dáng vẻ oai nghiêm, đĩnh đạc, có tài hùng biện.
Tranh minh họa.
Khi vua Minh Mạng lên ngôi, Thiền sư Liễu Đạt Thiệt Thành được vua Minh Mạng cho gọi về kinh thành Huế để làm tăng chùa Thiên Mụ và giảng dạy Phật pháp cho Hoàng tộc Nguyễn. Ngay khi gặp Thiền sư Liễu Đạt Thiệt Thành, công chúa Ngọc Anh đã đem lòng cảm mến. Công chúa Ngọc Anh ngày ngày nghe Thiền sự giảng về Phật giáp, thấy sự uyên bác của Thiền sư, càng thêm thương nhớ.
Dù biết Thiền sư đã là người nhà Phật, không được phép dính vào duyên trần, nhưng vị công chúa si tình vẫn đề nghị Thiền sư Liễu Đạt Thiệt Thành phá giới để nên duyên cùng mình.
Thiền sư Liễu Đạt Thiệt Thành biết công chúa đem lòng cảm mến mình thì vô cùng khổ tâm. Hiểu tấm lòng của công chúa, nhưng Thiền sư cũng là một bậc cao tăng có cao đạo, một lòng hướng Phật, nên không thể đáp lại tình yêu này.
Thiền sư đã dùng Phật pháp ngày ngày giảng giải cho công chúa, với hi vọng công chúa sớm tỉnh ngộ. Thế nhưng những cố gắng của Thiền sư không những không ngăn cản được tình cảm đơn phương của công chúa mà nàng còn đề nghị vua Minh Mạng tác thành cho tình duyên của hai người.
Năm 1821, Hòa thượng Phật Ý Linh Nhạc – trụ trì chùa Từ Ân ở Gia Định viên tịch, Thiền sư Liễu Đạt Thiệt Thành đã nhân cơ hội này xin về chùa Từ Ân ở Gia Định làm trụ trì, chủ yếu để tránh né tình cảm của công chúa.
Cái kết thương tâm của mối tình đơn phương
Những tưởng tránh được nghiệp duyên, nào ngờ ở hoàng cung, công chúa Ngọc Anh bỗng thấy thiếu vắng, nhung nhớ Thiền sư khôn nguôi. Thế rồi nàng tìm cớ xin phép vua vào Gia Định cúng dường chùa Từ Ân, nhưng thật ra là để gặp Thiền sư cho thỏa lòng nhớ.
Tháng 10, năm Quý Mùi (1823), Thiền sư đang uống trà đàm đạo ở chùa Từ Ân, có tin báo công chúa Ngọc Anh đến chùa, Thiền sư lo âu không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Cuối cùng, Thiền sư quyết định lên chùa Đại giác ở Cù lao Phố, tỉnh Biên Hòa để nhập thất hai năm. Không thấy người thương đâu, công chúa Ngọc Anh vô cùng đau lòng.
Phần vì đi đường sá xa xôi, phần vì thương nhớ Thiền sư khôn nguôi, công chúa Ngọc Anh đã lâm trọng bệnh, sức khỏe mỗi ngày thêm sa sút. Lo sợ nguy hại cho bổn tự nếu chẳng may công chúa có mệnh hệ gì nên các tăng chúng trong chùa Từ Ân đành nói sự thật.
Tiếp tục đi tìm bằng được người đàn ông mình yêu, công chúa Ngọc Anh đã nhờ người đưa đến tịnh thất của Thiền sư. Theo sách Lịch sử Phật giáo Đàng Trong, trước cửa thất đóng kín của Thiền sư, Công chúa quỳ xuống, lễ ba lễ và thưa rằng: "Đệ tử sắp hồi kinh nên đến đây xin hòa thượng cho diện kiến lần chót trước khi lên đường".
Thiền sư ở trong tịnh thất không ra ngoài, công chúa Ngọc Anh đứng ở ngoài cầu xin được gặp mặt nhưng ngài nhất quyết im lặng.
Ảnh minh họa
Đau khổ tột cùng, công chúa Ngọc Anh quỳ trước tịnh thất, không ăn không uống, đòi gặp bằng được Thiền sư mới thôi. Thiền sư vẫn im lặng. Công chúa lại xin gặp Thiền sư lần cuối để từ biệt về kinh, cửa tịnh thất vẫn không mở.
Cuối cùng, công chúa Ngọc Anh dập đầu lạy trước tịnh thất mà rằng: "Nếu hòa thượng không tiện ra để gặp đệ tử, xin hòa thượng cho đệ tử nhìn thấy bàn tay của hòa thượng, đệ tử sẽ hân hoan ra về".
Im lặng vài phút, Thiền sư chìa bàn tay ra cửa nhỏ nơi đưa thức ăn vào thất. Nhưng vị công chúa si tình đã nhân cơ hội này, nắm chặt lấy tay Thiền sư và khóc sướt mướt, nước mắt nhỏ xuống tay Thiền sư.
Tưởng rằng khi ôm được bàn tay của Thiền sư thì mọi chuyện sẽ lắng xuống. Nhưng không ngờ, ngay đêm hôm ấy, vào khoảng canh ba, trong khi mọi người đang yên giấc, bỗng thấy tịnh thất của Thiền sư phát hỏa, mọi người chạy ra dập lửa thì tịnh thất đã cháy rụi. Nhục thân của thiền sư cũng cũng cháy đen. Mọi người đang bàn tán, xôn xao, có người phát hiện bài kệ của thiền sư viết bằng mực đen trên vách chánh điện:
"THIỆT đức rèn kinh vẹn kiếp trần
THÀNH không vẩn đục vẫn trong ngần
LIỄU tri mộng huyễn chơn như huyễn
ĐẠT đạo mình vui đạo mấy lần".
Thiền sư Liên Hoa biết cuộc đời này là mộng huyễn ảo ảnh nên đã dùng ngọn lửa để thức tỉnh và giáo hóa công chúa. Sau khi Thiền sư tự thiêu, công chúa Ngọc Anh vô cùng đau khổ.
Công chúa đã ở lại lo xong xuôi lễ nhập thất cho Thiền sư. 3 ngày sau, công chúa uống thuốc độc tự vẫn ngay tại hậu viên chùa Đại Giác, kết thúc một mối tình đơn phương bi thương.
Theo sách Thiền sư Việt Nam ghi chép rằng, Thiền sư Liễu Đạt Thiệt Thành, hiệu Liên Hoa là nhà sư đầu tiên ở miền Nam được phong Quốc sư vào những năm cuối đời vì cự tuyệt mối tình nhiệt huyết của công chúa triều Nguyễn, nhất tâm 1 lòng hướng Phật.
Nguồn: Tổng hợp từ sách Lịch sử Phật giáo Đàng Trong, sách Thiền sư Việt Nam