Đi lính về biết người yêu cũ đã ly hôn, anh bộ đội quyết tâm bù đắp mặc bố mẹ ngăn cản, hôn nhân chật vật
Trong thời gian chú Lý đi bộ đội, cô Nguyệt ở nhà đã lập gia đình với người đàn ông khác và có một đứa con riêng.
Hàn gắn với người yêu cũ đã qua một lần đò, có con riêng
Gần 40 năm về trước, chú Võ Công Lý (hiện 67 tuổi, quê Thủ Thừa, Long An) quen cô Đặng Thị Nguyệt (hiện 62 tuổi, ở quận Bình Tân, TP.HCM) qua người anh trai của cô Nguyệt.
Thấy chú Lý và người tốt, có tài, hiểu biết sâu rộng nên anh trai cô Nguyệt ngỏ ý muốn mai mối cho em gái. Khi nghe anh trai nói chuyện, cô Nguyệt dù chưa gặp mặt nhưng trong lòng đã thấy ngưỡng mộ.
Một lần lên thăm anh trai, cô Nguyệt và chú Lý gặp nhau. Trong khi chú Lý chưa có ấn tượng gì thì cô Nguyệt vốn đã cảm mến người bạn của anh trai nay lại càng thích hơn vì cô thấy chú rất đẹp trai.
Sau này, anh trai cô Nguyệt thường rủ chú Lý về nhà chơi. Qua nhiều lần gặp gỡ, tiếp xúc, chú Lý thấy cô Nguyệt là người phụ nữ chăm chỉ, khéo léo, đảm đang việc nhà cửa. Dần dần, chú nảy sinh tình cảm với cô Nguyệt.
Mỗi lần thấy chú Lý về chơi là cô Nguyệt rất vui. Thấy chú hiền lành, nhút nhát, cô chủ động “tấn công”, hay chọc ghẹo và “bật đèn xanh” cho chú. Ban đầu, cả hai chỉ gặp gỡ ở nhà của cô Nguyệt, sau đó mới cùng nhau đi chơi, hẹn hò, uống nước mía. Mối quan hệ của cô chú giống như: “Mặt trong như đã bên ngoài còn e”. Chú Lý chưa từng nói lời yêu thương hay hứa hẹn gì với cô.
Vài tháng sau, chú Lý nhận lệnh lên đường nhập ngũ, tham gia chiến tranh biên giới ở Campuchia. Vì đi khá gấp nên chú chưa kịp nói lời chia tay, dặn dò bạn gái. Lâu không thấy chú tới chơi, cô Nguyệt hỏi anh trai mới biết chú đã đi bộ đội.
Cô Nguyệt chủ động viết thư gửi cho chú Lý. Vài lá thư đầu còn có hồi âm nhưng sau đó, chiến tranh ác liệt đã khiến cô chú mất liên lạc.
“Tuổi trẻ bồng bột, anh Lý đi không hứa hẹn gì, gửi thư cũng không có hồi âm nên tôi đã yêu người khác, kết hôn và có một đứa con gái. Khi đến với người này, tôi không tìm hiểu kỹ. Con chưa đầy 1 tuổi thì chúng tôi chia tay. Tôi một mình nuôi con. Khi anh trai tôi liên lạc được với anh Lý thì cũng nói chuyện của tôi cho anh ấy biết”, cô Nguyệt kể.
Biết tin, chú Lý rất buồn nhưng tự nhủ bản thân chẳng hứa hẹn gì nên không thể trách cô Nguyệt.
Năm 1983, chú Lý đi bộ đội về thấy hoàn cảnh một mẹ một con của cô Nguyệt rất vất vả, thương đứa trẻ còn nhỏ mà thiếu thốn tình cảm. Sau 1-2 lần ghé chơi, chú Lý nghĩ lại, thấy mình cũng có một phần lỗi. Phải chi năm xưa chú dặn dò, hứa hẹn thì cô Nguyệt đã không gãy gánh giữa đường.
Chú Lý chủ động hàn gắn nhưng lúc này cô Nguyệt đã ở tâm thế khác nên cảm thấy tự ti. Cô cảm thấy bản thân không xứng đáng, càng không muốn ai thương hại mình. Cả bố mẹ của cô Nguyệt lẫn chú Lý cũng đều phản đối chuyện của hai người, đặc biệt là gia đình chú.
Khó khăn không ít, nhưng chú Lý vẫn quyết tâm đến với cô Nguyệt. Đặc biệt, con riêng của cô Nguyệt rất quý chú Lý. Mỗi lần chú tới chơi là bé theo. Khi bế bé đi chơi, ai cũng khen đứa trẻ nhìn giống chú Lý.
Hơn 1 năm sau ngày gặp lại, cô chú chính thức trở thành vợ chồng. Vì bố chú Lý gặp tai nạn qua đời nên cô chú không tổ chức đám cưới. Hai vợ chồng được bố mẹ cô Nguyệt cho một căn nhà ở TP.HCM. Một thời gian sau, mẹ của chú Lý cũng chấp nhận chuyện tình cảm của các con.
Chật vật vượt nghèo khó
Cuối năm 1985, chú Lý và cô Nguyệt sinh đứa con chung đầu tiên. Vợ chồng mới cưới, cuộc sống vô cùng chật vật. Chú Lý thấy nếu cứ làm công ăn lương thì không ổn nên vay mượn để mua chiếc xe tải chở hàng. Vì ít tiền, mua xe cũ nên bị hỏng liên tục, nợ chồng nợ. Có những ngày vợ chồng con cái phải sống trong cảnh trốn tránh chủ nợ đến nhà tìm.
Cô Nguyệt làm nghề cô nuôi dạy trẻ, lương thấp và nhiều đặc thù nên chính các con của cô lại là người phải chịu thiệt thòi. Giai đoạn khó khăn nhất, chú Lý chạy xe tải vào Kon Tum bị kẹt lại mấy tháng không về, cũng không gửi tiền về cho vợ nuôi con. Cô Nguyệt đành ôm con nương nhờ nhà ngoại.
Nhọc nhằn là vậy nhưng cô chú chưa bao giờ nghĩ đến chuyện buông tay nhau mà chỉ cố gắng vượt qua, chăm chỉ làm lụng, trả hết nợ nần, cho con cái được đủ điều kiện ăn học.
Với cô Nguyệt, trong thâm tâm lúc nào cũng mang ơn chú Lý, vì chú đã luôn yêu thương cô và các con.
Năm 1987, cô chú trả hết nợ, cuộc sống dần ổn định. Chú Lý mua thêm một chiếc xe, thuê người chạy còn chú ở nhà chăm sóc con cái, đỡ đần việc nhà cửa. Nhờ vậy, cô Nguyệt cũng đỡ vất vả.
Chú Lý là kiểu người thương nhưng để trong lòng, không nói ra. Sau 38 năm hôn nhân, lần đầu tiên chú khẽ khàng bộc bạch với vợ: “Anh rất trân quý tình cảm và sự hy sinh của em đối với gia đình. Anh không biết nói gì cả, chỉ biết cảm ơn em” khiến cô Nguyệt bất ngờ và hạnh phúc.
Nguồn: Tình trăm năm