Diễn viên Hồng Đăng: Tôi không thể cứ bao bọc mãi con trong lồng kính!
Lê Thành của "Người phán xử" thẳng thắn chia sẻ những quan điểm khá truyền thống trong việc dạy dỗ hai cô con gái của mình giữa lúc cuộc khẩu chiến về trường công hay trường tư, học ít hay học nhiều vẫn chưa có hồi kết.
Nam diễn viên Hồng Đăng và bà xã Anh Đào khiến sân trường trở nên náo động hơn khi xuất hiện cùng cô con gái tên Nhím trong ngày khai giảng năm học mới. Cả hai vợ chồng đều ăn mặc giản dị như phần lớn các phụ huynh trong trường song vẫn rất nhiều người nhận ra Lê Thành của "Người phán xử" và xin được chụp ảnh cùng anh. Nhím, cô bé nổi tiếng từ "Bố ơi mình đi đâu thế", cũng không có vẻ gì ngại ngùng khi có quá nhiều người nhìn ngắm. Nhím mặc đồng phục hòa lẫn với các học sinh khác, được mẹ dắt vào hàng ghế của lớp mình, rồi vẫy tay tạm biệt mẹ trước khi giờ khai mạc bắt đầu.
Hồng Đăng bảo cả hai vợ chồng chập chờn cả đêm khó ngủ vì hôm nay con gái vào lớp 1. Nhưng anh chưa bao giờ có ý định biến ngày khai giảng của con thành một sự kiện trọng đại. Chỉ đơn giản là hai vợ chồng cùng đưa con đến trường để con có một kỉ niệm ấm áp về ngày đầu tiên đi học.
Vợ chồng diễn viên Hồng Đăng cùng con tới trường trong ngày đầu tiên vào lớp 1.
Con tôi từ bé đã đi học mẫu giáo công chứ không học trường quốc tế
Khá bất ngờ khi một diễn viên nổi tiếng như Hồng Đăng lại cho con học trường công gần nhà chứ không phải một ngôi trường quốc tế hay trường dân lập chất lượng cao. Lý do khiến anh có vẻ dễ tính trong việc chọn trường cho con như vậy?
Con tôi trước giờ vẫn học trường công gần nhà. Cháu vừa chuyển từ mẫu giáo công lên tiểu học công. Vợ chồng tôi không đặt nặng quan điểm trường công hay trường tư khi con vẫn còn nhỏ. Con cần được đi học ở gần nhà để việc đi lại thuận tiện, an toàn, đảm bảo sức khỏe. Gia đình tôi do tính chất công việc, cả hai vợ chồng đều đi sớm về khuya. Nếu con học quá xa nhà thì việc đưa đón rất bất tiện. Nhất là giao thông hiện nay vô cùng phức tạp. Mà những trường được xem là tốt, đáng học… thì đều ở xa nhà tôi.
"Con tôi trước giờ vẫn học trường làng. Cháu vừa chuyển từ mẫu giáo làng lên tiểu học làng."
Chỉ vì lý do đưa đón mà anh lựa chọn trường công gần nhà thay vì tìm cho con một môi trường tốt nhất để con được hưởng sự giáo dục tốt nhất? Điều này các bố mẹ đang tranh cãi nhau trên mạng xã hội hẳn là anh cũng biết?
Tôi cho rằng trường công hay trường tư cũng không có sự khác biệt nhau lắm về chất lượng giáo dục. Có rất nhiều trường công tốt và cả những trường tư không tốt. Ngay cả ở một trường công bình thường thì cũng có những cô giáo dạy rất tốt và những học sinh học rất giỏi. Nên tôi nghĩ tư hay công không quan trọng. Còn vợ chồng tôi ngay từ đầu đều có quan điểm thống nhất về việc học của con. Chúng tôi cho rằng học cấp 1 thì chỉ cần nhẹ nhàng thôi. Áp lực của con nhiều khi không phải đến từ nhà trường mà chính từ bố mẹ. Con có nhiều bài tập thì mình hoàn toàn có thể hỗ trợ con. Bài nào con không làm được, mình cũng không làm được thì để lại, hôm sau lên lớp hỏi cô, chứ chẳng ai bắt con mình phải làm hết 100% bài tập cô giao. Vợ chồng mình sẽ để con có một tuổi thơ đúng nghĩa, không gây áp lực học tập cho con, cũng không tự đặt ra những kì vọng về thành tích học tập của con.
"Vợ chồng mình sẽ để con có một tuổi thơ đúng nghĩa, không gây áp lực học tập cho con, cũng không tự đặt ra những kì vọng về thành tích học tập của con."
Tuy nhiên, anh biết đấy, học trường công bao giờ cũng "khổ" hơn học trường tư. Như điều kiện vệ sinh không tốt, lớp học quá đông, phòng học có thể còn không có điều hòa… Một cô con gái được yêu chiều bao bọc trong gia đình khá giả như con gái anh có thể sẽ không phù hợp.
Tất nhiên đã đi học thì làm sao sướng bằng ở nhà. Nhưng con người ta chịu được thì con mình cũng phải chịu được. Nhím đi học trường công từ bé và cháu hòa nhập rất tốt. Cháu cũng đã có 1 tháng làm quen với lớp 1 và chưa bao giờ thấy cháu phàn nàn gì về việc ở trường khổ lắm. Nhím lại khá có hứng thú với việc học. Vì cháu thích vẽ, thích cầm bút, nên giờ được cầm bút để viết cháu rất hào hứng.
"Tất nhiên đã đi học thì làm sao sướng bằng ở nhà. Nhưng con người ta chịu được thì con mình cũng phải chịu được."
