Diễn viên Minh Cúc và góc nhìn của mẹ đơn thân: Đừng vì hạnh phúc riêng mà làm khổ con mình!

Thục Trinh,
Chia sẻ

Cô Xinh giang hồ trong "Về nhà đi con" khẳng định, với những người phụ nữ đã qua một lần đò, cảm xúc của bản thân không quan trọng bằng việc con mình có được hạnh phúc hay không.

Trở lại màn ảnh nhỏ sau 10 năm với vai Xinh trong Về nhà đi con, nữ diễn viên Minh Cúc trong phim khiến khán giả ghét bao nhiêu thì ngoài đời lại thương bấy nhiêu. 

Là người phụ nữ cá tính, mạnh mẽ nhưng cuộc đời lại đầy truân chuyên. Trải qua một đời chồng và có cô con gái 9 tuổi mang bệnh tật và cần chăm sóc như 1 em bé sơ sinh. Thế nhưng, có lẽ vì cái mạnh mẽ trời ban ấy mà Minh Cúc mới có được cuộc sống tươi vui, đủ hạnh phúc trong nghịch cảnh trớ trêu đó.

Làm mẹ đơn thân, Minh Cúc cũng có một mối tình đẹp, kéo dài 3 năm nhưng chưa kết hôn vì cô muốn tập trung lo cho cô con gái bé bỏng của mình. Trong thời điểm dư luận đang sôi sục vì những câu chuyện "bố dượng - con riêng", Minh Cúc với góc nhìn của một người phụ nữ đang trải qua hoàn cảnh này đã có những chia sẻ thẳng thắn về vấn đề này.

1

Cũng là người phụ nữ đã ly hôn, có con gái riêng, nếu nằm trong hoàn cảnh bạn trai hoặc chồng mới đối xử không tốt với con mình, chị sẽ phản ứng ra sao?

Đối với tôi không có từ "nếu", tôi khẳng định luôn là việc ấy sẽ không bao giờ xảy ra với mình. Thế nên, tôi không thể nói rằng mình sẽ làm gì khi trường hợp đó xảy ra.

Tuy nhiên, tôi nghĩ người phụ nữ trong hoàn cảnh này nên tỉnh táo. Theo tôi thì tất cả mọi chuyện xảy ra đều do lựa chọn của người phụ nữ, chính là có dám thay đổi nó, có dám khắc phục tình trạng đó hay không thôi. 

Với tôi, chồng có cũng được, không có chả sao, con mới là trên hết!

Trong nhiều trường hợp, khi xảy ra mâu thuẫn giữa bố dượng và con riêng, người đàn ông đó có thể bị chỉ trích hoặc không, nhưng người mẹ thì luôn bị ánh nhìn ác cảm, bị chỉ trích thậm tệ hơn. Chị thấy trong chuyện này người phụ nữ đáng thương hay đáng giận nhiều hơn?

Đấy là do cách thể hiện của người mẹ. Yêu con thương con, làm tất cả vì con thì họ sẽ có hành động khác, nhận được phản ứng khác. Nếu yêu chồng không yêu con, ích kỷ nghĩ cho hạnh phúc riêng thì sẽ khác.

Phụ nữ bao giờ cũng thiệt thòi hơn đàn ông rất nhiều, phải cam chịu, phải đắm đuối vì con. Thế nên tại sao không đắm đuối vì con đi, chạy theo đắm đuối đàn ông làm gì.

Thực ra trẻ con biết hết đấy. Ai yêu ai ghét nó biết hết. Đừng nghĩ rằng mình là người lớn mình muốn nói cái gì nó cũng phải nghe. Có những cái nó miễn cưỡng, có thể là sợ, nhìn thái độ là biết ngay. Thế nên bao giờ tôi cũng đưa ra quan điểm con là đầu tiên, đừng nghĩ đến bản thân mình, đừng nghĩ rằng đã ly hôn rồi thì phải nhanh nhanh kiếm cho mình một người nào khác. Ích kỷ lắm!

Đừng vì ham hố hạnh phúc, sợ rằng không ai yêu hay là đi ra ngoài đường thấy người ta yêu mà mình tủi thân. Trời ơi, bây giờ có phải là thời trẻ nữa đâu! Đó là cái ích kỷ mà không hề nghĩ rằng người ta về sống với con mình như thế nào. 

 Phải chấp nhận hy sinh sở thích, tình yêu của mình để lo cho con trước đã!

