Dịch bệnh quái ác khiến bệnh nhân nhảy múa điên cuồng và kiệt sức đến chết, cách chữa trị "điên rồ" và nguyên nhân mãi là bí ẩn!

Koi Koi,
Chia sẻ

Cứ nghĩ về cảnh tượng dịch bệnh quái dị này mang lại cho bệnh nhân, chúng ta không khỏi rùng mình!

Ngay từ thuở hồng hoang, hoạt động nhảy múa đã được xem là cách loài người thể hiện sự vui vẻ, phấn khích và niềm hân hoan của bản thân. Nhảy múa qua đó luôn gắn liền với những cảm xúc tích cực hoặc đôi khi là những nghi thức mang tính tâm linh để giúp loài người giao tiếp với thế giới siêu nhiên.

Tuy nhiên, vào thế kỉ thứ 16, hai chữ "nhảy múa" đã trở thành một nỗi ám ảnh khi một trong những dịch bệnh kì quái nhất lịch sử nhân loại đã diễn ra: Các nạn nhân của dịch bệnh này sẽ nhảy múa cuồng loạn, mất hoàn toàn lí trí và sẽ kiệt sức đến chết. Đến tận thế kỉ 21, nguyên nhân chính xác của dịch bệnh này vẫn chưa được tìm ra và rất hi vọng, nhân loại sẽ không bị dịch bệnh kì dị này "viếng thăm" một lần nữa!

Dịch bệnh quái ác khiến bệnh nhân nhảy múa điên cuồng và kiệt sức đến chết, cách chữa trị điên rồ và nguyên nhân mãi là bí ẩn! - Ảnh 1.

Tranh minh họa dịch bệnh nhảy múa kì quái với cảnh người dân khiêu vũ bên cạnh những bộ xương

Một ngày tháng 7 năm 1518, tại Thành phố Strasbourg, vùng Alsace (nước Pháp ngày nay), một người phụ nữ tên Frau Troffea bỗng bước ra phố lớn và bắt đầu uốn éo, xoay người, lắc lư một cách vô cùng kì quái. Cứ ngỡ như cô đang gặp chút vấn đề nào đó nên cần chút "nhảy múa" để giải tỏa nhưng không! Điệu múa quái đản ấy kéo dài một canh giờ, hai canh giờ, nửa ngày rồi suốt ngày đêm.

Không một tiếng nhạc, Troffea nhảy múa với một gương mặt vô hồn, không một chút cảm xúc hân hoan, cứ thế cô khiến cả thị trấn nơi cô sinh sống khiếp vía. Sau 6 ngày nhảy múa không ngừng nghỉ, người phụ nữ kiệt sức và chết, một cái chết đầy đau đớn mà khó ai có thể tưởng tượng ra.

Dịch bệnh quái ác khiến bệnh nhân nhảy múa điên cuồng và kiệt sức đến chết, cách chữa trị điên rồ và nguyên nhân mãi là bí ẩn! - Ảnh 2.

Nhiều người đã cố ngăn những nạn nhân nhảy múa, nhưng bất lực

Chưa dừng lại ở đó, điệu múa "ma quái" của Troffea đã thu hút khoảng 30 người ở quanh khu vực đó cùng tham gia. Và họ gia nhập "vũ đoàn" chết chóc trên, nhảy múa không ngừng mà không có chút cảm xúc nào, tạo nên một cảm giác quỷ dị thay vì niềm hân hoan thường được các điệu nhảy mang lại.

Sau 1 tháng, tổng cộng khoảng 400 người, chủ yếu là nữ giới khắp thành phố cũng bị thôi thúc mãnh liệt vào cuộc nhảy múa cuồng loạn tập thể. Một tài liệu lịch sử ghi lại rằng trong tháng 7 đó, dịch bệnh nhảy múa đã giết chết khoảng 15 người mỗi ngày vì kiệt sức.

Dịch bệnh quái ác khiến bệnh nhân nhảy múa điên cuồng và kiệt sức đến chết, cách chữa trị điên rồ và nguyên nhân mãi là bí ẩn! - Ảnh 3.

Hình ảnh minh họa về dịch bệnh: Nhảy nhót đến khi chỉ còn là những bộ xương khô

Khi bệnh dịch nhảy trở nên tồi tệ hơn, các nhà chức trách thời bấy giờ đã tiến hành điều tra. Trước hết, họ loại trừ các nguyên nhân "siêu nhiên" hoặc mang tính tâm linh và tạm kết luận đây là "căn bệnh tự nhiên" do "máu nóng" gây ra. Các ghi chú từ bác sĩ, bài thuyết giáo của nhà thờ, biên niên sử địa phương và khu vực cũng như các báo cáo trong lịch sử của Strasbourg cũng đều ghi nhận sự kiện nhảy múa "ma quỷ" này, nhưng nguyên nhân chính thức không một ai có thể kết luận. Đây vẫn là một trong những dịch bệnh bí ẩn nhất trong lịch sử nhân loại.

Chính quyền Strasbourg lúc bấy giờ tin rằng cách để chữa bệnh cho người dân là để họ... nhảy nhiều hơn nữa, khi kiệt sức sẽ tự khắc bỏ cuộc như một cách "dĩ độc trị độc". Vì vậy, chính quyền còn thuê cả dàn nhạc, dựng nhiều sân khấu trên phố cho mọi người nhảy. Hành động sai lầm này càng khiến dịch bệnh thêm trầm trọng. Các sân khấu lẽ ra là nơi để giải trí, vui tươi lại trở thành những nơi "thi hành án tử" đầy ám ảnh.

