Định vị hàng Việt ở chợ
Theo kết quả khảo sát, nhóm hàng thực phẩm có 90% hàng bán tại chợ là hàng Việt, hàng hoá mỹ phẩm có khoảng 60%, đồ dùng gia đình trên 50%...
Kết quả khảo sát 11 chợ tại TP.HCM thuộc “Dự án nghiên cứu người tiêu dùng đưa hàng Việt vào chợ” do trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) thực hiện mới đây cho thấy, tỷ lệ hàng Việt tại chợ hiện nay khá cao. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần nỗ lực thêm, để khai thác tốt hơn kênh phân phối chiếm tới 75 – 80% thị phần bán lẻ này.
Theo kết quả khảo sát trên, nhóm hàng thực phẩm có 90% hàng bán tại chợ là hàng Việt, hàng hoá mỹ phẩm có khoảng 60%, đồ dùng gia đình trên 50%...
Nhiều loại thực phẩm xuất xứ Trung Quốc đã vắng bóng ở các chợ.
Thực trạng hàng Việt tại chợ
Hàng ngoại từng chiếm lĩnh thị trường hoá mỹ phẩm, nhưng nay cũng đã bị người tiêu dùng giảm ưa chuộng vì giá cao so với hàng cùng hiệu được sản xuất tại Việt Nam (như xà bông, sữa tắm, dầu gội…). Trong thời gian gần đây, hàng ngoại vào chợ càng bị giảm do kinh tế khó khăn, người dân thắt chặt chi tiêu.
Riêng với ngành hàng thực phẩm, hàng ngoại khó xâm nhập vì không phù hợp với khẩu vị người Việt. Hàng thực phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc còn bị tẩy chay do người tiêu dùng sợ ảnh hưởng đến sức khoẻ. Ở chợ thực phẩm Hùng Vương, quận 5, gần như không còn bán các loại gia vị, nước xốt lẩu nhập từ Trung Quốc.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hà, phó giám đốc chợ đầu mối Thủ Đức, cho biết: trái cây, rau củ quả Trung Quốc từng có thời nhập về ào ạt, có lúc đến 20 – 30% trong nhóm sản phẩm cùng loại, nhưng nay chỉ còn dưới 10%.
Trong nhóm vải sợi, quần áo, phần lớn người bán hàng không thể hiện rõ ràng giữa hàng nội và ngoại, và nhìn trên sản phẩm cũng khó biết xuất xứ. Trong nhóm hàng đồ chơi, hàng Việt chỉ chiếm khoảng 5% và cũng rất khó phân biệt, nhận biết xuất xứ. Đáng chú ý là hàng được sản xuất 100% gốc Việt có rất ít trên quầy kệ ở các chợ.
Về phía người bán hàng, khảo sát của BSA cho thấy 80% tiểu thương cho biết người tiêu dùng có xu hướng chọn mua hàng Việt, nhưng quan tâm nhiều hơn về chất. Người tiêu dùng sẵn sàng mua hàng giá cao, nhưng chất lượng tốt hơn.
Làm sao để hàng Việt vào chợ nhiều hơn?
Một nghịch lý đang diễn ra, là chợ chiếm tỷ lệ áp đảo trong thị phần bán lẻ, nhưng các doanh nghiệp lại chưa thấy hết vai trò lớn của tiểu thương trong việc giới thiệu và ảnh hưởng của họ đến khả năng mua hàng của người tiêu dùng. Cho đến nay, ở các chợ trong địa bàn TP.HCM cũng như ở các địa phương khác như các tỉnh miền Đông Nam bộ, vẫn chưa có chương trình nào thể hiện kết nối chặt chẽ giữa nhà sản xuất Việt với tiểu thương.
Bà Nguyễn Thị Tuyết, ngụ tại quận Tân Bình, khi bị gàu chỉ nghĩ nên mua loại dầu gội hiệu H&S hay Cl của hai tập đoàn đa quốc gia, mà không hề biết Việt Nam có dầu gội trị gàu khá tốt làm từ nguyên liệu thiên nhiên như chanh – sả – bạc hà hay mới đây nhất đã có dầu gội thế hệ mới làm từ tinh chất bưởi và thảo dược, không chất bảo quản, không có bất kỳ hoá chất phụ gia nào do công ty tại Tiền Giang sản xuất. Những phỏng vấn trực tiếp và thảo luận nhóm người tiêu dùng do BSA thực hiện cũng cho thấy, người tiêu dùng mua hàng ngoại vì không có/không biết có hàng Việt.
Theo nhận định của người bán tại 11 chợ trên địa bàn TP.HCM thì cam kết uy tín của hàng Việt còn thấp (thể hiện chất lượng ban đầu ra rất tốt, sau đó giảm dần), lợi nhuận và chiết khấu thấp hơn so với hàng liên doanh/hàng ngoại. Việc bỏ hàng, giao hàng lúc có lúc không, thiếu ổn định, hỗ trợ quảng cáo ít, mỏng, ít có chương trình khuyến mãi (cả về chất lượng và số lượng), rất ít chương trình hỗ trợ người bán hàng. Nhân viên giao hàng không nhiệt tình, khó tiếp cận. Các chương trình hỗ trợ bán hàng nếu có cũng ít kiểm tra giám sát và ít/không thường xuyên tương tác với người bán hàng…
Có 90% chủ cửa hàng, chủ sạp mong muốn bán hàng Việt và sẵn lòng giới thiệu với khách hàng, nhưng đòi hỏi nhà cung cấp phải có cam kết, uy tín và phải cho họ hiểu rõ công ty.
Theo nghiên cứu của BSA, để người tiêu dùng ưa chuộng thì hàng Việt vào chợ cần đảm bảo uy tín, chất lượng ổn định, tăng cường kiểm soát hàng trôi nổi không xuất xứ, hàng giả, hàng nhái, bán hàng đúng giá, đúng hạn sử dụng, giá cả bình ổn (đặc biệt trong các dịp lễ/tết), sắp xếp hàng hoá gọn gàng, dễ mua hàng.