Điểm sàn thấp dễ khiến thí sinh rơi vào 'bẫy', nguy cơ trượt đại học cao

Hà Cường/VTC News,
Chia sẻ

Hầu hết các trường đại học đưa ra mức điểm sàn hấp dẫn nhằm thu hút thí sinh từ 15 đến 20 điểm, nhưng thực tế điểm chuẩn cao hơn nhiều, dao động 25 - 29 điểm.

Hiện hơn 100 trường đại học trên cả nước đã công bố điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển. Mức điểm sàn phổ biển được các trường đưa ra khá thấp, dao động từ 15 đến 19 điểm, trường cao nhất 23,5 điểm.

Xu hướng công bố mức điểm sàn xét tuyển thấp xuất hiện từ vài năm trở lại đây. Mục tiêu các trường là đảm bảo đủ số lượng nguồn tuyển trước khi lọc thí sinh chất lượng theo quy tắc từ cao xuống thấp, cũng như tham chiếu các tiêu chí để ra mức điểm chuẩn trúng tuyển.

Thực tế, “bẫy điểm sàn” thấp khiến nhiều thí sinh chủ quan và phải trả giá trượt đại học là chuyện không hiếm ở các mùa tuyển sinh.

PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Đại học Kinh tế quốc dân cho biết, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) chỉ là điều kiện căn bản để nộp hồ sơ xét tuyển của thí sinh, giống như để vào đại học phải tốt nghiệp THPT.

Điểm sàn thấp dễ khiến thí sinh rơi vào 'bẫy', nguy cơ trượt đại học cao - Ảnh 1.

Điểm sàn thấp khiến thí sinh ảo tưởng rơi vào 'bẫy', nguy cơ trượt đại học cao.

Giải thích lý do điểm chuẩn cách xa điểm sàn, ông Triệu nói, đây là kết quả của sự chênh lệch giữa lượng hồ sơ nộp vào, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh thì giới hạn, nếu tăng cũng rất ít. Do vậy không phải thí sinh nào đạt ngưỡng xét tuyển cũng có cơ hội học tập.

Ông Triệu lấy ví dụ, Đại học Kinh tế quốc dân công bố điểm chuẩn xét tuyển kết hợp hai nhóm đối tượng 4 và 5 - thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế kết hợp với điểm thi hai môn tốt nghiệp THPT, và thí sinh hệ các trường THPT chuyên toàn quốc.

Ở phương thức xét tuyển này, trường nhận hơn 18.000 hồ sơ xét tuyển, trong khi chỉ tiêu chỉ khoảng 4.500, chênh lệch khoảng 4 lần, tăng 30% so với năm 2022. Ngoài ra, chất lượng hồ sơ cũng cao hơn năm trước, lượng thí sinh có IELTS 6.5 trở lên chiếm 70%. Do đó điểm chuẩn hai nhóm đối tượng này đều tăng 1 điểm so với năm 2022.

Ông Triệu nhắc thí sinh, điểm sàn chỉ là điều kiện kỹ thuật, thí sinh phải sử dụng điểm chuẩn của các năm trước đó để tham chiếu, từ đó có những lựa chọn "sát sườn" nhất.

"Năm nay Bộ Giáo dục và Đào tạo áp dụng quy chế nếu tổng điểm của thí sinh đạt từ 22,5 trở lên thì điểm cộng ưu tiên của các thí sinh sẽ giảm dần theo tuyến tính. Vì thế điểm chuẩn các ngành từ 28 điểm xác suất tăng sẽ thấp, nhưng các điểm chuẩn top dưới sẽ ổn định", ông Triệu dự đoán.

TS Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Đại học Duy Tân cho biết, hiện các trường mới chỉ thông báo điếm sàn. Sau khi thí sinh đăng ký nguyện vọng, nộp lệ phí xong, Bộ GD&ĐT lọc ảo thì mới đến bước công bố điểm chuẩn.

Thí sinh cần cảnh giác, không nên thấy các trường có điểm sàn thấp mà nghĩ rằng điểm chuẩn cũng sẽ thấp. Thực tế các năm trước, điểm sàn chỉ 15 - 16 nhưng điểm chuẩn tới 25 - 26 điểm. Mức độ điểm chuẩn tăng tỷ lệ thuận theo số thí sinh đăng ký thi, trong khi chỉ tiêu thấp. Thí sinh nên tham khảo điểm chuẩn năm 2022 các ngành của trường mà mình định đăng ký xét tuyển.

Ông lấy ví dụ, điểm sàn một số trường khi được công bố thì ở mức "dễ thở" nhưng điểm chuẩn lại hơn điểm sàn khá nhiều. Năm ngoái, Đại học Kinh tế Quốc dân áp dụng cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT là 20. Tuy nhiên, điểm chuẩn các ngành lại cao hơn nhiều so với điểm sàn, từ 6-8 điểm, dao động từ 26,10 đến 28,60 điểm.

Đại học Ngoại thương công bố mức điểm sàn xét tuyển 2022 dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT là 23,5, nhưng điểm chuẩn trúng tuyển các nhóm ngành từ 27,5 và cao nhất là 28,4.

Đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM đưa ra mức điểm sàn năm ngoái là 15 - 19 điểm. Thế nhưng điểm chuẩn trúng tuyển vào trường lại ở mức cao nhất 26,75.

Thực tế tuyển sinh nhiều năm nay cho thấy, mức điểm sàn các trường đưa ra không có nhiều giá trị tham khảo, bởi mức điểm ấy đơn thuần chỉ là đảm bảo điều kiện đủ để thí sinh tham gia xét tuyển.

Theo các chuyên gia, để tránh rơi vào “bẫy điểm sàn” thí sinh cần phải tham khảo và đối chiếu điểm chuẩn trúng tuyển ngành nghề mà mình yêu thích trong 2 - 3 năm gần nhất, đảm bảo mức điểm xét tuyển cao hơn mức điểm cũ ở ngưỡng an toàn thì hãy sử dụng lựa chọn xét tuyển phương thức điểm thi tốt nghiệp THPT.

Thí sinh nên dựa trên số điểm đã đạt được để chọn theo "ba cấp". Cấp thứ nhất, các ngành có dự kiến điểm chuẩn cao hơn số điểm mình đạt được (phòng khi điểm chuẩn các ngành đó giảm).

Cấp thứ hai, nhóm các ngành có mức điểm chuẩn ngang bằng với số điểm mình đạt được. Cấp cuối cùng là những ngành có mức điểm chuẩn thấp hơn khả năng của mình. Sau đó, thí sinh nên sắp xếp các nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên. Với cách đăng ký như vậy, khả năng trúng tuyển vào trường của thí sinh gần như tuyệt đối.


Chia sẻ