Đồ ăn Việt ngày càng được yêu thích trên khắp thế giới, nhưng mỗi lần được người Mỹ "cover" là lại khiến dân mạng giận "tím người" vì sai quá sai
Ẩm thực châu Âu và ẩm thực châu Á khác nhau gần như một trời một vực và rất khó để có sự kết hợp tạo nên tiếng nói chung. Ấy thế mà, trong một số trường hợp các món ăn châu Á cụ thể là ẩm thực Việt Nam được người Mỹ "cover" lại theo phong cách địa phương lại không được đánh giá cao và đôi khi nó khiến "chính chủ" cảm thấy khó hiểu.
Mới đây, món gỏi cuốn của Việt Nam xuất hiện trong một chương trình được phát trên kênh truyền hình NBC 7 San Diego của Mỹ. Lẽ ra, "món nhà" xuất hiện trên một kênh truyền hình lớn sẽ là niềm tự hào của người Việt, thế nhưng không, sự cải biến món gỏi cuốn với đề tài "Baja Asian-Inspired Spring Rolls" (tạm dịch là "Bánh tráng cuốn châu Á") đã khiến dân mạng Việt Nam sốc ngay từ cái nhìn đầu tiên.
Khác gần như 95% bản gốc, gỏi cuốn theo công thức của vị đầu bếp từng là Top Chef ở Mỹ được hướng dẫn lại với những nguyên liệu gồm có: bánh tráng phơi sương, dưa leo, cải bó xôi, cải lông, gừng, rau mùi, bơ, sốt tương ớt Hàn Quốc, rong biển, muối mè, sốt mayonnaise.
Trong khi đó, gỏi cuốn bản gốc của người Việt cần có những nguyên liệu cơ bản như: bánh tráng phơi sương, tôm, thịt, bún, rau cải, hẹ. Ngoài ra, nguyên liệu nước chấm thì chỉ cần thêm: củ cải bào, đậu phộng, tương xay. Tùy vùng miền mà nguyên liệu có thể thay đổi nhưng chắc chắn gỏi cuốn dù ở đâu tại Việt Nam cũng sẽ không khác nhau là mấy.
Đó không phải là lần đầu tiên món ăn Việt được người Mỹ "cover" khác gần như hoàn toàn bản gốc. Phải kể đến tiếp theo đó chính là bánh mì.
Dù không phải ai trên thế giới cũng biết rõ về bánh mì Việt Nam thế nhưng hầu hết người sành du lịch đều biết bánh Việt Nam từng được đánh giá là một trong những món ăn đường phố ngon nhất thế giới.
Bản "cover" bánh mì Việt Nam tại Mỹ sẽ khiến bạn không ngừng ngạc nhiên. Cụ thể, bánh mì Việt Nam được Mỹ gọi là "BANH MI WRAP" (tức "Bánh mì cuộn"). Đáng nói, mặc dù nhà sản xuất ghi gõ trên bao bì dòng chữ: "VIETNAMESE" nhưng nguyên liệu và thành phần của nó lại chẳng có "họ hàng" gì với "bản gốc".
Được biết, tại Mỹ món "Bánh mì cuộn" này có vỏ gần giống với vỏ bánh pizza, đặc biệt phần nhân bên trong có cả cà rốt muối chua, đậu phụ và gạo lứt,…
Và hẳn là 90% người Việt Nam sẽ chẳng thấy hài lòng khi một món ăn nổi tiếng của nước mình lại có lúc khó nhận ra đến thế. Trước đó, bánh mì Việt Nam cũng từng xuất hiện nhiều lần ở Mỹ nhưng là một phiên bản "siêu to siêu khổng lồ" bắt mắt hơn.
Xuất hiện trong mùa thứ 8 của MasterChef với chủ đề "Những món ăn dùng đũa", phở - một món ăn được xem là "quốc hồn quốc túy" của Việt Nam đã được cải biến một cách phức tạp mà theo người Việt đánh giá là "giống với canh chua". Những nguyên liệu như ớt chuông, giá đỗ, đậu phụ chiên,… là những nguyên liệu mà một tô phở Việt Nam "thứ thiệt" không bao giờ có. Có chăng đây chỉ là sự nhầm lẫn giữa phở và canh chua của Việt Nam ở Mỹ?
Vẫn là chương trình MasterChef của Mỹ, hủ tiếu của chợ nổi Cái Răng được "tái bản" bằng tất cả tình yêu thương từ một đầu bếp người Mỹ, nói đến đây hẳn là bạn cũng sẽ nghĩ lần cải biến này giống với bản gốc đúng không?
Giống, nhưng chỉ khoảng 50% theo đánh giá của người Việt, ngoài hủ tiếu, rau các loại thì người nấu còn cho cả thịt xông khói vào tô. Thế nhưng, đây được xem là "bản cover" giống nhất dưới sự thực hiện của một người Mỹ yêu thích món Việt trong chương trình này.
Chưa dừng lại ở đó khi người Mỹ trổ tài nấu cơm khiến người dân châu Á đứng ngồi không yên. Bạn sẽ giật mình khi xem qua cách hướng dẫn nấu cơm của một đầu bếp Mỹ trên kênh truyền hình BBC Food.
Để nấu một nồi cơm thông thường, chúng ta thường phải trải qua hai công đoạn chính đó là vo gạo, đổ nước vào nấu. Thế nhưng, nữ đầu bếp người Mỹ này lại bỏ hẳn công đoạn vo gạo, cô đổ nước thẳng vào nồi gạo rồi đun sôi lên. Khi gạo chưa kịp nở để chín, đầu bếp này đã nhanh chóng rút điện và rửa lại gạo bằng nước lạnh sau đó mang đi chế biến món cơm chiên.
Ẩm thực Việt Nam hay ẩm thực châu Á nói chung thường mang đậm nét văn hóa và bản sắc dân tộc. Ấy thế mà, khi "xuất khẩu" các món ăn chưa hẳn sẽ khiến "chính chủ" vinh dự. Các trường hợp bên trên đã từng tạo nên cơn sóng dư luận và khiến cư dân mạng không mấy hài lòng.