Mọi người thường khuyên phụ nữ "đã qua một lần đò" thì không nên vội đi bước nữa, chị nghĩ sao về quan điểm này?

Sau khi trải qua một lần đò rồi thì thường những người phụ nữ sẽ có sự cảnh giác. Khi con mình khỏe mạnh, bình thường, ta có thể yêu, thậm chí là cưới. Nhưng quan điểm của tôi là thế này, đến với tôi trước tiên là phải yêu con tôi, và chỉ cần có thế thôi. Vì anh ấy yêu con tôi tức là anh ấy đã yêu tôi rồi chứ không cần phải thể hiện là tôi đang yêu cô đấy, hay là mọi người ơi hãy nhìn tình yêu của tôi này, nhưng đằng sau lại không quan tâm gì đến con tôi.

Tôi là người đã đi qua một lần đò rồi, con tôi lại không được bình thường như những đứa trẻ khác nhưng tôi may mắn gặp được người yêu hiện tại. Khi tôi và anh ấy đến với nhau, ai cũng có "cái tôi" lớn, nhưng qua thời gian yêu nhau thì tự nhiên "cái tôi" đó mất đi. Chúng tôi có một quan điểm chung và một mục đích chung đó chính là Tú Minh (con gái riêng của Minh Cúc – pv). Ngày nào con còn sống với mình thì mình phải yêu thương, dành mọi thứ cho nó trước.

2

Nhiều người nói rằng phụ nữ khi yêu thường hết mình, chìm đắm trong tình yêu nên mới xảy ra trường hợp nhắm mắt cho qua chuyện chồng ngược đãi con mình, chị nghĩ sao?

Phụ nữ yêu mù quáng lắm, tôi đã chứng kiến rất nhiều trường hợp "yêu đập đầu vào tường". Nhưng với tôi, yêu là phải nghĩ một tí, tầm này không ai nắm tay nhau hoặc suốt ngày văn hoa mỹ từ dành cho nhau được đâu.

Tại sao cứ phải nghĩ rằng yêu điên cuồng thì mới sống được? Đó là người phụ nữ không có bản lĩnh. Bản lĩnh là phải biết kiềm chế cảm xúc của mình, biết kiểm soát, biết đâu là điểm chính, đâu là thứ cần thiết cho mình.

Đối với một người phụ nữ đã có con rồi, con bao giờ cũng là ưu tiên hàng đầu. Nhiều người hay nghĩ về tôi là: "Con này kiểu gì nó cũng bỏ con để chạy theo những cái gì sở thích, lại hoạt động nghệ thuật nên không bao giờ nó chịu ngồi im ở nhà trông con". Nhưng xin lỗi, tôi không thất đức như mọi người thế đâu.

Theo chị, người phụ nữ tái hôn, nhất là khi đã có con thì điều gì là khó khăn nhất, khiến họ trăn trở nhiều nhất?

Đó là tình cảm của người chồng đối với con riêng của mình. Tôi nghĩ mình có làm cái gì cũng phải vì con, dành mọi điều tốt đẹp nhất, lựa chọn một người đàn ông phải yêu con mình, yêu bằng tình yêu thực sự chứ không phải yêu đầu mặt.

Phụ nữ rất tinh ở điểm đó, sẽ không một người đàn ông nào qua mặt được người phụ nữ bởi họ biết tình cảm của người đàn ông đó dành cho con mình là giả hay thật.

1 copy

Nhưng cũng có những trường hợp khi chưa cưới thì mọi thứ diễn ra theo chiều hướng màu hồng, nhưng cưới về mới vỡ lở ra là người đó không tốt với con mình?

Đúng là như thế! Chính tôi và bạn trai còn đưa ra một giao ước với nhau là thế này: Thôi tôi với ông đừng có cưới nhau, thà rằng cứ yêu như thế này. Chứ bây giờ ràng buộc nhau bằng tờ giấy kết hôn hay một bữa tiệc báo hỷ thì có khi hôm trước đang màu hồng, hôm sau lại sang màu đen sì luôn!

Tuy nhiên, cũng đừng khắt khe quá, đừng lúc nào cũng nghĩ là vì anh đang yêu tôi nên làm như thế để lấy lòng. Lấy lòng nó khác mà quan tâm thực sự sẽ khác. Ví dụ như đợt đi biển vừa rồi, tôi cho con nằm xe đẩy ra biển chơi, khi gió tạt mạnh thì bạn trai liền chạy vụt lên trước lấy áo che cho con, thậm chí anh còn mắng tôi, bắt phải quay ngược lại để con không bị gió lùa, cát bay vào người. Đó là quan tâm thực sự!

