'Dở khóc dở cười' lý do chàng rể phải 'cầu cứu' mẹ vợ
Chị khóc trong mọi cuộc tranh cãi của 2 vợ chồng. Nhiều năm chịu đựng điều này khiến anh mệt mỏi.
Họ vướng vào những vấn đề không thể giải quyết được. Anh luôn là người chủ động ngừng tranh cãi. Anh nói rằng mình sẽ đợi cho đến khi nào chị ngừng khóc và bình tĩnh lại, khi đó họ sẽ tiếp tục.
Nhưng ngay cả khi anh đã nhún nhường như vậy, chị vẫn khóc thêm cả tiếng đồng hồ. Anh bất lực đến nỗi phải ngồi xuống để an ủi chị. Sau đó, họ sẽ ôm nhau và “làm lành” mà không giải quyết vấn đề.
Anh đã cố gắng nói chuyện với chị về việc nước mắt không phải là giải pháp. Nhưng tiếc rằng sự thẳng thắn của anh càng khiến chị rầu rĩ hơn. Gần đây, anh không còn đủ kiên nhẫn để an ủi mỗi khi chị khóc. Thay vào đó, anh chọn cách bỏ ra khỏi nhà.
Trước khi quay lưng, anh thường nói câu “Chúng ta sẽ nói chuyện lại sau”. Nhưng bất cứ lúc nào anh muốn gợi lại những khúc mắc để tìm cách giải quyết thì chị lại kiếm cớ để lảng tránh. Anh quá chán vì cảm thấy như mình đang bị xem thường.
Anh rất ghét cảm giác này, nhưng cũng ý thức được rằng một phần trong chuyện này là lỗi của mình. Lẽ ra anh nên quyết đoán giải tỏa bức xúc sớm hơn. Anh không nên xuề xòa cho qua mọi chuyện chỉ sau một đêm. Quá bế tắc, anh đã nhắn tin cho mẹ vợ, ngỏ ý muốn thực hiện một cuộc hẹn bí mật.
Tính anh vốn không muốn làm phiền ai, đặc biệt những chuyện riêng tư của 2 vợ chồng. Anh không muốn bố mẹ 2 gia đình phải lo lắng, nhưng anh thực sự không còn cách nào khác.
Mẹ vợ anh là một nhà giáo đã về hưu. Tính cách của bà khá trầm lặng, nhưng anh biết rằng bà rất hay quan sát và luôn có quan điểm của riêng mình. Bà chỉ mở lời khi cảm thấy cần thiết. Khi quyết định thổ lộ những vấn đề của mình, anh thấy bà giống như một người bạn lắng nghe hơn và một mẹ vợ.
Sau khi nghe toàn bộ câu chuyện, bà nhẹ nhàng nói với anh: “Con nên thẳng thắn nói chuyện với vợ. Mẹ nghĩ rằng con bé cần phải biết cảm xúc của chồng mình ra sao. Mẹ hiểu, con luôn trì hoãn điều này vì nghĩ rằng mình quá cứng rắn và cảm thấy như mình là một người chồng tồi tệ. Nhưng nếu con tiếp tục để những điều này trôi qua thì sẽ chẳng có gì thay đổi và con sẽ có nguy cơ ngày càng trở nên bực bội hơn, cho đến khi mối quan hệ không thể cứu vãn được nữa.
Con đã bao giờ hỏi thẳng con bé về lý do tại sao con bé khóc chưa? Cứ cho nó biết con cảm thấy thế nào khi con bé cư xử như vậy. Con biết không, trước đây, bố mẹ từng phải có một cuộc nói chuyện như vậy. Mẹ xin lỗi, nhưng có lẽ, thói hay khóc của con bé là ảnh hưởng từ mẹ.
Thời trẻ, mẹ cũng hay chỉ trích và đổ lỗi cho người khác. Nhưng khi bố vợ con bày tỏ thẳng thắn với mẹ về vấn đề này, mẹ đã dần thay đổi. Đúng là nước mắt dung túng con người ta chạy trốn khỏi thực tại, hoàn toàn không có tác dụng giải quyết vấn đề. Nếu sử dụng nước mắt để làm vũ khí gây áp lực cho đối phương, điều đó càng đẩy 2 người xa nhau...”.
Cuộc trò chuyện với mẹ vợ khiến anh tự tin hơn, trút bỏ được áp lực mình là người có lỗi. Anh cảm thấy mình đã sẵn sàng một cuộc trò chuyện thực sự cởi mở và chân thành với chị. Điều này rất có thể sẽ lại khiến chị khóc nhiều hơn, nhưng chắc chắn, sau khi bình tĩnh lại, chị sẽ cảm nhận được những điều tốt đẹp trong mối quan hệ.
Anh tin rằng mình sẽ không làm hỏng kế hoạch nếu viết ra cảm xúc qua tin nhắn hoặc một lá thư. Hình thức này sẽ khiến chị đón nhận một cách từ tốn và không bị sốc. Trong trường hợp tệ nhất, chị vẫn còn một sự trợ giúp khác: Gọi điện cho mẹ vợ. Bà đã hứa sẽ là đồng minh thầm lặng của anh trong câu chuyện này.