Điệu múa gây tranh cãi trong Cám: Người khen ma mị, người chê nhân vật bị “rảnh”

Khánh Lam,
Chia sẻ

"Quỷ điệu" xuất hiện tận 2 lần trong Cám, nhưng phân cảnh này lại gây nên nhiều tranh cãi trái chiều.

Cám là bộ phim điện ảnh Việt gây chú ý nhất hiện tại với doanh thu 68 tỷ đồng sau 6 ngày ra rạp. Bên cạnh những lời khen dành cho bối cảnh, phục trang và diễn xuất, bộ phim cũng gây nên những ý kiến trái chiều, khi yếu tố kinh dị chưa đủ "đô", nhiều sự thay đổi khó hiểu. Trong đó, phân cảnh Rima Thanh Vy và Lâm Thanh Mỹ lần lượt thay nhau thể hiện "quỷ điệu" khi bị Bạch Lão nhập xác khiến khán giả đặt dấu "ba chấm". Nhiều người cho rằng nhân vật bị "rảnh", nhưng một số ý kiến lại bênh vực cảnh quay này cần thiết, nhằm thể hiện tâm lý "biến thái" và sự hả hê khi nhân vật phản diện đạt được mục đích đoạt xác. 

Phân cảnh Lâm Thanh Mỹ thể hiện vũ điệu Cám quỷ

Xuyên suốt hơn 180 phút của bộ phim, phân cảnh này xuất hiện 2 lần. Lần đầu khi Cám "hắc hóa" và tàn sát hết cả dân làng, thậm chí xuống tay với Bờm - người mình vừa hận vừa yêu và lần 2 khi ác linh có được cơ thể Tấm. Ở "quỷ điệu" đầu tiên, khi "lột mặt nạ" kẻ thù thành công, Cám "quỷ" cũng chạm đến ngưỡng đạt đủ sinh khí và hóa thành hình hài xinh đẹp "tạm thời", điều mà Cám "real" luôn khao khát. 

Điệu múa gây tranh cãi trong Cám: Người khen ma mị, người chê nhân vật bị “rảnh”- Ảnh 1.

Điệu múa gây tranh cãi trong Cám: Người khen ma mị, người chê nhân vật bị “rảnh”- Ảnh 2.

Hình ảnh Cám "quỷ" thản nhiên nhảy múa trong khi xung quanh toàn là tử khí tạo nên sự đối lập ấn tượng. Cám đã hoàn toàn mất nhân tính khi bị ác linh chiếm xác.

Điệu múa gây tranh cãi trong Cám: Người khen ma mị, người chê nhân vật bị “rảnh”- Ảnh 3.

Biểu cảm ghê rợn của Lâm Thanh Mỹ khi thể hiện "quỷ điệu"

Chia sẻ về cảnh quay này, đạo diễn Trần Hữu Tấn bày tỏ sự ngạc nhiên về Lâm Thanh Mỹ: "Vào thời điểm bấm máy, Lâm Thanh Mỹ chỉ 18 tuổi đã ghi nhớ được bài múa với nhiều động tác chuyển cần sự tinh tế và khả năng ghi nhớ các cử động toàn bộ cơ thể cùng lúc kiểm soát diễn xuất, thần thái. Bài múa này vốn mang tinh thần của một quỷ điệu, đòi hỏi diễn viên phải lột tả những thứ rất khác thường và lập dị. Với Lâm Thanh Mỹ, tôi thấy ở bạn một khả năng ghi nhớ và ứng biến một cách xuất thần khi Mỹ không chỉ ghi nhớ rất rõ cấu trúc điệu múa mà còn bạo dạn có nhiều bước nhảy qua khỏi xác người và cái hất tóc quyến rũ đầy chết chóc. Lâm Thanh Mỹ cho tôi một Cám quỷ vượt ngoài mong đợi".

Nếu ở "quỷ điệu" đầu tiên, nếu Lâm Thanh Mỹ thể hiện sự thỏa mãn "chập chững" khi ác linh đạt được mục đích đầu tiên thì ở phiên bản của Rima Thanh Vy, đó lại là tột cùng của sự thõa mãn, sung sướng khi quỷ dữ đã hoàn toàn chiếm hữu thân xác con mồi.

Bình luận của khán giả:

- Quỷ mà mắc múa quá?

- Ý là sao mình mukbang cả làng xong lại phải nhảy múa vậy?

- Nửa đêm thấy ai mặc đồ trắng múa vậy thì gọi cấp cứu hoặc gọi thầy trừ tà nha.

- Bà Tấm với bà Cám bà nào múa cũng thấy ghê, thêm quả nhạc sợ hãi.

- Cảnh này hay mà mọi người, sao tranh cãi dữ vậy?

Cám là dị bản kinh dị được lấy cảm hứng từ truyện cổ tích Tấm Cám. Từ một tác phẩm quen thuộc, đạo diễn Trần Hữu Tấn đã biến hóa nó trở nên khác biệt khi Cám (Lâm Thanh Mỹ) mới là nhân vật bị gia đình và cả làng ghét bỏ vì gương mặt dị dạng. Tấm (Rima Thanh Vy) là người duy nhất yêu thương em gái. Tàn nhẫn hơn, sau này Hai Hoàng (Quốc Cường) đã mang Cám đi hiến tế, nhưng mục tiêu cuối cùng mà ác linh hướng tới lại là thân xác của Tấm. 

Cám đang được công chiếu tại các cụm rạp trên toàn quốc. 

Nguồn ảnh: NSX

Chia sẻ