“Dở khóc dở mếu“ với gã tâm thần náo loạn đường phố bằng xe hơi
Dù hành vi của Tý đã không ít lần gây tai nạn hay khiến người dân Đà Thành khiếp vía vì cách lái xe của người điên không cần biết tới người đi đường, nhưng cảnh sát vẫn “bó tay” vì lý do đơn giản: Tý bị tâm thần.
Liên tiếp bị công an tóm cổ về tội trộm cắp xe hơi chạy như điên ngoài đường rồi mang về nhà để… cất chứ không bán, đối tượng Lê Văn Tý (SN 1970, trú tổ 16, phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ, Thành phố Đà Nẵng) chỉ cười hềnh hệch tỉnh bơ khiến cảnh sát nhiều lúc tức phát điên.
Dù hành vi của Tý đã không ít lần gây tai nạn hay khiến người dân Đà Thành khiếp vía vì cách lái xe của người điên không cần biết tới người đi đường, nhưng cảnh sát vẫn “bó tay” vì lý do đơn giản: Tý bị tâm thần.
Thấy xe hơi là mắt sáng như sao
Công an phường Hòa Thọ Tây thậm chí đã phát chán với cái tên Lê Văn Tý vì những trò quậy của gã tâm thần này. Lần đầu tiên là vào đầu năm 2011, khi xe hơi KBS 38N – 1024 đỗ tại nút giao thông cầu vượt Hòa Cầm không có người trông coi, Tý lén vào khởi động máy, điều khiển chạy đến tổ 19 (phường Hòa Thọ Tây) thì dừng lại, sau đó xuống xe bỏ đi.
Khi được mời về công an phường để làm rõ hành vi chiếm đoạt tài sản người khác, Tý có biểu hiện thần kinh bất ổn, khai báo bất nhất, nghiến răng ken két, vẻ mặt không biểu lộ bất cứ cảm xúc gì.
Được gia đình bảo lãnh về, 3 hôm sau, Tý lại tiếp tục đến phường Hòa Thọ Tây lấy trộm ô tô 4 chỗ ngồi, rồi cứ thế leo lên xe để chạy, Điều đáng nói, trộm được xe nhưng gã rất thích lái… đi ngược chiều hoặc đạp ga thẳng tiến vào khu dân cư mà không cần bóp còi, để ý đến người đi đường. Sau đó hắn mới đem xe trộm được về nhà cất.
Ảnh minh họa.
Trong những lần dỗ dành để hỏi nguyên do, Tý khai “thấy người khác la ó, rồi có va đụng thì đi xe…mới vui”. Cũng chính vì vậy mà gã không ít lần gây tai nạn giao thông, may mắn thay là đều không gây thiệt hại về người.
Trung tá Ngô Văn Thê, trưởng công an phường Hòa Thọ Tây cho biết, trong vòng hai năm trở lại đây đối tượng này liên tục có biểu hiện vi phạm pháp luật trong vô thức. Suốt ngày hắn đi lang thang quanh khu vực nút giao thông cầu vượt Hòa Cầm, thường vào quán xin tiền uống cà phê, hút thuốc và uống rượu. Biết Tý tâm tính không bình thường nhưng tưởng hắn không quậy phá gì ai nên mọi người thương tình cho tiền.
“Thi thoảng, Tý lại nổi chướng, hễ thấy ai để xe máy, ô tô đâu đỗ không cẩn thận là lấy đi, chừng nào thấy ớn thì mang về nhà cất, chứ không bán lấy tiền. Thành quen, mỗi khi xảy ra mất ô tô trên địa bàn, nhà Tý là điểm đầu tiên phường Hòa Thọ Tây đến kiểm tra”, một cảnh sát cho biết.
Sau nhiều lần trộm ô tô, Cơ quan điều tra công an quận Cẩm Lệ đã đến nộp hồ sơ, đưa Tý đi giám định và các bác sĩ các định đã mắc chứng bệnh tâm thần. Sau 3 tháng chữa trị tại Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng, đầu tháng 2/2012 vừa qua gã được bác sĩ cho xuất viện về nhà điều trị.
Bệnh tình của Tý vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm và mới đây nhất vào đầu tháng 3 gã lại “tái xuất giang hồ”, suýt gây tai nạn nghiêm trọng. Công an phường Hòa Thọ Tây cho biết, khoảng 9h ngày 2/3 vừa qua, người dân sinh sống dọc tuyến đường Nguyễn Nhàn một phen thất kinh khi phát hiện ô tô 7 chỗ ngồi phóng như điên vào hẻm bê tông khu dân cư, nhưng rất may là nghe tiếng quần chúng hô hoán, một cán bộ công an phường trên đường xuống cơ sở đã phát hiện, kịp thời dùng xe máy đuổi theo khống chế tài xế.
Khi xe dừng lại, cảnh sát phát hiện người cầm vô lăng lại là “người quen” Lê Văn Tý. Khi được mời về trụ sở công an phường làm việc, Tý lại cười hềnh hệch, nghiến răng ken két, vẻ mặt tỉnh bơ “như chưa hề có cuộc chia ly”.
