Điều ít biết về thị trấn ở tận cùng cực Bắc của Trái đất, nơi người dân "không được phép chết", sống thì nơm nớp lo sợ
Longyearbyen là một khu định cư nằm ở phía cực Bắc của Trái đất. Nơi đây được mệnh danh là "thị trấn không thể chết".
Ở vùng cực Bắc của đất nước Na Uy có một thị trấn vô cùng đặc biệt mang tên Longyearbyen. Dù nằm ở nơi xa xôi hẻo lánh nhưng địa danh này đã trở nên nổi tiếng trên khắp thế giới vì một lệnh cấm kỳ lạ. Đó là CẤM CHẾT.
Sinh, lão, bệnh, tử là quy luật tất yếu của tự nhiên. Vì sao lại có chuyện kỳ lạ như vậy?
Sắc lệnh đặc biệt không nơi nào có
Longyearbyen là thị trấn đông dân nhất của quần đảo Svalbard, Na Uy. Nó nằm trên quần đảo xa xôi và đóng băng của khu vực Bắc Băng Dương, điểm giữa Na Uy và Bắc Cực. Nơi đây còn được gọi với cái tên "thị trấn cực Bắc của thế giới".
Ở đây, từ cuối tháng 10 đến tháng 1, Mặt trời sẽ không xuất hiện. Vào cuối mùa hè, Mặt trời không lặn. Nhiệt độ luôn ở mức thấp, kỷ lục có thời điểm xuống tới -10 độ C. Điều này đã dẫn đến một sắc lệnh đặc biệt của chính quyền địa phương.
Theo đó, người dân của thị trấn “không được phép” chết. Trong hơn 70 năm qua, Longyearbyen đã cấm chôn cất do nhiệt độ thấp và lớp băng vĩnh cửu. Cụ thể, lớp băng ở Longyearbyen không tan chảy, ngay cả trong mùa hè. Điều này khiến các thi thể được chôn cất không thể phân hủy.
Vào khoảng năm 1917 đến 1920, thị trấn Longyearbyen hứng chịu một trận dịch khủng khiếp và sau 13 năm, chính quyền nhận ra rằng thi thể các nạn nhân từng được chôn cất vẫn còn nguyên vẹn. Lo sợ một làn sóng đại dịch mới, họ quyết định đóng cửa nghĩa trang, cấm chôn cất thêm. Những cây thánh giá vẫn nằm trong nghĩa trang như đài tưởng niệm.
Longyearbyen có khoảng 2.000 cư dân sinh sống nhưng tuyệt nhiên không có viện dưỡng lão và trong trường hợp bệnh nặng, chính quyền phải chuyển bệnh nhân đến bệnh viện gần nhất cách đó 2 giờ di chuyển bằng máy bay. Ngay cả việc sinh nở hầu như không thể xảy ra ở thành phố này. Phụ nữ mang thai buộc phải di chuyển vào đất liền 3 tuần trước khi sinh. Bệnh viện nhỏ trên đảo chỉ hoạt động trong trường hợp khẩn cấp.
Bạn cũng có thể làm việc cho đến tuổi già ở Longyearbyen, nhưng ngay khi bạn chuẩn bị nghỉ hưu, bạn phải trở về đất liền.
Hơn 60% diện tích đất bị băng bao phủ, không có cây cối và thảm thực vật duy nhất hiện nay bao gồm rêu và địa y. Đây là 2 loài duy nhất có khả năng sống sót trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt của Longyearbyen.
Gấu, tuần lộc và chó Husky là những loài động vật được sử dụng để giúp di chuyển trên băng tuyết vùng Bắc Cực này. Loại phương tiện giao thông phổ biến nhất là xe trượt tuyết.
Sống cũng nơm nớp lo sợ
Longyearbyen chìm trong băng tuyết quanh năm nhưng những năm gần đây, thị trấn này cũng đang phải chứng kiến sự tác động của biến đổi khí hậu một cách rõ rệt nhất. Theo số liệu thống kê từ Viện địa cực Na Uy, hiện tượng nóng lên ở khu vực này nhanh nhất, gấp 6 lần so với trung bình toàn cầu.
Nhà thờ của đảo Svalbard là một tòa nhà bằng gỗ màu đỏ với viền trắng sáng. Linh mục Siv Limstrand, người mới ở đây được 3 năm, đã bị sốc trước tác động của biến đổi khí hậu mà bà chứng kiến.
Limstrand giải thích: "Mỗi Chủ nhật khi chúng tôi tụ họp để làm lễ, một phần trong những lời cầu nguyện của chúng tôi luôn là về biến đổi khí hậu và các mối đe dọa của nó".
Cuộc sống ở nơi đây dù không có chiến tranh hay nạn đói hoành hành nhưng cũng thật bấp bênh. Cứ mỗi khi ra khỏi nhà, người dân phải mang theo súng vì nguy cơ chạm trán với gấu bắc cực.
Băng tan dần đã làm thu hẹp khu vực săn mồi của loài gấu trắng này. Điều đó có nghĩa là chúng khó tìm thấy hải cẩu hơn. Vì vậy, nhiều con gấu đang khám phá các khu vực xây dựng để tìm kiếm thức ăn và thậm chí chúng phải ăn thịt tuần lộc - vốn không phải con mồi của chúng.
Bên cạnh đó, nhiệt độ tăng cao gây ra hiện tượng tan băng chưa từng thấy. Nguy cơ tuyết lở ngày càng lớn, bao trùm cộng đồng Bắc Cực này vào mùa đông. Vào mùa hè, những trận sạt lở có nhiều khả năng quét sạch mọi thứ.
Các chuyên gia từ Viện Địa cực Na Uy cho biết khu vực thị trấn Longyearbyen nói riêng và quần đảo Svalbard nói chung đang nóng lên nhanh hơn 6 lần so với mức trung bình toàn cầu. Kể từ những năm 1980, lượng băng biển mùa hè đã giảm một nửa. Các chuyên gia lo ngại nó sẽ biến mất hoàn toàn vào năm 2035. Nhiệt độ ở Svalbard đã tăng lên khoảng 4 độ C trong 50 năm qua.
Cả con người lẫn động vật hoang dã đều đang phải đấu tranh để tồn tại. Đây là lý do tại sao cư dân đang cầu nguyện để được giúp đỡ.
Năm 2020, hãng phim Sky Atlantic đã sản xuất bộ phim "Fortitude" lấy cảm hứng từ cuộc sống trên quần đảo Svalbard. Mặc dù được quay ở Iceland, nhưng bộ phim này được mô phỏng theo Longyearbyen và nó phản ánh đầy đủ bầu không khí cũng như cuộc sống ở vùng đất này.
Nguồn: Mybestplace, RNZ