Điều trị kéo dài tuổi thai thành công cho sản phụ dọa sinh non ở tuần thai 24

PV,
Chia sẻ

Bệnh viện Phụ sản TP. Cần Thơ vừa điều trị giúp kéo dài tuổi thai thành công cho một sản phụ bị dọa sinh non.

Điều trị kéo dài tuổi thai thành công cho sản phụ dọa sinh non ở tuần thai 24 - Ảnh 1.

Bé sơ sinh được theo dõi, chăm sóc ngay sau khi sinh. Ảnh: BVCC

Trước đó, vào ngày 18/9, sản phụ N.T.N.H (35 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Tháp) đến khám trong tình trạng thai con so, 24 tuần 2 ngày, đau bụng.

Sau khi thăm khám và thực hiện các cận lâm sàng cần thiết, các bác sĩ ghi nhận tình trạng rỉ ối, ước lượng cân nặng thai khoảng 705gram. Sản phụ được nhập viện vào đơn nguyên điều trị dọa sanh non thuộc Khoa Sanh.

Tại đây, sản phụ được quan tâm và chăm sóc tích cực trong 2 tuần gồm: kháng sinh dự phòng nhiễm trùng ối theo phác đồ, thực hiện các thuốc kích thích trưởng thành phổi, thuốc bảo vệ hệ thần kinh thai và kết hợp thuốc giảm gò tử cung.

Đến ngày 1/10, khi thai được 26 tuần 1 ngày, sản phụ xuất hiện tình trạng sốt 38,5 độ C, ối vỡ lâu, hết ối, nhiễm trùng ối. Xác định diễn biến này có thể gây nguy hiểm cho tính mạng của cả mẹ và con, các bác sĩ đã nhanh chóng hội chẩn viện có chỉ định chấm dứt thai kỳ bằng oxytocin phối hợp kháng sinh đường tiêm tĩnh mạch và mời bác sĩ Nhi - Sơ sinh hỗ trợ đón bé.

Sản phụ sinh thường được 1 bé trai cực non với cân nặng 940gram và được các bác sĩ Khoa Nhi - Sơ sinh hồi sức ngay từ phòng sanh, thở NCPAP liên lục đến phòng chăm sóc đặc biệt (NICU).

Tại đây, bé tiếp tục được điều trị tích cực bằng thở NPCAP, thở áp lực dương qua mũi, bơm chất Surfactant giúp phổi nở tốt, kháng sinh và dinh dưỡng tĩnh mạch. Hiện tại, sức khoẻ mẹ đảm bảo và đang thực hiện ấp Kangaroo sớm cùng bé tại Khoa Nhi - Sơ sinh.

Theo BSCKII. Huỳnh Thanh Liêm, Trưởng Khoa Sanh, ối vỡ non ở thai non tháng là tình trạng ối vỡ trước khi vào chuyển dạ và trước 37 tuần tuổi thai. Phụ nữ mang thai có ối vỡ non thường gặp là những người có nhiễm khuẩn, nhiễm nấm âm đạo gây viêm màng ối, những người có ối vỡ non ở thai kỳ trước, nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B (GBS) hoặc thường xuyên hít khói thuốc lá…

Khi ối vỡ non ở thai non tháng sẽ gây nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi. Về phía người mẹ, sản phụ sẽ đối mặt với nguy cơ nhiễm trùng ối, nhiễm trùng tử cung, nhiễm trùng huyết. Thai nhi hết nước ối có thể bị chèn ép dây rốn, mất tim thai. Về phía sơ sinh non tháng sẽ gặp các bệnh lý suy hô hấp, vàng da bệnh lý, xuất huyết não, viêm ruột hoại tử, hạ đường huyết, hạ thân nhiệt, di chứng bệnh lý võng mạc về sau.

Do đó, thai phụ cần khám thai định kỳ đầy đủ và thực hiện các xét nghiệm cần thiết, giúp phát hiện nguy cơ sanh non và cách phòng, tránh. Đồng thời, bác sĩ khuyến cáo các chị em nên kiểm soát cân nặng trong thai kỳ bằng chế độ dinh dưỡng hợp lý, không sử dụng rượu bia, thuốc lá và chất kích thích; tuân thủ chế độ làm việc, nghỉ ngơi hợp lý, tránh lao động quá sức, giữ tinh thần thoải mái, đặc biệt những trường hợp có tiền căn sanh non, hoặc có khí hư nhiều, ngứa vùng kín cần phải được tầm soát sớm và dự phòng theo đúng quy trình.

Chia sẻ