Tiếng kêu cứu từ Nam Cực: Hàng ngàn con chim cánh cụt hoàng đế bị xóa sổ vì thực tại khắc nghiệt này
Biến đổi khí hậu đã tác động tiêu cực đến môi trường sống của nhiều loài động vật, trong đó có chim cánh cụt.
Biến đối khí hậu toàn cầu đã và đang đe dọa sự sống còn của nhiều loài động vật trong đó có chim cánh cụt hoàng đế. Vào năm 2016, Nam Cực trải qua thời tiết khắc nghiệt gây ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của một đàn chim cánh cụt hoàng đế lớn.
Sự tan chảy của các dải băng tại Vịnh Halley vào năm 2016 đã khiến hàng ngàn con chim cánh cụt non chưa biết bơi vào thời điểm đó bị chết đuối. Đây là nơi tập hợp đàn chim cánh cụt hoàng đế lớn thứ 2 trên giới. Kể từ đó đến nay, các nhà khoa học cho biết họ không phát hiện có bất kỳ dấu hiệu sinh sản nào của đàn chim cánh cụt hoàng đế tại đây.
Trước đây, Vịnh Halley được coi là nơi ẩn náu lý tưởng của chim cánh cụt, một trong những nơi lạnh nhất lục địa. Đây được coi là địa điểm phù hợp để chim cánh cụt sinh sống trong thế kỷ này khi biến đối khí hậu đang ảnh hưởng đến dải băng ở Nam Cực. Tuy nhiên, hiện tại, theo một nhóm quan sát từ Cơ quan Khảo sát Nam cực của Anh, gần như không có chim cánh cụt hoàng đế nào ở đó.
Hàng nghìn chim cánh cụt con đã chết sau cơn bão bất thường khiến băng tan chảy ở Vịnh Halley.
Phil Trathan, người đứng đầu ngành bảo tồn sinh học tại Cục khảo sát Nam Cực cho biết, chim cánh cụt hoàng đế cần môi trường băng ổn định để sinh sản. Chúng cần những tảng băng cố định kéo dài từ tháng 4 cho đến tháng 12. Đây là loài chim cánh cụt lớn nhất, nặng tới 40kg và sống khoảng 20 năm. Chúng ấp trứng và chăm sóc con mình trên các dải băng biển. Sau khi sinh và chăm sóc các con đủ lớn, chúng sẽ di chuyển ra biển khơi.
Trong 60 năm qua, điều kiện băng ở khu vực Vịnh Halley ổn định và đáng tin cậy. Nhưng vào năm 2016, sau một thời gian có bão bất thường, băng đã vỡ vào tháng 10, trước khi bất kỳ chim cánh cụt con có thể bơi đi được biến nơi đây trở thành vùng đất chết của chim cánh cụt hoàng đế.
Tuy nhiên, các nhà khoa học cho biết, tại khu vực Dawson-Lambton, họ nhận thấy nhiều chim cánh cụt hoàng đế trưởng thành đã di chuyển đến đó để tìm nơi sinh sản tốt hơn khi điều kiện môi trường thay đổi liên tục. Mặc dù vậy, không phải con chim cánh cụt nào cũng di chuyển đến Dawson-Lambton.
Nhiều chim cánh cụt trưởng thành phải di chuyển tìm nơi sinh sản mới.
Tiến sĩ Trathan cho hay không rõ những thay đổi của dải băng trên Vịnh Halley có liên quan cụ thể đến biến đổi khí hậu hay không, nhưng việc chim cánh cụt hoàng đế không thể sinh sản thành công ở địa điểm này là điều chưa từng có trước đây.
Được biết, số lượng chim cánh cụt hoàng đế đã giảm đáng kể khoảng 50-70% so với trước đây khi điều kiện băng tuyết thay đổi. Và nếu như biến đổi khí hậu diễn biến càng phức tạp thì sự tồn vong của loài chim cánh cụt hoàng đế sẽ bị đe dọa nghiêm trọng.
Nguồn: Independent