Dịch Covid-19 ở Ấn Độ: Người giàu càng giàu, người nghèo càng nghèo
Covid-19 khiến sự bất bình đẳng thu nhập ở Ấn Độ càng bị đẩy cao hơn, khi người giàu càng giàu thêm, còn người nghèo càng nghèo.
Theo Straits Times, Ấn Độ ghi nhận sự gia tăng kỷ lục 35% trong khối tài sản của các tỷ phủ và kỳ lân công nghệ nước này, giữa lúc hàng triệu người dân nghèo thất nghiệp phải cắt giảm khẩu phần ăn và bù đắp nguồn thu nhập mất đi bằng cách đi vay nặng lãi.
Điển hình, vào năm 2020, tỷ phú Mukesh Ambani, Chủ tịch của Reliance Industries Ltd, đã bỏ túi thêm 48 tỉ USD vào khối tài sản cá nhân trong thời điểm Ấn Độ lần đầu tiên chứng kiến GDP sụt giảm trong vòng 40 năm qua. Tỷ phú Ambani, người giàu nhất châu Á, cũng đã ký kết các thỏa thuận với Facebook và Google, giữa lúc nền kinh tế Ấn Độ sụt giảm mất 23,9% từ tháng 4 - 6/2020.
Số lượng tỷ phú ở quốc gia đông dân thứ 2 thế giới đã tăng từ con số 102 lên thành 140 và tổng giá trị tài sản của những người này tăng gần gấp đôi lên con số 596 tỉ USD.
Còn 75 triệu người dân Ấn Độ lại rơi vào cảnh nghèo đói, chiếm 60% tỷ lệ đói nghèo gia tăng toàn cầu vào năm 2020.
GDP bình quân đầu người trong khoảng thời gian từ năm 1998 – 2019 tại Ấn Độ đã tăng 8,5%, nhưng mức lương ở vùng nông thôn chỉ tăng 5,4%. Tổng tài sản của 1% những người giàu có hàng đầu ở Ấn Độ kiếm được đã bằng 21% tổng thu nhập của quốc gia này trong năm 2019.
Bản nghiên cứu hồi tháng 1/2020 của tổ chức Oxfam International cũng cho thấy, khoảng cách giàu nghèo ở Ấn Độ đang nới rộng hơn bao giờ hết. Theo đó, tổng tài sản do 1% những người giàu có hàng đầu ở Ấn Độ nắm giữ đã cao hơn 4 lần so với tài sản của 953 triệu người, tương đương với 70% dân số Ấn Độ. Sự chênh lệch giàu nghèo ở Ấn Độ hiện đã vượt qua cả Mỹ, Trung Quốc, Nga, Pháp và Anh.
Giáo sư chuyên ngành kinh tế ở Đại học Massachusetts Amherst nhận định, đặc biệt đối với các nước đang phát triển như Ấn Độ, đại dịch Covid-19 càng làm tăng thêm sự bất bình đẳng thu nhập.
Tình trạng thất nghiệp và thu nhập giảm đang diễn ra trên diện rộng ở Ấn Độ. Trong tháng Sáu, tỷ lệ thất nghiệp ở nước này là 13%, trong khi vào tháng 12/2020 là 10%, theo Trung tâm Giám sát Kinh tế Ấn Đô (CMIE).
Báo cáo từ Trung tâm Phát triển bền vững thuộc Đại học Azim Premji ở Bangalore cũng cho thấy, mức lương hàng tháng của người dân Ấn Độ đã giảm 17% trong giai đoạn dịch Covid-19 hoành hành.
Để khắc phục tình cảnh khó khăn tài chính, nhiều gia đình đã phải giảm khẩu phần ăn, bán bớt tài sản và mượn tiền của bạn bè hay họ hàng, hoặc thậm chí là tìm tới các tổ chức cho vay nặng lãi.
Tình trạng vay tiền và không thể thanh toán nợ đúng hạn ở Ấn Độ cũng đang ở mức cao nhất. Khoảng 15% các khoản nợ tài chính vi mô đã bị quá hạn trả trong 30 ngày sau khi làn sóng Covid-19 thứ 2 tấn công Ấn Độ từ tháng 4 – 5 năm nay, theo công ty phân tích Crisil.
Dù chính phủ Ấn Độ đã chi thêm 137% cho lĩnh vực y tế, nhưng sự trì hoãn đưa hoạt động tiêm vắc-xin trở thành miễn phí cho toàn dân, cùng lệnh phong tỏa đã khiến hàng triệu người mất việc làm và người di cư phải trở về quê hương trong khi hệ thống chăm sóc y tế công cộng đã lỗi thời và hạn chế nguồn cung lương thực đã làm rỗng ví của không ít gia đình Ấn Độ.
Tiến sĩ Dr Neelam Patel, Giám đốc phục trách phúc lợi gia đình và y tế ở bang Gujarat, nhấn mạnh do các trường học đóng cửa từ tháng 3/2020, hàng triệu trẻ em đã không còn được hưởng chính sách bữa ăn trưa miễn phí. Chuyện này khiến tỷ lệ trẻ bị suy dinh dưỡng ở Ấn Độ đang gia tăng.
Ngoài ra, nhiều gia đình là lao động di cư buộc phải cho con nghỉ học để trở về các làng quê sinh sống trong thời kỳ dịch bệnh hoặc buộc các em nhỏ tham gia làm việc để hỗ trợ kinh tế gia đình. Tình huống này khiến Ấn Độ rơi vào cảnh thiếu nguồn nhân lực lao động khỏe mạnh và có kỹ năng trong tương lai.