Điều tra vụ máy bay trực thăng rơi tại vịnh Hạ Long theo quy định tai nạn mức cao nhất

MINH DUY,
Chia sẻ

Ngày 7-4, Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) cho biết, sẽ kiến nghị Chính phủ tiến hành công tác điều tra tai nạn trực thăng Bell 505 rơi tại vùng biển Quảng Ninh theo quy định đối với tai nạn hàng không mức A - mức cao nhất, do có thiệt hại về người và máy bay.

Điều tra vụ máy bay trực thăng rơi tại vịnh Hạ Long theo quy định tai nạn mức cao nhất - Ảnh 1.

Các mảnh vỡ máy bay được tìm thấy ở khu vực máy bay Bell-505, số hiệu VN-8650 bị nạn chiều tối ngày 5-4. Ảnh: CTV

Cụ thể, việc điều tra vụ tai nạn này cần có sự tham gia của các bộ, ban, ngành liên quan và quốc gia thiết kế, chế tạo, nhà sản xuất máy bay… Cục HKVN cũng cho biết, sau khi xảy ra vụ tai nạn, nhà sản xuất máy bay Bell Helicopter và Ủy ban An toàn vận tải Canada đã gửi thư đến Cục HKVN đề nghị hỗ trợ, cử đại diện tham gia điều tra nguyên nhân tai nạn.

Theo Cục HKVN, chiếc máy bay Bell 505 có số đăng ký VN-8650 trong vụ tai nạn là 1 trong 2 chiếc máy bay cùng loại do Tổng Công ty Trực thăng Việt Nam đang khai thác. Chiếc máy bay này có tổng số giờ bay tính đến lúc rơi là 488 giờ, 2.655 lần cất/hạ cánh an toàn.

Phi công lái trực thăng gặp nạn có giấy phép lái máy bay thương mại còn hiệu lực đến tháng 6-2026. Vào thời điểm xảy ra tai nạn, điều kiện thời tiết hoàn toàn phù hợp với điều kiện bay bằng mắt với tầm nhìn đạt 6-8km.

* Sáng 7-4, lực lượng chức năng đã tìm thấy một phần thi thể của nạn nhân thứ 5 (bà Nguyễn Thị Hội, 60 tuổi, vợ của nạn nhân Hồ Tá Lực) và vẫn đang tiếp tục rà soát, tìm kiếm thêm phần thi thể còn lại. Như vậy, đến thời điểm này, cả 5 nạn nhân trong vụ tai nạn đã được tìm thấy.

Cơ quan chức năng đã tổ chức bàn giao thi thể cho thân nhân các gia đình lo hậu sự. Công ty Trực thăng miền Bắc là đơn vị trực tiếp phụ trách di chuyển thi thể và tro cốt của các nạn nhân bằng đường bộ về địa phương để thực hiện nghi lễ an táng.

Chia sẻ