Diễn viên Quốc Tuấn và 7 năm giông bão

,
Chia sẻ

“Có hôm thấy mình như người mộng du, người cứ chơi vơi... Đến khi nhớ ra là mình đang bế con liền tự nhủ: Mình ngã là con mình chết." - Quốc Tuấn tâm sự.

7 năm vợ chồng anh lao đao khắp mọi phương trời để giành giật sự sống cho con, khi chẳng may cháu mắc phải căn bệnh oái ăm hiếm gặp trên thế giới: Hội chứng xương sớm cứng cục bộ (APERT).
 
Lắc đầu để thấy chân chạm đất
 
Khi tôi đề cập đến chuyện của Bôm (con trai anh, tên khai sinh là Nguyễn Anh Tuấn) và hành trình 7 năm đưa con đi chữa bệnh, diễn viên Quốc Tuấn chối đây đẩy: “Mọi khổ cực đã qua rồi, anh không muốn nói lại nữa, bởi có nói thì không ai có thể hiểu hết được”. Thấy tôi “bám trụ”, cuối cùng anh đã đồng ý gặp gỡ để “chỉ nói chuyện như hai người bạn”. Sau câu chuyện tưởng chừng như không liên quan gì đến cu Bôm, chúng tôi ngược trở về dòng cảm xúc của những năm tháng mà anh vừa trải qua.
 

Gia đình Quốc Tuấn

Quốc Tuấn kể: “Suốt những năm đầu của Bôm, vợ chồng tôi lấy bệnh viện làm nhà. Trung bình mỗi năm, cháu phải đi phẫu thuật hai lần ở Bệnh viện Nhi Trung ương. Cho đến năm Bôm được 3 tuổi rưỡi, nhờ sự giới thiệu của bác sĩ Liêm - Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, cháu được sang Australia phẫu thuật nới hộp sọ. Năm 2008, lúc 6 tuổi, Bôm may mắn được Giáo sư Daehyun Lew (Bệnh viện Sevenance, Hàn Quốc) nhận làm phẫu thuật.

Bảy năm trải qua 7 cuộc phẫu thuật, đối với một đứa trẻ, đó là cả một  kỳ tích. Còn với vợ chồng Quốc Tuấn, để làm thay đổi sự khắc nghiệt của số phận, họ đã phải trải qua một chặng đường khó khăn nhất trong cuộc đời. Nuôi một đứa trẻ bình thường đã vất vả, còn với Bôm thì sự vất vả của vợ chồng Quốc Tuấn khó có lời lẽ nào diễn tả hết. Đợt anh mang Bôm sang Australia phẫu thuật, do trục trặc từ phía nhà tài trợ nên vợ anh không được đi cùng. Thời tiết mùa đông ở đây lại khắc nghiệt. Nước Australia rộng lớn, tứ bề là biển, mùa đông đi ra đường gió thổi bạt người. Ở trong nhà mở cửa ra thì lạnh, đóng cửa vào thì ngột ngạt vì áp suất trong phòng rất cao. Để một chậu nước trong phòng, nước bay hơi nhiều đến nỗi cửa kính mờ đi vì hơi nước. Nếu đặt chậu nước trong phòng thì Bôm không bị nề, nhưng hơi nước nhiều lại khiến cho mọi thứ ẩm ướt rất khó chịu.

Thời tiết khắc nghiệt, cộng thêm hàng trăm mối lo khác về cuộc phẫu thuật và tình trạng sức khoẻ của con khiến Quốc Tuấn không thể ngủ được. Ngày mới sang, vì chưa quen với thời tiết nên anh thức suốt một tuần liền, đến nỗi anh ngủ gật ngay dưới chân giường Bôm nằm trong phòng điều trị tích cực của bệnh viện. “Có hôm thấy mình như người mộng du, người cứ chơi vơi, chơi vơi... Đến khi nhớ ra là mình đang bế con liền tự nhủ: Cứ thế này thì làm rơi con mất! Thế là tự thấy mình không thể cho phép mình ngã gục được. Mình ngã là con mình chết. Lắc lắc cái đầu để thấy chân mình đang chạm đất, thế là lại ôm con bước đi...”, Quốc Tuấn tâm sự.
 
 
Những năm tháng ở Bệnh viện Nhi Trung ương, có những đêm mất ngủ nhưng ngày anh vẫn đi tập tennis để rèn luyện thể lực. Nhiều khi vợ anh cằn nhằn rằng “không tranh thủ mà ngủ đi”, nhưng anh vẫn không nghe. Bởi anh biết, nếu nằm ngủ mà không ngủ được càng dễ bị qụy. Nên chỉ có thể dùng sức mạnh tinh thần để kéo mình dậy, để chống chọi với bệnh tật của con. Mặc dù trong lòng đau khổ nhưng anh không bao giờ bộc lộ sự đau khổ của mình ra với ai. Lúc nào anh cũng cười vui.
 
Đưa con trở lại cuộc sống

Bằng sức mạnh tinh thần, vợ chồng anh đã vượt qua những thời khắc cam go nhất của bản thân. Làm diễn viên, nhưng suốt 7 năm qua không bao giờ Quốc Tuấn dám xa Hà Nội, dù chỉ là một ngày. Một phần vì sức khoẻ của Bôm không cho phép. Hơn nữa, anh không thể yên lòng làm việc gì đó khi trong lòng đầy sự lo lắng về con.
 