Có con bị bệnh bẩm sinh, chăm sóc vô cùng vất vả, bạn trai chị lần đầu tiên tiếp xúc với con gái chị, anh ấy thể hiện ra sao?

Ban đầu khi tôi đến với anh, việc đầu tiên tôi làm là kể về con gái để xem anh ấy như thế nào. Và anh ấy cũng rất nhẹ nhàng đón nhận. Anh ấy còn về nhà kể với mẹ tất cả những gì về tôi, về con gái tôi một cách đắm đuối cơ.

Tôi được cái may mắn là anh ấy cực kỳ yêu bé con nhà tôi, anh ấy gạt bỏ những sở thích riêng của anh ấy, gạt bỏ những mong muốn của anh ấy để chu toàn cho bé con của tôi. Ví dụ như đi đâu thì anh ấy cũng muốn hai đứa đi với nhau nhưng lại thương con tôi ở nhà một mình, mình đi hưởng vui mà vứt con ở nhà, anh ấy không làm thế được.

Mẹ anh ấy đối xử với chị thế nào?

Mẹ anh ấy thì luôn nói thế này: "Con ơi con yêu Cúc thì con phải thương lấy con bé (con gái Minh Cúc – pv)". Bác ấy cực kỳ thông cảm. Đến bây giờ cũng thế, tất cả những cái gì liên quan đến tôi như báo chí, phim ảnh, chương trình truyền hình,... bác ấy là người theo dõi tất cả. Bác vẫn động viên tôi qua bạn trai. Tôi nhìn được ánh mắt mà bạn trai dành cho con gái mình, tình yêu của anh dành cho bé. Tôi đang rất thỏa mãn về anh ấy, về gia đình, về tình yêu của anh dành cho con tôi.

Việc đầu tiên mà bạn trai  làm cho con gái chị là gì?

Ban đầu anh ấy có một chút "chậm số", anh suy nghĩ nhưng không phải suy nghĩ theo kiểu lo sợ, muốn bỏ chạy mà là anh ấy chuẩn bị tinh thần để đón nhận con tôi, suy nghĩ nên làm thế nào để con bé chấp nhận mình và làm thế nào để anh yêu thương nó đúng cách.

Anh ấy muốn bế con nhưng không biết cách, anh hỏi tôi làm cách nào bế con cho nó thoải mái nhất. Anh ấy quan sát tất cả những hành động tôi chăm sóc con, và đến khi không có tôi ở đó thì anh đều thực hiện chúng một cách trơn tru.

Hằng ngày, nếu có thời gian, anh có giúp chị cho bé ăn uống, vệ sinh hay không?

Có chứ, việc cho con ăn thì anh chưa thể làm được vì con tôi phải ăn bằng xi lanh, rất khó, nhưng ăn cái gì anh cũng đưa lên miệng cho bé nhấm nháp. Ngay cả việc phục vụ những nhu cầu cá nhân của con, anh cũng không ngại.

Cứ trở trời là con gái tôi hay bị mẩn, anh ấy hay dặn tôi chú ý con. Mình là mẹ mà những cái đấy đôi khi còn không để ý mà anh ấy luôn để ý. Có những khi hai bác cháu nằm xem phim hoạt hình với nhau, một mình anh vẫn ngồi bình luận hoạt hình cho con tôi nghe, rồi bé cười là ông ấy thích lắm. Lắm lúc tôi đi vào thấy con gối đầu lên tay anh nằm ngủ như hai bố con, tôi đã khóc luôn tại chỗ. Cảm giác đó từ trước đến nay tôi không có được, ngày xưa khi cưới chồng cũng chưa bao giờ có chuyến đi nào giữa hai vợ chồng với con cả.

Chuyến đi Phú Quốc vừa rồi, ai là người đề nghị cho bé đi cùng? Việc bé đi cùng có gây ảnh hưởng gì tới chuyến đi lãng mạn này hay không?

Anh ấy lên kế hoạch bằng mọi giá phải đưa cả con gái tôi đi theo. Từ khi yêu nhau đến nay, bạn trai tôi luôn muốn có một chuyến đi có cả con gái nữa. Anh tính hết từ địa điểm, thời gian nào phù hợp để con tôi đi cùng, đi đâu cũng sợ con mệt. Đêm hôm cũng thế, đi ngủ anh dành hết không gian riêng cho hai mẹ con vì anh biết con rất thính ngủ, đêm nào con thức thì tôi cũng phải thức theo.

