Điên đầu khi chồng “bám váy” mẹ

K.V,
Chia sẻ

Khi còn yêu, Minh tưởng Cường là con ngoan. Đến khi lấy nhau, Minh mới vỡ lẽ hóa ra chồng mình là kẻ chỉ biết “bám váy” mẹ.

Cứ tưởng con ngoan...

Xinh đẹp, duyên dáng nên Minh được rất nhiều chàng trai theo đuổi. Trong đó Minh ấn tượng nhất với Cường và Tuấn. Minh rất phân vân không biết nên chọn ai, bỏ ai giữa hai chàng trai này. Vốn là người sống thiên về gia đình nên cuối cùng Minh quyết định đến với Cường vì Minh thấy anh là người con ngoan, có hiếu với cha mẹ. Từ bé tới lớn Minh thường được bố giáo huấn: “Yêu và lấy ai đó làm chồng là con phải chọn lựa kỹ lưỡng. Không cần quá giàu quá giỏi, chỉ cần người sống tình cảm, quan tâm đến gia đình bố mẹ là được. Ai mà không yêu bố mẹ mình thì chẳng yêu ai khác được đâu”.

Trong khi đó, Cường luôn rót vào tai Minh những lời lẽ đầy hiếu thảo: “Với anh, vợ không cần giỏi việc nước, đảm việc nhà. Cần nhất là vợ anh yêu thương chăm sóc bố mẹ cả hai bên. Đó mới là lẽ sống của anh”.

Minh rất vui khi chồng sắp cưới rất biết quan tâm tới gia đình (Ảnh minh họa)

Tấm lòng hiếu thảo của Cường khiến Minh ngày càng yêu anh hơn. Dù chưa cưới nhau nhưng Cường hết lòng quan tâm tới bố mẹ cả hai bên. Bố mẹ Minh cũng rất ưng chàng rể tương lai. Vậy là đám cưới diễn ra nhanh chóng.

Cũng giống Minh, với Thương, một người đáng để làm chồng phải là một người đàn ông hiếu thảo. Chính vì vậy, gạt qua nhiều chàng trai vui vẻ, nhiều hoài bão, Thương lựa chọn Thắng cho bến đỗ của mình. Cô hy vọng sự hiếu thảo của Thắng sẽ mang lại một gia đình êm đềm, hạnh phúc.

Hóa ra “bám váy” mẹ

Thế nhưng, đôi khi hiếu thảo lại hay bị nhầm lẫn với nhu nhược. Sau khi kết hôn, Minh mới phân biệt được hai khái niệm này. Lòng hiếu thảo của Cường lại dần biến thành nhu nhược. Hóa ra không phải Cường quan tâm lo lắng cho bố mẹ. Những gì Cường thể hiện tình thương chỉ là sự sợ hãi. Cường sợ mẹ tới mức bất cứ việc lớn nhỏ trong gia đình anh cũng hỏi ý kiến mẹ. Thậm chí, chỉ muốn mua một chiếc điện thoại, Cường cũng chờ mẹ đồng ý. Kiếm được khá nhiều tiền nhưng cả anh và vợ đều không được tiêu. Cường dốc hết túi nhờ mẹ giữ hộ. Càng sống với anh, Minh càng cảm nhận được sự ngột ngạt. Cô không thể chịu đựng được khi kỷ niệm 1 năm ngày cưới, Cường cũng bắt Minh phải xin phép mẹ. Mẹ đồng ý hai người mới được ra ngoài ăn tối để kỷ niệm. Mẹ anh kêu mệt, không cho đi, hai vợ chồng đành phải ở nhà nấu cơm.

Quá chán nản, Minh nêu quan điểm của mình. Cô không muốn hai vợ chồng cứ sống theo kiểu bó buộc như vậy. Cô muốn được thoải mái, vui vẻ, không phụ thuộc vào bất cứ ai. Gạt phăng lời vợ, anh chồng cho rằng là con không được ích kỉ như vậy, phải biết đến tâm tư tình cảm của bố mẹ. Minh thở dài. Cô biết thừa chồng mình không hẳn là đã hiếu thảo. Anh sợ mẹ, sợ đến mụ mị cả người. Qua các câu chuyện, Minh phát hiện ra, ngay từ khi còn nhỏ, Cường đã bị bố mẹ đưa vào thiết quân luật. Bất cứ chuyện gì, Cường đều nhất nhất phải nghe theo bố mẹ. Lâu dần, điều đó trở thành thói quen, ngấm vào máu và anh không thể “vùng dậy” được.

