Điểm mặt những bệnh thường mắc mùa nắng nóng

,
Chia sẻ

Thân nhiệt con người bình thường được duy trì trong một giới hạn hẹp, cho dù có những biến động lớn của điều kiện môi trường và hoạt động thể lực.

Những biểu hiện thường đi kèm với các bệnh lý toàn thân là rối loạn điều hoà thân nhiệt, chuột rút, kiệt sức, trúng nóng…
 
Cơ thể điều hoà thân nhiệt dựa trên hai cơ chế chủ yếu là sinh nhiệt và mất nhiệt.


Rối loạn điều hoà nhiệt: Khi hoạt động, có sự mất cân bằng tạm thời giữa sinh nhiệt và mất nhiệt, nhưng thân nhiệt sẽ trở lại bình thường ngay sau khi ngừng hoạt. Khi bị sốt, sự thích nghi nói trên kém hơn.

Trong tình trạng đó, sự điều hoà mất nhiệt do luồng máu đến da quan trọng hơn nhiều so với sự ra mồ hôi. Khi bắt đầu sốt, các thụ cảm nhiệt cho thấy nhiệt độ trong cơ thể thấp, và bệnh nhân đáp ứng như kiểu bị lạnh, nên có sự tăng sinh nhiệt bằng cách run hay rùng mình và giảm mất nhiệt bằng cách co mạch dưới da. Điều này giải thích cơ chế cảm giác ớn lạnh và run khi bắt đầu sốt.

Ngược lại, khi nguyên nhân gây sốt đã hết, thân nhiệt trở lại bình thường và bệnh nhân đáp ứng giống như người bị nóng: dãn mạch dưới da và toát mồ hôi.

Dao động thân nhiệt khoảng 3ºC so với bình thường không làm biến đổi đáng kể các chức năng của cơ thể. Co giật hay xảy ra ở trẻ em khi thân nhiệt vượt qua 40º1C và tổn thương não không hồi phục khi thân nhiệt quá 42º2C. Khi thân nhiệt đo ở miệng cao quá 41º1C, ngược lại khi thân nhiệt xuống tới 32º8C sẽ gây lú lẫn và hôn mê.

 

Đối với trẻ nhỏ và người già, dùng quạt, tắm mát, ở chỗ râm mát, tránh hoạt động quá mức.


Các hội chứng do nóng: Hội chứng do nóng thường gặp ở người già khi nhiệt độ môi trường tăng trên 32ºC và độ ẩm tương đối cao (>60%), đặc biệt là ở những người rối loạn thần kinh, nghiện rượu, đang dùng thuốc điều trị tâm thần, thuốc lợi tiểu, các thuốc kháng tiết cholin, ở nơi kém thông khí và không có điều hoà nhiệt độ.

Cần 7 đến 14 ngày để cơ thể chúng ta có thể thích nghi với khí hậu. Toát mồ hôi là biện pháp tự nhiên hữu hiệu nhất chống lại tác động của nhiệt độ môi trường và có thể giúp nhiệt độ trung tâm không hoặc rất ít biến đổi. Chừng nào còn ra được mồ hôi, cơ thể chúng ta còn chịu đựng tốt với nhiệt độ cao của môi trường, miễn là muối và nước, hai thành phần chủ chốt của mồ hôi, được cung cấp đầy đủ.

Giãn mạch ngoại biên để tạo điều kiện thải nhiệt là một biện pháp quan trọng khác giúp cơ thể thích nghi với khí hậu nóng. Khi sang chấn nhiệt kéo dài sẽ làm giảm lượng máu tĩnh mạch trở về tim, nên cung lượng tim sẽ giảm. Nếu nhiệt độ môi trường tiếp tục tăng cao hơn nhiệt độ cơ thể, nhiệt sẽ giữ lại trong cơ thể và xảy ra hiện tượng quá nhiệt.

Phòng bệnh bằng cách uống nhiều nước, mặc đồ mỏng, nhất là đối với trẻ nhỏ và người già, dùng quạt, tắm mát, ở chỗ râm mát, tránh hoạt động quá mức.

+ Chuột rút do nóng: Đây là biểu hiện lành tính nhất của hội chứng do nóng. Đặc điểm chính là đau kiểu chuột rút dữ dội, ngắt quãng hay thoáng qua ở các cơ phải hoạt động nhiều nhất. Thường kiểu chuột rút này xảy ra ở người làm việc nặng nhọc mà chưa thích nghi với khí hậu nóng. Điều trị bằng nghỉ ngơi nơi mát và uống nhiều nước và điện giải kali, natri. Có thể phòng được hội chứng này bằng cách ăn chế độ nhiều muối hơn và uống nhiều nước.

+ Suy kiệt do nóng: Suy kiệt do nóng xảy ra dưới hai dạng: dạng do kiệt nước và dạng do kiệt muối. Cả hai đều xuất hiện do hệ tim mạch không đáp ứng được với nhiệt độ môi trường cao. Mất nước thường hay gặp ở người lớn tuổi đang dùng thuốc lợi tiểu, hoặc ở những người không uống đủ nước khi ở trong môi trường nóng.

