Dinh dưỡng cho người bệnh ung thư: Không thể xem thường

,
Chia sẻ

Ăn đúng trước, trong và sau khi điều trị sẽ giúp cho bệnh nhân giảm thiểu được những bất lợi do các tác dụng phụ của phương pháp điều trị và giúp bệnh nhân sống khoẻ hơn.

Việc xây dựng một chế độ dinh dưỡng hợp lý trước, trong và sau quá trình điều trị cho bệnh nhân ung thư đều nhằm đến mục tiêu là tăng cường thể lực cho bệnh nhân.

Dinh dưỡng sai gây hậu quả nghiêm trọng

Hiện nay vẫn tồn tại một số quan niệm sai về dinh dưỡng cho người bệnh ung thư. Có người cho rằng bị bệnh ung thư thì nên nhịn ăn hay chỉ nên ăn gạo lứt muối vừng để cơ thể gầy ốm, không nuôi dưỡng khối u nhằm làm khối u teo dần hay người bệnh ung thư nên ăn uống như người bình thường hoặc chỉ nên bồi dưỡng trong giai đoạn điều trị xạ trị, truyền hoá chất...,



Sau giai đoạn điều trị thì không cần nữa. Những quan niệm này gây ảnh hưởng xấu đến tình trạng người bệnh, làm cho người bệnh bị suy dinh dưỡng, ảnh hưởng đến quá trình điều trị, thậm chí có thể gây tử vong.

Ăn ít sẽ gây suy dinh dưỡng nhưng nếu ăn nhiều thực phẩm không đúng cũng gây hậu quả nghiêm trọng.

Quan niệm sau khi xạ trị phải ăn thịt chó vì trong thịt chó có nhiều chất đạm là không đúng vì thịt chó theo Đông y có tính nóng, khi ăn vào không tốt cho sức khoẻ của bệnh nhân ung thư, gây nên tình trạng táo bón nặng nề...

Các cách chế biến như nướng, hun khói, rán, tẩm ướp đường vào thịt khi chế biến không nên sử dụng cho người bệnh ung thư. Hạn chế ăn thịt, nhất là thịt màu đỏ (thịt trâu, bò, ngựa...), thịt nguội và đồ hộp, thực phẩm bị nấm mốc, khoai tây đã mọc mầm...

Dinh dưỡng đúng, hiệu quả điều trị cao

Người bệnh cần tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị về chế độ ăn uống vì điều này phụ thuộc vào loại ung thư, giai đoạn của bệnh, phác đồ điều trị và thể trạng của người bệnh.


Tuy nhiên, nguyên tắc chung là chọn thực phẩm dễ tiêu, hợp khẩu vị, chia nhỏ và ăn thành nhiều bữa nhằm bảo đảm cung cấp đủ năng lượng và chất dinh dưỡng cho cơ thể để duy trì được cân nặng và khối cơ bắp.

Do khả năng tiêu hóa và hấp thu cao hơn vào ban ngày, nên cần tăng lượng ăn vào buổi sáng và trưa, hơn là vào buổi tối.

Theo các chuyên gia, để đảm bảo dinh dưỡng hợp lý, người bệnh cần phải ăn uống đầy đủ thực phẩm đảm bảo các nhóm chất: đạm - bột đường - béo - vitamin, khoáng chất - nước.

Một chế độ ăn đúng, đầy đủ chất đạm, uống nhiều nước và vận động, tập thể dục thể thao... sẽ giúp cơ thể đủ chất dinh dưỡng và sức khoẻ để chống lại ung thư chứ không phải là "cung cấp thêm chất đạm cho khối u" như nhiều người vẫn lầm tưởng.

Nên ăn nhiều bữa trong ngày (5-6 bữa), tránh những thức ăn có nhiều chất béo như các món rán, xào, những thức ăn sinh hơi như đậu, bắp cải, dưa hấu, mít hoặc những thức uống có gas.

Uống đủ nước, khoảng 8 ly nước trong ngày (ly loại 250ml). Khi chế biến thực phẩm, nên sử dụng phương pháp luộc, hấp nhỏ lửa.


Sau giai đoạn điều trị, người bệnh vẫn cần được tiếp tục bồi dưỡng để phục hồi sức khỏe, cải thiện chức năng miễn dịch, ổn định cân nặng...

Tăng cường ăn các loại thực phẩm giàu vitamin và muối khoáng như trái cây, sinh tố.

Khi cơ thể đã hồi phục cần tránh bị thừa cân để phòng bệnh tái phát. Trong đó, tập luyện cơ thể là quan trọng như đi bộ, đạp xe..., trung bình 45 phút/lần, 3 lần/tuần.
Theo SKĐS
Chia sẻ