Nỗi lòng người mẹ mua xích xiềng chân con
Theo chân cán bộ cảnh sát công an phường Hòa Thọ Tây, chúng tôi tìm về nhà bà Ngô Thị Dinh (73 tuổi, mẹ của Lê Văn Tý tại tổ 16, phường Hòa Thọ Tây). Căn nhà cấp 4 xập xệ cửa khép hờ, trong nhà chỉ có chiếc giường gỗ nằm chỏng chơ là tài sản quý giá nhất.
Cũng trên chiếc giường này, bà Dinh dành làm nơi sinh hoạt của con bằng việc lấy dây xích xiềng chân Tú vào góc giường, còn bà cụ lọm khọm thì tối đến phải nằm cuộn mình trên manh chiếu tạm đặt nơi góc nhà. Bà kể lần nào đi làm cũng dặn con không được đi đâu, “nếu tái phạm mấy chú công an bắt đi xa, mẹ không mang con về được”.
Vậy mà Tý vẫn cứ đi. Hôm vừa rồi nghe công an báo tin con bà vừa gây ra vụ trộm ô tô và suýt chút nữa gây ra tai nạn giao thông nghiêm trọng, bà lại như muốn quỵ xuống giữa xưởng cưa nơi đang làm công nhân dọn vệ sinh.
Công việc tuy không phù hợp với sức khỏe tuổi già nhưng cũng có “đồng ra đồng vào để lo cho con”, hơn nữa cũng gần nhà nên hễ rảnh là bà tranh thủ chạy bộ về “ngó xem thằng con thế nào, rồi dẫn nó đi vệ sinh, uống nước”. Trưa, tối, bà lại tất tả đi chợ, lo nấu ăn cho con.
Theo bà lão, Tý mồ côi cha từ khi mới lọt lòng, bà ở vậy nuôi Tý cùng anh trai khôn lớn. Người anh trai của Tý đã có vợ nhưng hoàn cảnh cũng khó khăn không thể giúp đỡ được gì cho mẹ và em. Lúc còn nhỏ, Tý ngoan và hiền, rất biết lo lắng cho gia đình.
Rồi do nghèo khó, Tý cũng chỉ được học đến lớp 5 rồi tự bươn chải kiếm sống bằng việc phụ hồ, làm thợ đá… nuôi thân và mẹ già. Đến tuổi trưởng thành, anh hành nghề phụ xe, lái xe ô tô tải, sau đó chuyển qua chạy xe ôm.
Trong công việc làm ăn, đặc biệt là lúc chạy xe thuê ở các huyện miền núi Quảng Nam, Tý nhiều lần bị tai nạn khiến tâm thần bất ổn. Nặng nhất là 5 năm trở lại đây, anh không còn nhớ được gì, suốt ngày đi lang thang và có hành vi phạm pháp trong vô thức. Bà Dinh lúc này cũng biết, nếu có tiền, được chữa trị đến nơi đến chốn thì con sẽ không thành ra như hôm nay. Nhưng khổ nỗi, đã ngoài 70 tuổi bà không thể làm được gì hơn ngoài việc gắng gượng phụ việc kiếm sống.
Bà cũng cho biết thêm, ngày Tý có thông báo kết luận bị tâm thần, gia đình phải chạy vạy, vay mượn tiền để gửi con vào bệnh viện với nhiều hi vọng. Nhưng điều trị được 3 tháng, dịp Tết Nhâm Thìn 2012 bà đến thăm, dù thương con lắm, muốn đưa con về ăn Tết nhưng bà không dám, sợ Tý về quậy làng phá xóm.
Mãi đến mồng 8 tháng Giêng, bà đến bệnh viện mới biết nơi đây yêu cầu đóng thêm bốn triệu đồng nữa. Thấy ở lâu hơn sẽ không có tiền trả viện phí, mà nếu “bỏ thí” cho xã hội thì con bà “ở với người điên có khi còn điên hơn” nên bà cố vay mượn, nộp tiền xin mang con về chăm sóc. Giờ thi ai nhắc đến bệnh viện tâm thần, bà đều gạt phăng: “Nhà tui có tiền mô mà chữa chạy”.
“Nhưng dù thương con thì tôi cũng phải để Tý ở nhà để đi làm. Chính vì rứa mà mấy hôm nay, tôi đành mua xích xiềng chân nó trong nhà. Xiềng con như con vật, thấy xót lắm nhưng biết làm răng bây chừ. Bữa đầu tiên, nó la khóc, tôi đi làm mà không cầm nổi nước mắt”, bà Dinh mếu máo.
Nhìn hoàn cảnh mẹ con bà lão, ai cũng thấy ái ngại và cảm thương. Tình trạng bệnh tật của anh Tý cần phải được chữa trị dài hạn tại Bệnh viện tâm thần, còn nếu để ở địa phương thì phải có người thường xuyên giám sát, nếu không sẽ rất nguy hiểm cho xã hội.