Dịch bệnh quái ác khiến bệnh nhân nhảy múa điên cuồng và kiệt sức đến chết, cách chữa trị điên rồ và nguyên nhân mãi là bí ẩn! - Ảnh 4.

Mọi phương thức chữa trị đều vô hiệu, chính quyền thậm chí còn nghĩ cách "lấy độc trị độc" nhưng chỉ làm mọi thứ tồi tệ hơn

Mãi đến tháng 9 năm đó, dịch bệnh mới chấm dứt một cách đột ngột như cách nó xuất hiện, đầy huyền bí. Những bệnh nhân chưa tử vong lấy lại được ý thức và quay về cuộc sống bình thường. Về sau, dịch bệnh nhảy múa cũng được ghi nhận tại Hà Lan, Đức, Thụy Sĩ,... dù quy mô và số người thiệt mạng không bằng mùa hè năm 1518 tại Pháp.

Đây không phải là lần đầu tiên "dịch bệnh nhảy múa" xuất hiện trên thế giới. Triệu chứng bệnh kì quái này được ghi nhận lần đầu vào đêm Giáng sinh năm 1021 tại một thị trấn ở Đức khi 18 người cùng nhảy điên cuồng phía bên ngoài một ngôi Nhà thờ, làm gián đoạn đêm Thánh lễ Giáng sinh. Dịch bệnh sau đó bùng phát lẻ tẻ ở Châu Âu vào các năm 1247, 1374 và nặng nhất chính là năm 1518.

Dịch bệnh quái ác khiến bệnh nhân nhảy múa điên cuồng và kiệt sức đến chết, cách chữa trị điên rồ và nguyên nhân mãi là bí ẩn! - Ảnh 5.

Theo nhà sử học John Waller - giảng viên Lịch sử Y học và Sinh học tại Đại học Melbourne (Australia), đồng thời là một người đã nghiên cứu và viết sách về dịch bệnh này cho biết, khi nhảy múa các bệnh nhân được ghi nhận trong các tài liệu sẽ có "ánh mắt ngây dại, ngước lên trời, tay chân co giật, quần áo thì ướt đẫm mồ hôi, yếu ớt không sức sống". Y học hiện đại dựa trên các triệu chứng này để miêu tả đây là triệu chứng mê sảng, hưng phấn quá độ.

Tuy nhiên, lí do khiến hàng trăm người đồng loạt hành động bất thường, tự nhảy vào chỗ chết sau 5 thế kỷ vẫn là một bí ẩn với giới khoa học. Đa số mọi người đều cho rằng các nạn nhân dịch bệnh đã mắc một chứng bệnh thần kinh vì stress nặng. Nhưng điều gì khiến nhiều người bị stress nghiêm trọng cùng lúc như vậy thì vẫn còn đang tranh cãi, đặc biệt là việc nhảy múa liên tục 24/24 như thế vẫn khó lí giải.

Tiến sĩ John Waller đưa ra giả thiết rằng những người đã tham gia vào cuộc nhảy múa ăn phải lúa mạch đen bị ẩm mốc. Khi lúa mạch đen ẩm sẽ tạo ra loại nấm ergot chứa chất độc sinh ra ảo giác. Thế nhưng các nhà khoa học vẫn chưa giải thích được vì sao mọi người có đủ sức nhảy liên tục trong nhiều ngày như vậy mới chết vì ảo giác do nấm ergot tạo ra thường chỉ tồn tại trong thời gian ngắn một hoặc hai ngày. Bên cạnh đó, các loài thực vật chứa độc dược khác như cây cà độc dược cũng bị nghi ngờ là thủ phạm gây ra bệnh nhảy múa nhưng vẫn có sơ hở tương tự như trường hợp lúa mạch đen nói trên.

Lúa mạch đen (trái) và cà độc dược (phải)

Vào thời điểm xảy ra câu chuyện, thành phố Strasbourg đang xảy ra nạn đói khủng khiếp. Có nhà nghiên cứu nhận định rằng do quá đói nghèo, cùng quẫn, rối loạn tâm lý khiến người dân nghèo phát điên và cùng nhau "biểu tình" theo cách tiêu cực và điên rồ nhất. Tuy nhiên, ngay cả những đám đông hiện đại cũng không đủ sức để "nhảy nhót" đến chết như thế, nên giả thiết này cũng khó đứng vững.

Dịch bệnh quái ác khiến bệnh nhân nhảy múa điên cuồng và kiệt sức đến chết, cách chữa trị điên rồ và nguyên nhân mãi là bí ẩn! - Ảnh 7.

Strasbourg ngày nay là một thị trấn yên bình của nước Pháp

Trải qua hàng trăm năm, với nhiều nghiên cứu dưới góc độ y khoa lẫn lịch sử, các nhà khoa học chưa ai dám khẳng định chính xác đâu mới là nguyên do của đại dịch nhảy múa điên cuồng diễn ra vào những năm Châu Âu thời Trung cổ nói trên. Nó vẫn mãi là một trong những bí ẩn lớn nhất của thế kỷ 16 và trong cả lịch sử y khoa của nhân loại.

Nguồn: The Lancet

Chia sẻ