Đo SpO2 tại nhà đúng cách: Chuyên gia hướng dẫn 6 bước đơn giản!
Video hướng dẫn đo SpO2 tại nhà được TS.BS Nguyễn Thu Anh hướng dẫn sẽ giúp bạn đo đúng cách mà không cần mất thời gian tìm hiểu nhiều nguồn thông tin trên mạng.
6 bước đo SpO2 tại nhà đúng cách được chuyên gia hướng dẫn
Theo TS.BS Nguyễn Thu Anh (Giám đốc Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock tại Việt Nam), khi mắc Covid-19, một số bệnh nhân có thể gặp phải tình trạng thiếu oxy thầm lặng. Lúc này, độ bão hòa oxy trong máu giảm nhưng bệnh nhân vẫn hoàn toàn thấy khỏe mạnh và không hề bị khó thở. Việc đo nồng độ oxy trong máu sẽ giúp người bệnh sớm phát hiện được tình trạng này và can thiệp y tế kịp thời, tránh những hậu quả đáng tiếc.
Vậy, đo SpO2 tại nhà đúng cách cần thực hiện ra sao?
BS Nguyễn Thu Anh mới đây đã hướng dẫn mọi người tự đo SpO2 tại nhà đúng cách theo 6 bước theo video dưới đây:
BS.TS Nguyễn Thu Anh hướng dẫn 6 bước đo SpO2 tại nhà đúng cách.
Cụ thể, 6 bước đo SpO2 tại nhà đúng cách được BS Nguyễn Thu Anh chỉ rõ để kiểm tra độ bão hòa oxy trong máu như sau:
Bước 1: Làm sạch móng tay, không để móng tay dài, móng giả, sơn móng tay.
Bước 2: Nghỉ ngơi ít nhất 5 phút trước khi đo.
Bước 3: Xoa 2 bàn tay để làm ấm tay.
Bước 4: Bật máy, đưa ngón tay giữa hoặc ngón trỏ vào miệng của máy để ngón tay được kẹp chặt.
Bước 5: Nhấn nút nguồn để khởi động máy. Không cử động tay trong khi đo. Kết quả đo sẽ hiển thị trên màn hình sau vài giây.
Bước 6: Khi kết thúc đo, rút ngón tay ra, sau vài giây máy sẽ tự tắt, ghi lại kết quả đo.
Lưu ý: Trước khi tiến hành đo cần kiểm tra pin máy và lau sạch mắt thần của máy bằng giấy ăn để đảm bảo kết quả.
Vì sao SpO2 quan trọng đối với F0 hoặc người có nguy cơ cao nhiễm Covid-19?
SpO2 là viết tắt của cụm từ "Saturation of peripheral oxygen" để chỉ độ bão hòa oxy trong máu ngoại vi. Hiểu cách khác, SpO2 chính là tỷ lệ hemoglobin oxy hóa (hemoglobin có chứa oxy) so với tổng lượng hemoglobin trong máu (oxy hóa và không oxy hóa hemoglobin). Người ta vẫn thường ví von SpO2 được xem là một trong những dấu hiệu sinh tồn của cơ thể, bên cạnh 4 dấu hiệu khác là mạch, nhiệt độ, huyết áp và nhịp thở.
Theo BS Trương Hữu Khanh (Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM), SpO2 là thiết bị rất hữu ích cho những đối tượng là F0, F1 đang cách ly tại nhà.
Cụ thể, nhóm đối tượng F0, F1 thuộc nhóm có nguy cơ cao lây nhiễm, nếu đi kèm với chứng béo phì, người cao tuổi trên 65 tuổi hoặc có bệnh lý nền không ổn định thì cần phải tiếp cận với y tế.
"Trong trường hợp chưa tiếp cận được với hệ thống y tế, trong nhà nên có một chiếc máy đo nồng độ oxy trong máu. Đo nồng độ oxy trong máu bằng máy SpO2 sẽ cho bạn biết là mình đang khó thở do thực sự thiếu oxy hay chỉ là lo lắng quá mức. Lo lắng quá mức dẫn đến chứng khó thở là chuyện thường gặp ở nhiều ca F0 cách ly tại nhà. Do đó, tôi khuyên những đối tượng có điều kiện và có nguy cơ cao nên mua và nắm rõ cách đo SpO2 tại nhà", BS Khanh giải thích.
Mặc dù vậy, hiện nay trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, máy SpO2 được bán ngoài thị trường khó kiểm soát được chất lượng và giá cả. Giới chuyên gia khuyên, người dân cần tham khảo kỹ thông tin giá cả, sản phẩm thương hiệu nào…
Tốt nhất chỉ nên tìm đến những nơi uy tín, được cấp phép để mua máy. Tuyệt đối không mua những sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ ngoài thị trường. Khi mua một chiếc máy SpO2 hàng nhái có thể cho ra những chỉ số sai, dẫn đến những hậu quả khó lường.
"Nếu không thuộc nhóm đối tượng đã nói ở trên, bạn cũng không cần thiết phải mua máy SpO2. Thay vào đó có thể sử dụng app di động đo SpO2 để chủ động theo dõi sức khỏe", BS Khanh cho biết thêm.