Điểm lại những quy định gây xôn xao dư luận trong năm 2013

NN (TH),
Chia sẻ

Hàng loạt quy định được các nhà quản lý đưa ra trong năm 2013 khiến dư luận xôn xao. Nhiều quy định thiếu thực tế và không khả thi sau đó đã được tạm dừng.

Phạt người đội mũ bảo hiểm rởm

Ngày 28/2, liên Bộ Khoa học và công nghệ, Công thương, Công an, Giao thông - Vận tải ký Thông tư liên tịch số 06 quy định về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm. Tuy nhiên, một trong những quy định tại Thông tư 06 không được dư luận đồng tình là việc người ngồi trên xe môtô, xe gắn máy, xe đạp máy phải đội mũ bảo hiểm và mũ phải đáp ứng được 10 tiêu chí. Mức phạt với người đội mũ không đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật là từ 100.000 đến 200.000 đồng.

Điểm lại những quy định gây xôn xao dư luận trong năm 2013 1
Mũ bảo hiểm đủ kiểu, màu sắc nhưng chất lượng thì hầu như không được kiểm soát.

Sau khi có ý kiến nhiều chiều từ dư luận, các Bộ tham gia ký Thông tư số 06 thống nhất tạm dừng và quy định không thể có hiệu lực vào ngày 15/4 như dự kiến khi thấy việc xử phạt người đội mũ bảo hiểm rởm là không đủ căn cứ pháp lý và không phù hợp. Bởi hiện nay việc quản lý nhà nước từ khâu sản xuất, nhập khẩu, lưu thông, bán mũ bảo hiểm chưa tốt. Nhiều loại mũ có hình dáng giống mũ bảo hiểm, mũ giả, mũ không đúng tiêu chuẩn... người dân rất khó phát hiện, phân biệt, thậm chí là rất khó đối với cả lực lượng cảnh sát giao thông.

Quan tài không được dùng nắp kính

Nghị định 105/2012 quy định linh cữu người từ trần quàn tại nhà tang lễ hoặc tại gia đình không để ô cửa có lắp kính trên nắp quan tài vấp phải nhiều phản ứng từ dư luận.

Điểm lại những quy định gây xôn xao dư luận trong năm 2013 2
Thứ trưởng Bộ VHTT-DL Hồ Anh Tuấn nhìn mặt NSND Y Moan lần cuối qua cửa kính quan tài.

Rất nhiều người quan niệm rằng việc để ô cửa có lắp kính trên nắp quan tài là để tạo điều kiện cho những người đến viếng được “nhìn mặt lần cuối” người đã khuất. Ở đây có yếu tố tâm linh cũng như yếu tố tình cảm thiêng liêng và đáng trân trọng. Còn những lý do như để đảm bảo vệ sinh, ngừa khả năng kính vỡ rơi vào mặt người quá cố hoàn toàn không thuyết phục và điều kiện hiện nay hoàn toàn có thể cho phép khắc phục.

Phạt xe không chính chủ

Nghị định 71 áp dụng mức phạt 6-10 triệu đồng với ôtô và 1 triệu đồng với xe máy không sang tên đổi chủ từng gây rất nhiều tranh cãi trong thời gian qua.

Theo nghị định, sẽ phạt tiền đối với các cá nhân và tổ chức không làm thủ tục đăng ký sang tên xe (để chuyển tên chủ xe trong Giấy đăng ký xe sang tên mình) theo quy định khi mua, được cho, tặng…

Điểm lại những quy định gây xôn xao dư luận trong năm 2013 3

Quy định này đã gây nhiều tranh cãi và khiến hàng trăm nghìn người lo lắng vì đang sử dụng xe không chính chủ, trong đó nhiều trường hợp không thể tìm được chủ cũ. Trước phản ứng của dư luận, hiệu lực của nghị định này đã được lùi lại.

Đến tháng 11, Chính phủ đã ban hành Nghị định 171/2013/NĐ-CP mới thay thế cho các Nghị định 34, Nghị định 71 về xử phạt vi phạm giao thông đường bộ, đường sắt. Liên quan đến quy định xử phạt xe không chính chủ, Nghị định đã lùi thời hạn xử phạt với nội dung này và áp dụng với ôtô từ 1/1/2015 và môtô, xe máy từ 1/1/2017.