Trong cả chuyến đi anh không hề đặt nặng vấn đề riêng tư hai người mà muốn lần này đi là đưa con đi, phải để cho cả 3 người gần gũi nhau chứ không riêng hai chúng tôi. Đi đâu, ăn uống, làm gì, lúc nào anh cũng chờ hai mẹ con tôi xong xuôi mới đến lượt mình.

Ba ngày đi có con thì anh ấy cũng nhớ tôi chứ, nhưng anh cũng không dám hôn tôi trước mặt con đâu. Dù biết rằng con rất thích, rất quý mình nhưng anh vẫn hồn nhiên xin phép con tôi trước khi hôn mẹ nó.

Con gái chị bày tỏ cảm xúc ra sao mỗi khi bạn trai mẹ đến chơi?

Con gái Tú Minh của tôi rất quý bạn trai tôi, chỉ cần nghe tiếng xe máy, nghe tiếng nói của anh ấy thôi là con bé nhận ra ngay, theo bằng được, anh ấy về là bé khóc. 

Khi bé khóc, bạn trai tôi vừa dỗ vừa thủ thỉ vào tai thì bé nằm im nghe, khi bé khó chịu, muốn bế lên thì cũng đòi anh.

Con gái tôi mà biết nói, biết chạy nhảy thì còn quấn anh hơn cả bố.

2 copy

Trước bạn trai hiện tại, chị cũng đã từng yêu những người đàn ông khác, họ đã đối xử với con gái chị thế nào?

Sau khi ly hôn, tôi có đi qua một vài mối tình, ai cũng nói yêu tôi, lo hết được cho tôi nhưng nhắc đến con tôi là tự nhiên ngày hôm sau mất tích luôn.

Ở bên nhau lâu như thế, cũng cùng nhau trải qua rất nhiều cay đắng, ngọt bùi, anh đã bao giờ ngỏ lời cầu hôn chị chưa?

Thật ra anh ấy rất muốn kết hôn với tôi chứ, anh ấy từng đề cập đến chuyện kết hôn nhưng tôi đã nói rõ quan điểm của mình thì anh ấy sẽ không bao giờ đả động đến việc đó nữa. Không phải là anh ấy bỏ cuộc mà là anh ấy tôn trọng tôi, anh hiểu được cảm giác của con tôi, sợ bé tủi thân. 

Bản thân con gái tôi đã bị tổn thương rất nhiều về tinh thần và thể xác như vậy rồi nên anh ấy lúc nào cũng muốn đối xử với nó như những đứa trẻ bình thường khác, không bị soi mói, không bị gièm pha. Đến bây giờ việc kết hôn hay không thì anh ấy vẫn chờ quyết định của tôi.

Đứng trên phương diện của một người mẹ, chị nghĩ cách giáo dục một đứa trẻ đang ở độ tuổi hình thành tính cách, bắt đầu học cách nhận thức đúng sai nên như thế nào? 

Nó phải theo giai đoạn. Có khi bố mẹ tái hôn từ khi con còn rất bé, càng bé thì mình càng dễ dạy con theo kiểu vỡ lòng. Còn một kiểu nữa là khi con đã tầm ương ương, đã biết rồi thì lúc đấy mình lại phải giáo dục kiểu khác vì lúc đấy con đã có không gian riêng, cảm xúc riêng.

Nếu con trẻ đã có một tầm ý thức nhất định thì nên có một cuộc nói chuyện, xác định tư tưởng ngay từ đầu. Tất nhiên, trong thời gian yêu, mình sẽ là người làm cầu nối để gắn kết mối quan hệ ba dượng – con riêng, đó cũng là thời gian để mình đánh giá. Khi người ta mà nghĩ cho con mình thì không có mặt mình ở đó, họ vẫn sẽ tự đến với con mình. Còn chỉ khi có mặt mình ở đó người ta mới quan tâm đến con mình thì lại là một chuyện khác.

Và đừng cố bắt ép con mình, hãy đặt mình vào vị trí của con để hiểu được cảm xúc của chúng, hiểu được chúng nghĩ gì, thực sự cần điều gì.

Cảm ơn chị vì đã dành thời gian chia sẻ!

Chia sẻ