Đồ chơi Trung thu truyền thống vẫn âm thầm "sống"

Huyền Trang – Chí Toàn,
Chia sẻ

Tại Hàng Mã, Hàng Cân, Lương Văn Can... đồ chơi truyền thống vẫn có mặt và cạnh tranh với sản phẩm công nghiệp, tạo nên diện mạo đa chiều và nhộn nhịp của “phố Trung thu” Hà Nội.

Đồ chơi truyền thống bớt đìu hiu

Nhìn bề ngoài, các quầy hàng đồ chơi truyền thống bán đèn ông sao, đèn cù, đèn lồng giấy, trống bỏi, trống con, mặt nạ ông Địa, đầu lân, tò he… không có vẻ sặc sỡ, tấp nập người bán kẻ mua như những quầy đồ chơi ngoại nhập (mà theo những người bán hàng, hầu hết là có xuất xứ Trung Quốc). Tuy nhiên, những mặt hàng này vẫn âm thầm thu hút được sự quan tâm của khách hàng.

Đồ chơi Trung thu truyền thống vẫn âm thầm
Các mặt hàng truyền thống vẫn được chú ý


Dọc các con phố “đồ chơi”, bên cạnh những sản phẩm công nghiệp, hầu như cửa hàng nào cũng bán một vài mặt hàng truyền thống quen thuộc. Có một số quầy hàng chỉ bán riêng trống, đầu lân hoặc đèn ông sao, đèn cù. Thêm vào đó là những “quầy hàng di động” bán đèn ông sao, trống bỏi, trống cóc… khiến thị trường đồ chơi truyền thống, dù không nhộn nhịp như các sản phẩm công nghiệp, nhưng đã bớt đìu hiu hơn.

Đồ chơi Trung thu truyền thống vẫn âm thầm
    Sức mua đồ chơi truyền thống đã có khả quan

Năm nay, nhiều bậc phụ huynh đã chuyển hướng tiêu dùng, hướng sự chú ý của con đến những sản phẩm dân gian. Chị Minh Anh (P. Văn Chương, Q. Đống Đa) cho hay: “Mọi năm tôi vẫn chiều các con, mua đèn lồng có nhạc, đèn nhấp nháy hoặc búp bê, đĩa bay phát sáng, mặt nạ cao su… cho chúng chơi. Nhưng giờ nghe tin có những đồ chơi Trung Quốc bị nhiễm độc, có khả năng gây hại cho sức khỏe của trẻ em, tôi sợ quá.  Có khi năm nay chuyển sang mua đèn ông sao, đầu lân, tò he… cho “lành” thôi.”

Đồ chơi Trung thu truyền thống vẫn âm thầm
Không cần nhấp nháy, đèn ông sao vẫn thu hút ánh nhìn trẻ thơ

Nhìn chung, giá cả các loại đồ chơi dân gian không có nhiều biến động so với năm trước. Tại những tuyến phố trung tâm, một chiếc đèn ông sao có giá từ 5.000 – 20.000 đồng tùy kích cỡ, trống bỏi được bán với giá 8.000 – 10.000 đồng/chiếc, mặt nạ ông Địa khoảng 15.000 – 25.000 đồng/chiếc, đầu lân được chào bán khoảng 40.000 – 180.000 đồng/chiếc… Ở những cửa hàng nhỏ, giá cả có nhỉnh hơn chút đỉnh, dao động trong khoảng 5 – 10%. Mức giá này khá hợp lý so với túi tiền của nhiều người dân.

Đồ chơi Trung thu truyền thống vẫn âm thầm
Tiếng trống gọi trăng vẫn sẽ cất lên trong đêm Trung thu…

Đồ chơi Trung thu truyền thống vẫn âm thầm
 … cùng với những “chú lân” nhí…

Đồ chơi Trung thu truyền thống vẫn âm thầm
… và những “ông Địa” xinh tươi

Đèn ông sao vẫn là mặt hàng truyền thống hút khách nhất. Một chủ cửa hàng trên phố Hàng Mã tiết lộ, mỗi ngày chị bán được cả trăm, cao điểm có lúc vài trăm chiếc.