Cũng phục tùng bố mẹ không điều kiện nhưng Thắng khác Cường. Thắng không hề sợ bất cứ ai nhưng anh lại luôn chiều chuộng bố mẹ, mọi việc đều làm theo sắp xếp của bố mẹ chỉ vì anh không muốn làm mất lòng các cụ. Gia đình có 4 anh em trai. Là con út, lại thua kém các anh nên Thắng phải làm đẹp lòng bố mẹ để sau này có chia gia sản, bố mẹ sẽ chia cho anh phần hơn.

Cần lắm một tấm chân tình

Sống không thật lòng hiếm khi mang lại kết quả tốt đẹp. Thắng là một ví dụ điển hình. Thấy anh luôn ngoan ngoãn nghe theo nên bố mẹ cũng thương anh lắm. Khi gia đình bỗng nhiên có những khoản tiền từ trên trời rơi xuống, bố mẹ luôn cho vợ chồng anh phần hơn vì lý do “nhà nó nghèo nhất”. Bố mẹ Thắng vốn là dân kinh doanh có máu mặt nên cơ ngơi của hai cụ không hề nhỏ. Năm ngoái, khi thấy con cái đã vững vàng, ông bà quyết định “nghỉ hưu” để con cháu làm thay.

Trong buổi phân chia tài sản, bố anh Thắng nói: “Thằng cả thông minh nhanh nhẹn, cẩn thận, tỉ mỉ, bố giao cho quản lý công ty tài chính. Thằng hai giỏi về máy móc, bố giao cho quản lý showroom ô tô. Thằng ba đang du học sắp về nước bố sẽ giao cho nó quản lý trường quốc tế. Còn thằng tư (tức anh Thắng) hiền lành yếu đuối, bố sẽ cho cổ phần trong cả 3 công ty, không cần làm gì, hàng năm hưởng cổ tức”.

Cần lắm một tấm chân tình... (Ảnh minh họa)

Đến lúc này, anh Thắng mới lộ bản chất của mình. Anh chẳng hề hiền lành yếu đuối. Anh chỉ giả bộ để lấy lòng bố mẹ. Thấy thái độ của con, bố anh lặng im, lẳng lặng đi vào. Là người lăn lộn với cuộc sống, ông thừa hiểu điều gì đang diễn ra. Hiện tại, việc phân chia tài sản trong gia đình anh Thắng vẫn chưa đến hồi kết. Anh đòi quyền điều hành công ty. Bố anh từ chối với chỉ một câu: “Một kẻ kém cỏi, lươn lẹo không bao giờ làm nên trò trống, con ạ!”.

Trong khi đó, hồi kết lại dường như đang đến với gia đình anh Cường, chị Minh. Vì anh Cường là con một nên mẹ anh yêu anh một cách thái quá. Bà luôn muốn anh là của riêng mình, không muốn chia sẻ con trai với cô vợ kia. Anh Cường thì răm rắp nghe lời mẹ. Chị Minh buồn bực một phần vì vợ chồng ít gần gũi, một phần vì thất vọng vào sự nhu nhược của chồng. Chị đang phân vân không biết có nên kéo dài cuộc sống như vậy nữa hay không. 

Vì vậy, năm lần bảy lượt chị từ chối chuyện sinh con. Anh Cường cũng không quá giục giã vợ vì mẹ anh chưa thực sự muốn có cháu. Tình cảm gia đình ngày càng phai nhạt. Chị Minh chỉ biết tìm niềm vui nơi công việc. Đôi khi chị cũng muốn sa vào vòng tay một người đàn ông nào đó nhưng chị vẫn kiềm chế được bản thân. Tuy nhiên, chị chẳng biết mình sẽ kiên cường được bao lâu vì biết mình không thể đặt niềm tin vào người đàn ông nhu nhược được.

Chia sẻ