Khi biết Nhím có ông bố là người nổi tiếng, nhà trường có ứng xử khác biệt hay ưu tiên nào đối với cháu không?
Từ trước tới nay, Nhím luôn hòa đồng và được các cô giáo ứng xử như các bạn trong lớp. Bản thân cháu là cô bé khá tự lập, mạnh dạn nên cháu cũng không cần sự chăm sóc đặc biệt nào. Vợ chồng tôi chỉ biết tạo điều kiện tốt nhất cho con trong khả năng của mình như tìm thầy giỏi cho con, mua những chiếc bút tốt nhất để con viết được thoải mái, đảm bảo con không thiếu thốn gì về dụng cụ học hành. Ngoài ra chúng tôi không muốn làm con trở nên khác biệt hay quá đặc biệt trong mắt bạn bè, thầy cô.
"Chúng tôi không muốn làm con trở nên khác biệt hay quá đặc biệt trong mắt bạn bè, thầy cô."
Với một cô gái, tìm được người đàn ông tốt rất quan trọng
Gần đây, trên mạng xảy ra cuộc tranh cãi giữa hai ông bố. Một ông bố cho rằng là con gái chỉ cần học ít thôi, sau này hơn nhau ở tấm chồng. Còn một ông bố cho rằng hạnh phúc của một cô gái hoàn toàn không cần một người đàn ông làm "tệp đính kèm" mà phụ thuộc vào giá trị tự thân của cô gái ấy. Là ông bố của hai cô con gái, anh nghĩ sao?
Tôi nghĩ rằng cả hai đều có ý đúng. Hạnh phúc của một cô gái phụ thuộc vào cả hai yếu tố: cả giá trị tự thân và cả tấm chồng. Chọn được người đàn ông tốt rất quan trọng. Có thể tôi suy nghĩ hơi truyền thống nhưng tôi cho rằng người phụ nữ trưởng thành luôn có xu hướng coi trọng việc tạo dựng một gia đình hạnh phúc. Mà xây dựng một gia đình thành một tổ ấm hay tổ nguội ngoài khả năng của cô ấy ra thì còn phụ thuộc vào người chồng mà cô ấy chọn lựa. Tôi có thiên hướng giống ông bố thứ nhất hơn, muốn con học ít thôi (cười).
"Tôi có thiên hướng giống ông bố thứ nhất hơn, muốn con học ít thôi."
Không phải học hành là con đường duy nhất để tạo ra những giá trị cao cho bản thân và đảm bảo một tương lai tốt đẹp hay sao? Nhất là với một cô gái?
Đúng thế. Nhưng việc học ở đây không phải chỉ là học trên ghế nhà trường, học văn học toán học tiếng Anh. Tôi không nói tất cả mà tôi chỉ nói riêng trường hợp của gia đình tôi thôi. Tôi thấy mỗi đứa trẻ có một tính cách và khả năng khác nhau. Có đứa trẻ ham học, ham hiểu biết, rất đam mê học dù không ai nhắc nhở, có những đứa trẻ thì dù ép uổng dọa nạt cũng không học được. Học ít hay học nhiều và đi con đường nào trong tương lai tôi nghĩ bố mẹ nên theo khả năng của con thay vì ép con đi trên con đường duy nhất là học vấn.
Quyết định "thả" con vào trường làng trong khi Nhím là một cô bé nổi tiếng, anh có sợ những hệ lụy khi con tự thấy đặc biệt so với bạn bè không?
Tôi biết một số nghệ sĩ nổi tiếng họ cho con vào một môi trường kín đáo hơn, ít sự soi mói từ bên ngoài hơn để tránh những hệ lụy tiêu cực. Mọi người cũng thường nói không nên cho con lên mạng xã hội nhiều hay không nên cho con biết nó là người nổi tiếng và có bố mẹ nổi tiếng. Tôi lại thẳng thắn nói cho con mình biết rằng con là cô bé nổi tiếng, được nhiều người yêu mến. Tôi bảo con rằng khi con ra ngoài sẽ có rất nhiều người nhận ra con và muốn chụp hình với con. Và tôi khuyên con rằng ba không bắt con phải thân thiện, niềm nở với tất cả mọi người. Nếu con vui vẻ thì con chụp hình cùng, nếu con không vui, không thích thì con hãy lịch sự từ chối. Còn nếu bạn cố gắng tách con ra, cố gắng để con không biết mình là người nổi tiếng cũng không được. Càng làm thế thì chỉ khiến con trở nên đặc biệt hơn và khó khăn để hòa nhập hơn mà thôi.
"Nếu bạn cố gắng tách con ra, thì chỉ khiến con trở nên đặc biệt hơn và khó khăn để hòa nhập hơn mà thôi."
Vợ chồng tôi chỉ muốn con được lớn lên bình thường trong một môi trường như tất cả các đứa trẻ khác. Xã hội đương nhiên có nhiều vấn đề, nhiều điều không tốt, nhưng con tôi cần được va vấp, được trải nghiệm để hiểu biết hơn, từ đó tự hình thành bộ lọc cho mình, biết cái gì là xấu để tránh ra và học cách vui vẻ chấp nhận. Tôi không thể cứ mãi bao bọc con trong lồng kính vô trùng, hào nhoáng, sung sướng để đến lúc con bước ra ngoài thì không có sức đề kháng nữa. Bản thân tôi đã lớn lên và sống trong một môi trường khó khăn thiếu thốn hơn con rất nhiều nhưng vẫn trưởng thành được như bây giờ.
Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!