Điều đáng sợ nhất trong hôn nhân không phải lừa dối hay thờ ơ mà là điều này
Nếu bạn có cơ hội quay ngược thời gian, bạn sẽ đưa ra lời khuyên gì cho bản thân lúc độc thân hoặc chưa kết hôn?
Có người từng nói, khi một người đàn ông tán tỉnh bạn không phải vì bạn quyến rũ mà vì anh ta tự do. Khi một người đàn ông không tìm kiếm bạn không phải vì anh ta bận mà vì anh ta không quan tâm. Khi đàn ông không tiêu tiền vì bạn không phải vì anh ta nghèo mà vì anh ta không quan tâm. Dù đàn ông đối xử với bạn như thế nào thì trạng thái khi bước vào hôn nhân cũng có ít nhiều thay đổi.
Một số người khao khát hôn nhân và một số người lại gặp rắc rối khi bước vào hôn nhân. Cho dù bạn đã kết hôn hay còn độc thân, những điều dưới đây đều có ý nghĩa nhất định giúp bạn hình dung những điều sẽ gặp phải trong hôn nhân.
Giảm ham muốn chia sẻ là khởi đầu cho sự tan vỡ của hôn nhân
Người ta thường nói rằng sau khi hai người kết hôn, họ từ chỗ nói đủ thứ chuyện đến không còn gì để nói, lâu dần giữa vợ chồng gần như không có sự giao tiếp tình cảm. Thoạt đầu, tưởng chừng đây là một trạng thái hòa hợp. Không có những cuộc cãi vã "ăn miếng trả miếng", không có sự lừa dối, cũng chẳng có bạo lực gia đình. Nhưng mối quan hệ hôn nhân này lại đầy sự thờ ơ và cô đơn, đầy chán nản và ngột ngạt.
Ví dụ một đoạn hội thoại nhỏ sau đây:
Vợ: "Anh giúp em lấy điều khiển ti vi nhé".
Chồng: "Ừ".
Vợ: "Vậy anh đi ngủ sớm đi".
Chồng: "Ừ".
Vợ: "Anh có muốn uống gì không?".
Chồng:...
Vợ: "Rau diếp bây giờ đắt quá".
Chồng: "Ừ".
Những trò chuyện vụn vặt hàng ngày như trên tưởng chừng chẳng có gì đặc biệt, nhưng chúng giống như sự độc thoại, không có sự kết nối và hồi đáp của đối phương. Sống trong cuộc hôn nhân như vậy chẳng khác nào bị giam cầm trong sự cô đơn vô tận, không thoát ra được và ở lại thì lại ngột ngạt.
Có thể bước vào hôn nhân, rất nhiều thứ sẽ thay đổi, hai người sẽ không trò chuyện nhiều như trước. Tuy nhiên, không phải là không trò chuyện nhiều nữa mà các chủ đề trò chuyện sẽ thay đổi. Nếu như sự giao tiếp trong hôn nhân không còn đó chính là bước đầu tiên dự báo hôn nhân sẽ tẻ nhạt và dần tan vỡ.
Đừng bỏ bê bản thân chỉ vì bước vào hôn nhân
Nhiều người nghĩ rằng chỉ cần dành cho người khác thật nhiều tình yêu thương mà bản thân mong muốn thì họ cũng yêu lại chúng ta theo cách này. Nhưng sự thật là bất kỳ mối quan hệ nào đánh mất bản thân sẽ làm "méo mó" mối quan hệ thân mật. Sau cùng, nó trở thành vấn đề chỉ biết làm hài lòng đối phương.
Thực tế cuộc sống cho thấy rằng, nhiều người hy sinh tất cả cho hôn nhân nhưng lại không nhận được sự trân trọng vốn có, thậm chí vợ đẹp con xinh mà chồng vẫn đi ngoại tình. Trong cuộc đời có rất nhiều thứ đáng theo đuổi, chẳng hạn như trải nghiệm cá nhân, du lịch mở mang kiến thức, những người bạn tri kỷ đồng hành cùng chúng ta hay công việc cá nhân. Tình yêu chưa bao giờ là tất cả, chỉ có chúng ta, chính chúng ta mới là nhân vật duy nhất trong cuộc đời.
Bất kỳ mối quan hệ nào có thể đi từ yêu đến kết hôn đều phải có ít nhất vài ý định chia tay và hàng trăm lần cãi vã cũng như đến hàng nghìn lần tự hỏi về lựa chọn ban đầu. Dưới tấm áo choàng lộng lẫy của hôn nhân "trăm năm hạnh phúc" ẩn chứa rất nhiều đau lòng cũng như vô số lần thất vọng.
Nghe có vẻ bi quan nhưng đây là thực tế.
Thay vì nghĩ về viễn cảnh buồn bã đó, tốt hơn hết là bạn nên coi mối quan hệ hôn nhân như một thử thách để hoàn thiện chính mình.
Suy cho cùng, điều đáng sợ hơn sự lừa dối và thờ ơ trong tình cảm chính là việc ngăn cản sự phát triển của bản thân.
Thực ra, hôn nhân là mối quan hệ đều giúp hai người phát triển. Bạn có thể hiểu bản thân mình hơn thông qua phản hồi của đối phương. Dù hai người có yêu nhau thế nào đi chăng nữa thì xét đến cùng, đó cũng là sự va chạm của cái tôi cá nhân. Sự hòa hợp dựa trên sự đồng cảm, thấu hiểu và chấp nhận những khác biệt của nhau chứ không phải dựa vào sự lấy lòng đối phương để duy trì cái gọi là lâu dài.
Có lẽ, tình yêu trong hôn nhân vẫn đong đầy một cách tự nhiên chỉ khi bạn chăm sóc bản thân thật tốt trước tiên.