Thu phí bảo trì đường bộ

Nghị định số 18/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định kể từ 1/1/2013 các phương tiện giao thông đường bộ trên cả nước phải đóng phí bảo trì đường bộ.

Theo đó, mức phí phải đóng thấp nhất với ô tô là 130.000 đồng/tháng, cao nhất 1,04 triệu đồng/tháng. Đối với xe máy, thấp nhất 50.000 đồng/năm và cao nhất 150.000 đồng/năm.

Điểm lại những quy định gây xôn xao dư luận trong năm 2013 4


Tuy nhiên, quy định này khiến người dân vô cùng bức xúc vì nó gây ra tình trạng "phí chồng phí". Trên thực tế, các trạm thu phí BOT và trạm bán chuyển trên cả nước vẫn hoạt động và thu phí bình thường, vì vậy, các chủ phương tiện dù đã nộp phí bảo trì đường bộ nhưng họ vẫn phải trả phí khi đi qua đường có các loại trạm này.

Thêm vào đó, dư luận vẫn lấn cấn về sự công bằng giữa các chủ phương tiện trong thụ hưởng hiệu quả của phí đã đóng. Chẳng hạn như: Hàng triệu phương tiện thường trực hằng ngày tham gia giao thông trên các tuyến đường nông thôn, vùng sâu, vùng xa… với những con đường quanh năm mưa thì lầy lội, nắng mù mịt bụi thì bao giờ được bảo trì? Hoặc có những hộ gia đình có phương tiện nhưng rất ít lưu hành mà vẫn phải đóng phí đều đều như các phương tiện khác hằng ngày lưu hành trên nhiều tuyến đường.

Cấm quay phim, chụp ảnh CSGT đang làm nhiệm vụ

Dư luận cũng từng xôn xao về Công văn 1042 ngày 26/04/2013 của Cục CSGT Đường bộ & Đường sắt: "Luôn luôn nâng cao tinh thần cảnh giác, kiên quyết đấu tranh làm rõ với những đối tượng có lời nói đe dọa, lăng mạ, hoặc có hành vi chống đối Cảnh sát giao thông đang thực thi công vụ, hoặc quay phim chụp ảnh hoạt động Thanh tra, kiểm soát, xử lý vi phạm khi chưa được phép đồng ý của Cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ".

Điểm lại những quy định gây xôn xao dư luận trong năm 2013 5

Trong trường hợp đối tượng đúng là nhà báo thì tập hợp thông báo cho cơ quan chủ quản, nếu giả danh nhà báo thì tạm giữ, lập hồ sơ chuyển cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật.

Nhiều người cho rằng văn bản đã ảnh hưởng đến quyền giám sát của công dân và dung túng cho tiêu cực. Tuy nhiên, thực tế nó vẫn được chỉnh sửa và tồn tại đến tận 4 tháng. Tới ngày 23/8, Cục Cảnh sát Giao thông đường bộ - đường sắt mới hủy quyết định này.

Thu phí giao dịch ATM nội mạng

Theo nội dung của Thông tư số 35/2012/TT-NHNN, kể từ ngày 1/3/2013, các ngân hàng được thu phí rút tiền mặt đối với các giao dịch nội mạng (giao dịch trên máy ATM của ngân hàng phát hành thẻ). Mức phí áp dụng trong năm 2013 là từ 0 - 1.000 đồng/giao dịch, từ 0 - 2.000 đồng/giao dịch trong năm 2014 và từ 0 - 3.000 đồng/giao dịch từ năm 2015 trở đi.

Điểm lại những quy định gây xôn xao dư luận trong năm 2013 6

Đa số người sử dụng thẻ đều cho rằng, việc thu phí ATM nội mạng là quá bất cập vì thực tế các ngân hàng đã thu khá nhiều khoản phí từ dịch vụ này và chúng đủ bù cho hoạt động đầu tư, mở rộng, bảo trì mạng lưới. Thêm vào đó, theo ý kiến của nhiều người, việc thu phí giao dịch ATM nội mạng là không hợp lý, nhất là những người lao động bình dân, công nhân, công chức nhận lương qua tài khoản.
Chia sẻ