Đồ chơi Trung thu truyền thống vẫn âm thầm
Đèn ông sao là đồ chơi dân gian “hot” nhất

“Đội ngũ” bán đèn ông sao rong cũng bán được nhiều hàng không kém. Chị Nguyễn Thị Nụ (huyện Thạch Thất, Hà Nội), một người bán đèn ông sao rong cho biết, mỗi ngày chị bán được khoảng 2 xâu đèn (khoảng 80 chiếc), hôm nào ế lắm cũng được 1 xâu.

Vài người dân làng tò he ở Phú Xuyên cũng lên phố cổ bán hàng. Để phù hợp với thị hiếu của những “thượng đế” nhí, những người làm tò he cũng nghĩ nhiều chiêu như tò he “ăn theo” các hình mẫu nhân vật trong hoạt hình, chuyện tranh, tò he hình mâm cúng Trung thu, và hấp dẫn nhất là tò he phơi khô đính trên bút chì. Giá của một cây bút chì đặc biệt này không rẻ, từ 30.000 – 40.000 đồng, nhưng lạ mắt, lại là “hàng độc” nên khá hút khách.

Đồ chơi Trung thu truyền thống vẫn âm thầm
Quầy bán thiên nga bông của bà Tâm ở Hàng Lược năm nay cũng được chú ý hơn.

Bên cạnh mặt hàng chủ đạo là thiên nga phủ bông, bà còn làm thêm các giỏ búp bê chơi xích đu, búp bê dắt chó đi dạo hoặc những con thú nhồi bông ngộ nghĩnh.

Đồ chơi ngoại chiếm ưu thế

Với tâm lý mỗi năm chỉ có một mùa, chiều lòng con cho vui vẻ cả nhà, khi các con đòi, nhiều bậc cha mẹ vẫn mua đèn lồng, bàn câu cá, xe nôi búp bê, siêu nhân, cánh thiên thần, bờm nhựa ngộ nghĩnh…Mỗi mùa Trung thu, những sản phẩm này lại được cải tiến, bổ sung thêm một loạt tính năng mới như phát sáng, có nhạc, biết xoay tròn, nhào lộn… nên không bị “cũ” như đồ chơi truyền thống.

Đồ chơi Trung thu truyền thống vẫn âm thầm
Những đồ chơi sặc sỡ luôn là tâm điểm chú ý của trẻ nhỏ

Giá cả các mặt hàng này cũng rất linh hoạt, có món đồ chỉ 5.000 đồng như mặt nạ nhựa, có món chừng 10.000 - 15.000 đồng như kiếm nhựa, gậy Tôn Ngộ Không, cũng có sản phẩm được chào bán với giá vài trăm nghìn...

Đáng nói hơn, càng gần đến Trung thu, các đồ chơi có tính chất bạo lực, hình thù kinh dị càng được bày bán công khai trên những con phố Hà Nội, bất chấp quy định cấm.

Đồ chơi Trung thu truyền thống vẫn âm thầm
Những mặt nạ kinh dị như thế này vẫn được bày bán công khai…

Đồ chơi Trung thu truyền thống vẫn âm thầm
thậm chí rất được ưa chuộng.

Với thế mạnh phong phú về thể loại, mẫu mã, nhiều tính năng, giá thành hợp lý, đồ chơi ngoại nhập vẫn chiếm ưu thế trong cuộc “so găng” với đồ chơi truyền thống.

Anh Đỗ Huy Hoàng (P. Quan Hoa, Q. Cầu Giấy) chia sẻ: “Trẻ con thường bị hấp dẫn bởi những sản phẩm có màu sắc sặc sỡ, nhiều tính năng, hợp “mốt”.  Đồ chơi truyền thống vừa an toàn vừa mang tính giáo dục cao, kích thích trí tuệ, tính năng động, chủ động của trẻ, nhưng ít được trẻ con chú ý vì mẫu mã quá quen thuộc. Người lớn phải “dụ dỗ” dần dần, hướng dẫn chúng cách chơi, tạo ra không gian chơi mới mong chúng đổi ý.” 
Chia sẻ