Hay gặp sốt thể kiệt muối xảy ra do không bù đủ muối, thường có giảm natri và clo máu. Cả hai thể này đều gây yếu cơ, mệt, bồn chồn, khát, chóng mặt, đau đầu, chán ăn, buồn nôn, nôn. Khó chịu ở bụng và thỉu có thể xuất hiện trước khi ngất.

Ngất do nóng xảy ra ở người đang làm việc hoặc nghỉ ngơi. Khởi phát đột ngột nhưng diễn biến ngắn. Bệnh nhân đột nhiên trở nên xám như màu tro, da lạnh và ẩm, giãn đồng tử, hạ huyết áp khi thay đổi tư thế và mạch nhanh. Thời gian bị nóng và mức độ mất mồ hôi xác định thái độ xử trí: đưa bệnh nhân đến một nơi thoáng mát, đặt ở tư thế nằm. Thường một lúc sau bệnh nhân sẽ tỉnh trở lại. Đôi khi phải truyền dịch nếu không uống được nước.

+ Trúng nóng: Trúng nóng xảy ra khi các cơ chế điều nhiệt của cơ thể không còn đủ khả năng làm thoát nhiệt hợp lý nữa nên nhiệt độ của cơ thể tăng cao, thường lên đến 41ºC, làm suy sụp các chức năng của nhiều tạng. Biểu hiện thường đột ngột, khởi đầu bằng các triệu chứng thần kinh trung ương như đau đầu, nói lịu giọng, chóng mặt, mệt thỉu, ảo giác, lũ lẫn, co giật, thao cuồng, và hôn mê. Thường không có các biểu hiện thần kinh khu trú. Nếu có, cần làm các thăm dò để tìm nguyên nhân khác.

Trúng nóng có thể chia thành thể cổ điển và thể gắng sức. Trúng nóng do gắng sức gặp ở người khoẻ mạnh, trẻ và xảy ra rải rác. Bệnh nhân ra mồ hôi bình thường. Thể cổ điển xảy ra chủ yếu ở người già, thành dịch mỗi khi có đợt nắng nóng tới. Bệnh nhân không ra được mồ hôi một cách bình thường. Nhiều người thuộc thể này có bệnh từ trước như xơ vữa động mạch, suy tim (nhất là đang dùng thuốc lợi tiểu), đái tháo đường, nghiện rượu.

Lúc đầu, bệnh nhân có biểu hiện đau đầu, nổi da gà, rùng mình, tăng nhịp thở, buồn nôn hay nôn, chuột rút, loạng choạng, dáng đi thất thểu, nói không ăn nhập với hoàn cảnh. Dần dần đi đến mất ý thức. Khám thực thể thấy nhịp tim nhanh, huyết áp hạ và các dấu hiệu giảm sức cản ngoại vi.

Thể cổ điển có thể xảy ra nhanh chóng, không có triệu chứng báo trước và hôn mê có thể là dấu hiệu sớm. Tuy nhiên, bệnh nhân có thể kêu đau đầu, chóng mặt, mệt thỉu, khó chịu ở bụng, lú lẫn hoặc thở gấp. Sốt và mệt lả là hai dấu hiệu đáng chú ý nhất khi khám thực thể. Hay gặp tăng nhiệt độ trung tâm lên trên 41º1C. Da nóng và khô, mạch nhanh, thở yếu, huyết áp hạ, cơ nhẽo, mất hay giảm phản xạ gân xương. Li bì, sững sờ, hôn mê có thể gặp tuỳ mức độ nặng.

Điều trị trúng nóng là một cấp cứu nội khoa, cần các biện pháp cấp cứu tích cực ngay. Trong điều kiện khí hậu nóng cần có máy điều hoà nhiệt độ.

Cởi bỏ quần áo, lau người bằng nước mát, đồng thời chờm đá hai bên sườn. Để quạt trực tiếp hướng vào bệnh nhân để tăng cường thoát nhiệt do đối lưu. Truyền dịch mát. Cần đo nhiệt độ liên tục cho đến khi thân nhiệt < 38ºC. Có thể sử dụng chăn mát, rửa dạ dày, thụt trực tràng bằng nước mát. Trong quá trình làm lạnh da cần phối hợp với xoa bóp để tăng dẫn máu đã được làm mát về não và các tạng. Nếu không đỡ phải đưa người bệnh đến bệnh viện để được xử trí kịp thời.

PGS.TS. Nguyễn Quang Tuấn sinh năm 1967 ở HN, giảng viên bộ môn Tim mạch Đại học Y, Trưởng khoa C4 viện tim mạch QG; UV ban điều hành QG dự án Phòng chống bệnh tăng huyết áp, Phó tổng thư ký Hội Tim mạch học quốc gia Việt Nam.
 
 
 
Theo PGS.TS. Nguyễn Quang Tuấn
Bee
Chia sẻ