Ngay cả sau này, khi Bôm khỏi bệnh, sức khoẻ hoàn toàn được phục hồi sau cuộc phẫu thuật lần thứ 7 thành công ở Hàn Quốc thì vẫn chưa hết khó khăn. Bôm vào lớp 1, cũng là lần đầu tiên Bôm được tiếp xúc với môi trường trường lớp. Bởi suốt cả một thời gian dài trước đó, Bôm chưa được đến trường mầm non bao giờ. Bôm dường như sống cách biệt trong môi trường gia đình chỉ có bố và mẹ. Với vợ chồng anh, cho con vào học lớp 1, khó khăn không phải là ở vấn đề học chữ mà là vấn đề giao tiếp và hoà nhập của con. Sau một thời gian chật vật với việc tìm trường, rất may anh cũng đã tìm được một ngôi trường thân thiện thực sự cho con. 
 
 
Để giúp con nhanh chóng hoà nhập vào môi trường mới, anh thường là người trực tiếp đưa Bôm tới trường và đón con mỗi ngày. Mỗi khi tan học, anh cùng Bôm đá bóng ở sân trường với những đứa trẻ khác. Bôm thích dắt tay bố đến chỗ này chỗ khác để kể cho bố nghe mọi chuyện ở trường. Đối với Bôm, bố không chỉ là “thần tượng”, là điểm tựa tinh thần mà là một người bạn thân thiết nhất.
 
Nhờ hiểu tâm lý trẻ, bằng sự gần gũi của người bố, Quốc Tuấn đã từng bước đưa con hoà nhập với môi trường mới một cách nhanh chóng. Hiện nay Bôm đã trở thành một đứa trẻ chững chạc và khá tự tin. Bôm vẫn còn ít nói, ít trao đổi, ít giao tiếp với các bạn nhưng về nhà thì kể chuyện ríu rít, nào là hôm nay ở lớp Bôm ăn món này ngon, món này dở. Nào là hôm nay bạn này bị cô phạt. Nào là hôm nay Bôm nằm ngủ bên cạnh bạn này... Bôm đánh đàn rất giỏi. Bôm đã tự đánh được 40 bản nhạc. Bôm là đứa trẻ ham tìm tòi, thích hoạt động. Bôm say sưa vẽ và dán tác phẩm của mình khắp nhà...
 
Đứa trẻ phi thường

Theo ThS. Tâm lý Nguyễn Hoài Nga, Trung tâm tư vấn tâm lý Save, Hà Nội về mặt giao tiếp, Bôm phát triển được như vậy là rất nhanh. Việc tiếp nhận kiến thức sẽ không bị cản trở gì vì chỉ số IQ của Bôm hoàn toàn bình thường như những đứa trẻ khác. Về nghị lực, thì Bôm là số một, là một đứa trẻ phi thường.
 
Giáo sư Daehyun Lew người trực tiếp phẫu thuật cho Bôm ở Hàn Quốc đã hết sức ngỡ ngàng vì nghị lực của Bôm. Lúc Bôm mới sang Hàn Quốc, ông giáo sư này cầm tay Bôm thì cháu giật phắt ra. Lúc đó, ông Lew nói với vợ chồng Quốc Tuấn rằng: Ông rất lo vì việc phẫu thuật cho Bôm thành công hay không rất cần đến sự hợp tác của cháu. Nhưng Bôm đã không như vậy. Giáo sư Lew đã không ngờ rằng, những nỗi đau mà cuộc phẫu thuật mang lại, người lớn còn không thể chịu nổi vậy mà Bôm đã dũng cảm vượt qua. Có những lúc Bôm phải cắn chặt răng đến vã mồ hôi để chịu đựng. Ngồi bên con, nghe con rên “bố ơi, con đau”, mà Quốc Tuấn lòng đau tưởng chừng rỉ máu. Sự phi thường của Bôm khiến cho Giáo sư Lew vô cùng xúc động. Lúc ông đi thăm các bệnh nhân sau phẫu thuật, ông đã mua một con chó bông tặng Bôm. 
 
 
Giờ, mọi giông bão đã qua. Dù Quốc Tuấn không nói ra nhưng tôi hiểu, những năm tháng “chiến đấu” với bệnh tật của con là những năm tháng đau khổ cùng cực nhất đối với vợ chồng họ. Anh đã đi đến tận cùng của sự sống và cái chết bằng chính tinh thần thép của mình. Tinh thần đó anh đã truyền sang cho Bôm.
 
Quốc Tuấn nói rằng, hành trình đi tìm sự sống cho con đã giúp anh có cái nhìn sâu sắc hơn về cuộc sống. Và đó cũng chính là bước ngoặt trong cuộc đời của anh. Lần đầu tiên sau 7 năm im lìm với nghiệp diễn, anh đã quay trở lại môn nghệ thuật thứ 7 với vai trò mới: Nhà biên kịch và đạo diễn phim. Bộ phim truyền hình dài 55 tập “Trái tim kiêu hãnh” do anh tự viết kịch bản đã nhận được sự hợp tác từ phía nhà tài trợ. Theo kế hoạch, ra Tết sẽ bắt đầu khởi quay và được phát sóng trong năm 2010.
 
TheoLâm Vũ
Gia đình & Xã hội
Chia sẻ